Bạn đọc viết

Cố gắng đổi mới dạy sử để học sinh thích học sử

Ban Tuyên giáo huyện Hoài Đức cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức chuyên đề dạy Lịch sử địa phương theo hướng tích hợp liên môn, vận dụng tinh thần đổi mới phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm”, được thực hiện dạy mẫu ở 2 cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS).


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Bác Hồ đã dạy: Dân ta phải biết sử ta. Băn khoăn về dạy sử thế nào để học sinh thích học sử địa phương, tôi đến dự tiết “Lịch sử địa phương” của trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức - Hà Nội) của cô giáo Phạm Thị Vân thực hiện tiết dạy mẫu chuyên đề Lịch sử địa phương do Ban Tuyên giáo huyện Hoài Đức phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đó là một tiết học trong chương trình Lịch sử địa phương dành cho khối lớp 7 với bài “Truyền thống của người Hoài Đức”. Về dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo huyện Hoài Đức, lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo cùng các thầy cô hiệu trưởng và toàn bộ giáo viên dạy sử của các trường THCS trong toàn huyện.

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, học sinh được chuẩn bị trước bài học từ nhà bằng cách sưu tầm tư liệu lịch sử của địa phương mình. Các em được tích hợp kiến thức Lịch sử với Địa lý qua hoạt động nhóm với các câu hỏi như: “Hoài Đức được bao bọc bởi những con sông nào”? “Hiện nay Hoài Đức có bao nhiêu xã, thị trấn”? “Địa hình chủ yếu của Hoài Đức là gì”? Các em cũng được tích hợp các vấn đề xã hội bằng cách tìm hiểu trả lời các câu hỏi nhóm như: “Nhân dân Hoài Đức chủ yếu làm nghề gì”? “Hoài Đức có bao nhiêu làng nghề”? “Em hãy kể tên một số làng nghề tiêu biểu”?...

Việc thảo luận nhóm đã phát huy khả năng tự chuẩn bị bài ở nhà của học sinh. Các em được biết thêm về nhiều làng quê khác nhau của huyện mình, hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống lao động của người Hoài Đức. Qua phần thuyết trình trước lớp, các em đã rèn kỹ năng nói trước đám đông, diễn giải lập luận một vấn đề. Học sinh trong lớp cũng được đặt câu hỏi cho bạn trả lời và tự các em đã góp phần minh họa phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm” của cô giáo

Trên bục giảng, cô giáo Phạm Thị Vân đã dẫn dắt các em đến với “Con người Hoài Đức và truyền thống hiếu học”. Học sinh tự xây dựng một tiểu phẩm giới thiệu những người con Hoài Đức như Giáo sư Nguyễn Tài Thu (người xã Kim Chung), Tiến sĩ Đỗ Kính Tu (người Vân Canh), Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (người Lai Xá)… cùng nhiều vị danh nhân khoa bảng khác của thời xưa và những người con Hoài Đức thành danh trên mọi lĩnh vực của thời nay.

Với chủ đề “Hoài Đức với truyền thống chống giặc ngoại xâm”, các em đã được biết thêm về truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của người Hoài Đức gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc qua việc làm phiếu học tập, qua những câu chuyện kể về thôn xã mình của các bạn trong lớp, được sưu tầm từ bố mẹ, ông bà và tham khảo nguồn tư liệu địa phương. Đặc biệt di tích Quán Giá tại làng Cổ Sở (nay là xã Yên Sở - Hoài Đức) có nói về chiến công của anh hùng Lý Phục Man trong khởi nghĩa Lý Bí; hay vùng đất Vân Canh với những kỷ vật của Bác Hồ kính yêu được lưu giữ tại thôn Hậu Ái. Những quá khư bi hùng của “Tiếng bom Sấu Giá” tại xã Đắc Sở, của “Tượng đài đau thương căm thù chiến thắng” tại thôn Yên Bệ, trong trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972 đánh máy bay B52 của quân và dân thủ đô, mà huyện Hoài Đức là một trong những nơi trọng điểm. Qua giờ học các em được biết thêm quanh mình có biết bao con người bình dị mà kiên cường, gần gũi hàng ngày.

Sau tiết dạy, các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp bổ sung cho Bộ tài liệu Lịch sử địa phương của Hoài Đức (Do ban Tuyên giáo huyện biên soạn dựa vào những cuốn “Lịch sử Đảng bộ” của các xã, thị trấn) và có nhiều ý kiến xây dựng cách dạy môn Lịch sử địa phương sao cho vừa thực hiện tinh thần đổi mới phương pháp theo Công văn 10801 của Sở Giáo dục Hà Nội, lại vừa truyền thụ kiến thức đến học trò, giúp các em thêm yêu miền quê mình, thêm hứng thú với môn Lịch sử.

Nhìn chung, bộ tài liệu “Lịch sử địa phương Hoài Đức” được biên soạn phù hợp cho từng cấp học (từ cấp Tiểu học đến THCS, THPT). Sau khi hết chương trình THPT các em sẽ có nhận thức đầy đủ về Lịch sử địa phương Hoài Đức. Được biết trước đây, ban Tuyên giáo huyện Hoài Đức cũng đã cho ra đời cuốn “Hoài Đức – một vùng văn hóa dân gian”. Hy vọng rằng cùng với cuốn sách ấy cùng bộ tài liệu “Lịch sử địa phương Hoài Đức” khi được đưa vào giảng dạy chính khóa trong chương trình Lịch sử địa phương của các cấp học, sẽ giúp cho thế hệ trẻ Hoài Đức hiểu về nguồn cội, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, niềm tự hào với truyền thống của cha ông và thêm yêu môn lịch sử.

Diễm Nguyệt