Chuyện về "điều ước Hà Nội" và chuyện “những người thích ầm ĩ”

(Dân trí) - Ăn cơm mới, nói chuyện cũ mà vẫn… thời sự. Đúng vậy, cảnh phố phường yên tĩnh, vắng lặng sáng mùng 1 Tết đã có bao năm nay mà vẫn gợi lên trong lòng những người yêu Hà Nội nhiều xúc cảm. Ngược lại, chuyện cấm đốt pháo người dân mừng đã lâu, vậy mà…

Chuyện về điều ước Hà Nội và chuyện “những người thích ầm ĩ”
Những tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm không còn cảnh ồn ào của ô tô, xe máy qua lại chiều 29 – cũng là 30 Tết (ảnh: Quang Phong)

 

Điều ước cả năm

 

Dù có đi bốn phương trời

Lòng vẫn nhớ về Hà Nội

Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu…

 

Nỗi niềm đó đâu phải chỉ của riêng những người gốc…thật sự của Hà Nội, mà có trong mọi con tim người Việt ở bất kỳ nơi đâu không kể trong hay ngoài biên giới VN. Nhưng tiến trình phát triển cũng đã để lại những mặt trái lẽ ra có thể tránh được nếu Ý THỨC được đặt lên hàng đầu ở mọi con người VN và được thể hiện trong mọi lĩnh vực của xã hội, của nền kinh tế, của cuộc sống…

 

Nếu được như vậy thì chúng ta đâu còn phải nuối tiếc, phải ước một điều giản dị nhưng mỗi năm chỉ có được trong vài ba ngày Tết (và gần được vào đôi dịp lễ khác). Ngắm cảnh lại nhớ người, lại được sống cùng những hồi ức đẹp về thủa ấu thơ, về tuổi trẻ và tình yêu, những xúc động đầu đời…

 

Nhưng nếu thế có lẽ Diễn đàn không có được những sẻ chia dù ngắn, dù dài đều đậm đà cảm xúc, sự nồng nàn, chân thành thật sự đi vào lòng người, nói thay cho bao người (nhất là những ai có được “nhà tôi ở đó” trong những con “phố nhỏ, ngõ nhỏ”)… như thế này ngay trong những ngày đầu Xuân mới…

 

“Đẹp quá Hà Nội ơi! Ta yêu mi những lúc mi như được đắm mình trong mộng! Ta yêu mi vì cái bình yên trong mi chỉ có 1/365 ngày! Ta khóc khi nhìn mi trong suy tư, để rồi ta lại quặn lòng nhìn mi ồn ào náo nhiệt, bon chen! Chúc mi một ngày bình yên. Hẹn mi mùng 1 Tết năm sau! Hà Nội ơi, chào mi!” - Phi Phi:  Daopc@yahoo.com

 

“Hà Nội ngày Tết đẹp quá, tiếc là cảnh đó chỉ kéo dài được 1 vài ngày…” – Vu Nguyen Thanh: nguyenthanh@yahoo.vn

 

“Đây mới đúng là Hà Nội, vừa nhẹ nhàng, vừa gần gũi, vừa tĩnh lặng. Cảm ơn người đã chụp những bức ảnh này. Thật thân thương biết bao.....ôi Hà Nội của tôi!” – Le Ha:  boyhanoi_songcodon@gmail.com

 

“Dù quanh năm phải gồng  mình với còi xe và khói bụi, nhưng Hà Nội của tôi vẫn mãi đẹp mỗi độ Xuân về. Chúc Hà Nội luôn bình yên như thế! Tôi mãi yêu Hà Nội…” – Vu Van Khoi: vuvankhoi@gmail.com

 

“Yêu lắm Hà Nội của tôi những ngày Tết thật bình yên mà sâu lắng…” - Nga:  thanhnga9283@yahoo.com

 

“Mình yêu cái cảm giác ra đường vào sáng mùng 1 Tết như thế này… thanh bình và yên tĩnh, không khói bụi, không chen lấn xô bồ…. Giá mà Hà Nội của mình lúc nào cũng được như vậy...” - Kim Chi:  dungnt8x@yahoo.com

 

“Ôi Hà Nội của tôi…Ngắm thành phố bình yên lại nhớ về thời thơ ấu…” - Tran Thi Kim Loan:  loandco70@yahoo.com.vn

 

“Ước gì Hà Nội luôn bình yên…Ngày Tết mới thấy đây là đường phố của người Hà Nội thủa nào…Không gian thật tĩnh lặng, không xô bồ, bon chen, ồn ào, ầm ĩ… Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội – Thủ đô yêu quý” - Huong Nguyen:  huonh27@yahoo.com

