Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2
"Cô gái ngành y" - bài ca đi cùng năm tháng
(Dân trí) - Xin được bày tỏ lòng tri ân các chiến sĩ ngành y đã cùng toàn dân tộc Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự yên tâm cho nhân dân đón xuân an toàn vui vẻ.
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, chúng ta lại được nghe một giai điệu cao vút: "Dưới những mái nhà thương của đất trời Thủ đô Hà Nội, thấp thoáng bóng áo choàng trắng ngời, như nhũng bông hoa huệ của đời…". Đó là bài hát "Cô gái ngành Y" - một sáng tác của nhạc sĩ Lưu Cầu.
Lời bài hát như sau:
Dưới những mái nhà thương của đất trời Thủ đô Hà Nội , Thấp thoáng bóng áo choàng trắng ngời như những bông hoa huệ của đời. Đất nước đang độ xuân tươi hoa đua nở ngành Y. Khi mùa xuân về ta nhớ năm nào Bác gửi lời khuyên: Lương y phải như mẹ hiền. Bao tháng ngày qua bên những bệnh nhân quê từ phương lạ mà tình thương như thể người nhà.
Ơi cô gái ngành Y, ai biết canh thâu thức tròn đêm trắng, mà sáng nay mắt vẫn sáng ngời mang ánh vui tươi tỏa đến, đến mọi nơi.
Ơi cô gái ngành Y! Đã thức thâu đêm đón cành hoa mới. Một bé thơ bước vào với đời, giang cánh tay hoa chào cô gái, gái ngành Y.
Bài hát được ra đời năm 1970, hưởng ứng vận động sáng tác ca khúc cho ngành Y do Bộ Y tế phát động. Bài được viết theo nhịp 4/4.
Mở đầu là hình ảnh thân thuộc của những thầy thuốc áo trắng trong bệnh viện. Nhưng tác giả không dùng từ "bệnh viện" mà gọi "những mái nhà thương" - một từ dân dã của nhân dân gọi các cơ sở khám chữa bệnh lúc bấy giờ. Những cô y tá, bác sĩ ngoài đời có thể mang tên một loài hoa như Hồng, Cúc, Lan… nhưng tác giả ví các cô là "những bông hoa huệ của đời". Bởi hoa huệ là loài hoa trắng trong tinh khiết, tấm lòng của các cô cũng tinh khôi trắng trong như loài hoa đó.
Những "bông hoa huệ" tinh khôi ấy nở tươi trong vườn xuân - vườn hoa việc tốt - của đất nước trong dịp đầu xuân mới, đã "tỏa hương" qua việc làm đẹp đầy ý nghĩa: chữa bệnh cứu sống mọi người.
Chẳng ai trong đời muốn ốm đau, nhưng nếu không may bị bệnh, được bàn tay chăm sóc của các y bác sĩ tận tình chu đáo thì họ đều biết ơn và cảm nhận được tình thương yêu "như thể người nhà" ấy.
Vào thời điểm sáng tác bài hát (năm 1970), lúc đó "văn hóa phong bì" chưa len lỏi vào cuộc sống. Người nhà bệnh nhân tạ ơn bác sĩ bằng những giỏ khoai lang, cây trái vườn nhà bằng cả tấm lòng biết ơn, và bác sĩ đón nhận tấm lòng của họ bằng một sự trân trọng đáng quý. Người thầy thuốc thấy vui khi mình vừa cứu sống bệnh nhân, lại được nhận tấm lòng chân thành của họ, còn gì xúc động hơn.
Tác giả Lưu Cầu đã nói lên suy nghĩ của mình qua một ca khúc đầy tính nhân văn, chứa chan tình cảm, tình người của một nghề cao quý, thể hiện tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ.
Trong cuộc đời của mỗi người, từ khi chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay đều đã từng có bàn tay chăm sóc của y bác sĩ, có ai quên được công lao của họ đối với nhân dân.
Mỗi người khi tốt nghiệp trường Y đều phải thuộc lời thề Hypocrat. Riêng ở Việt Nam, người tốt nghiệp ngành y còn phải thuộc các điều răn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, và nằm lòng lời căn dặn của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu".
Tác giả bài hát đã khéo léo đưa chi tiết này vào bài hát, nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ "khi mùa xuân về ta nhớ năm nào Bác gửi lời khuyên: Lương y phải như mẹ hiền". Thực tế các cán bộ ngành Y đều biết: bệnh nhân đều là người lạ, không hề có máu mủ ruột rà thân thích với mình, nhưng nhớ lời Bác dạy đều coi họ "như thể người nhà".
Đến đây, ta hình dung ra nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng những chiến sĩ quân y trong chiến trường: trên đầu là đạn bom, dưới chân là chông gai, bên cạnh là những đồng đội cần được cứu sống. Người bác sĩ giữa chiến trường đều phải sáng tạo bằng những phương tiện hiện có tìm mọi cách để cứu sống đồng đội. Họ vừa là thầy thuốc, là anh nuôi, là người mẹ chăm lo từng giấc ngủ miếng ăn, vừa động viên an ủi thương binh, lại nhường cơm sẻ áo, thậm chí san sẻ từng giọt máu của mình để tiếp cho đồng đội khi cần. Và nếu chẳng may bất lực trước hoàn cảnh khi không cứu sống nổi đồng đội, thì chính họ lại khâm liệm và đưa tiễn bạn bè về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bài hát như lắng lại bởi cảm xúc trào dâng, để rồi chợt vút lên như một tiếng reo vui trước sự lạc quan, vượt khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Một đêm thức trắng trông bệnh nhân mà có "ai biết canh thâu thức trọn", nhưng sáng dậy vẫn quên mệt nhọc "mang ánh vui tươi tỏa đến mọi nơi".
Những đêm trắng ấy có thể là chăm sóc bệnh nhân nặng, cũng có khi là niềm vui đón chào một sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Nỗi vất vả đều tan biến khi "cánh tay hoa" nhỏ bé của thiên thần huơ huơ như chào y bác sĩ - những bông huệ trắng tinh khôi. Một cái kết có hậu bằng một câu hát trọn vẹn "Cô gái ngành Y! Đã thức thâu đêm đón cành hoa mới. Một bé thơ bước vào với đời, giang cánh tay hoa chào cô gái ngành Y.
Nhạc sĩ Lưu Cầu sáng tác bài hát này hưởng ứng cuộc vận động sáng tác ca khúc cho ngành Y của Bộ y tế phát động năm 1970. Ngay sau khi ra đời, bài hát đã được phổ biến rộng rãi và trở thành một trong số những bài hát truyền thống của ngành Y. Nhiều ca sĩ đã hát "Cô gái ngành Y", nhưng thành công nhất vẫn là giọng hát cao vút của ca sĩ Bích Liên.
Ngành y tế của Việt Nam nhiều năm trở lại đây đã thu được những thành tựu đáng tự hào. Những ca ghép tạng thành công, ca mổ tách dính liền hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi… Và bây giờ, trong khi nhiều nước dịch Covid-19 đang bùng phát khó kiểm soát, thì ở nước ta, cả thế giới phải thán phục khi ngành y tế Việt nam đã có phác đồ điều trị đúng, đẩy lùi dịch covid-19.
Trong những ngày Tết nguyên đán Tân Sửu cận kề, cả dân tộc đang cùng ngành y căng mình chống lại dịch covid-19, bài hát lại vang lên như một lời biết ơn các y bác sĩ - những thiên thần áo trắng - đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch.
Biết ơn các anh chị ngành y, mỗi chúng ta hãy thực hiện tốt thông điệp 5K để cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Đã mấy chục năm trôi qua, mỗi dịp kỷ niệm hoặc trong các buổi Hội diễn của ngành Y, cùng với "Tiếng đàn người chiến sĩ lương y" của nhạc sĩ Thái Cơ, "Hoa huệ trắng", của nhạc sĩ Hoàng Vân, "Người chiến sĩ áo trắng" của Hà Té…. Bài hát "Cô gái ngành Y" của nhạc sĩ Lưu Cầu là nốt nhạc vút cao trong bản hòa tấu của ngành Y - Dược cả nước. Đã nhiều năm qua đi, người viết bài hát này giờ đã sang thế giới bên kia, nhưng giai điệu của ca khúc "Cô gái ngành Y" vẫn còn mãi với thời gian.