 

“Đẹp và càng nhớ Hà Nội… Nhà tôi ở phố Hàng Bạc… Chúc Hà Nội vẫn giữ được sự bình yên trong tiến trình phát triển thịnh vượng!” – Trung: trongphap2009@gmail.com

 

“Hà Nội những ngày Tết thật bình yên. Dù Hà Nội có thế nào thì mỗi lần đi xa mình vẫn thật nhớ Hà Nội và ngôi nhà nhỏ bé của mình” - Trần Tuấn Anh:  Mrtuananh86hn@gmail.com

 

“Ôi Hà Nội sáng mùng một Tết bao giờ cũng tĩnh lặng. Có điều các bạn chưa nói hết, đó là đuờng phố rất sạch. Cần nói lời cảm ơn các anh chị của công ty môi trường đô thị, họ luôn làm đẹp cho mọi người. Giá như mọi người đều có ý thức hàng ngày, chắc vệ sinh phố xá sẽ tốt hơn” - Trần Thị Ngân:  nganrandall@yahoo.com
 
Phố Hà Trung sáng mùng 1 Tết (ảnh: Hữu Nghị)
Phố Hà Trung sáng mùng 1 Tết (ảnh: Hữu Nghị)

 

Những người thích ầm ĩ?

 

Một điều ước khác (nếu có thể nói như vậy) cũng được không  ít bạn đọc nêu lên, khi  tham gia vào cuộc tranh luận  đầu Xuân quanh thông tin về một chuyện khác xem ra năm nào cũng xuất hiện trên mặt báo dịp Tết. Đó là việc nơi này nơi khác vẫn có những người dân tìm cách “xé rào”… đốt pháo nổ, để  rồi chính quyền sở tại sau đó lại lý giải do ngày tư ngày Tết (không tiện phạt?), do lực lượng mỏng...v.v..và..v..v…
 
Đường thôn Cổ Dũng đỏ rực xác pháo (ảnh chụp lúc 7 giờ sáng mùng 1 Tết, nguồn: báo Hải Dương)
Đường thôn Cổ Dũng đỏ rực xác pháo (ảnh chụp lúc 7 giờ sáng mùng 1 Tết, nguồn: báo Hải Dương)

 

“Điểm nóng” đốt pháo Tết này là dọc theo quốc lộ 5 từ xã Cộng Hoà đến xã Kim Lương của tỉnh Hải Dương – điều được chính bạn đọc xác nhận:

 

“Đúng là như bài báo đã nói, tôi lấy chồng về Hải Dương và chính xác hơn là ở huyện Kim Thành. Đêm giao thừa pháo nổ ầm ĩ như chưa hề bị cấm, tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi mọi người trong nhà sao không thấy công an đi bắt, mọi người cười tôi và bảo rằng: Làm sao mà bắt được? Tôi nghĩ rằng sao lại không bắt vì vi phạm đã rõ ràng, trong khi ở nơi khác người ta vẫn làm được đấy thôi? Mong các cơ quan chức năng xem xét và xử lý ngay, để không còn những cảnh như thế tiếp diễn nữa” - Nguyễn Thị Thuý:  Benanhgialanh@yahoo.com

 

“Quê tôi đó! Đêm giao thừa quê mình…vui lắm. Pháo hoa, pháo nổ kéo dài đến 30 phút cơ. Lai Khê - Cộng Hòa quê mình thật là… vui....” –  Lê Văn Hải:  hai.levan.98@facebook.com
 

“Nếu thích xem đốt pháo, đêm 30 Tết mời các bác đến thị trấn Minh Tân, Hải Dương nhé! Đủ các loại pháo luôn và năm nào cũng vậy…” – Thoi xa xua: ex@gmail.com

 

“Ô hô ô ô ô...Kim Thành nhà tớ năm nay lại được lên báo cơ à? Nhưng như thế này thì vẫn còn chưa ăn thua gì..:)))” - Bùi Văn Lập:  visaokhongten2309@gmai.com

 

Để giải thích cho điều ước tréo ngoe vì rõ ràng là ngang nhiên vi phạm lệnh cấm này, những người có lẽ là… thích ầm ĩ lại viện dẫn nào là  nét xưa truyền thống, nào là có tiếng pháo mới vui, mới là Tết (nhất là ở vùng nông thôn, không có điều kiện đi xem bắn pháo hoa)…Mà chắc họ quên (hay cố tình lờ đi)  nhiều thực tế khác đã chứng minh những kết cục ngược lại ở đất nước mà có lẽ chính những người đó trước đây cũng từng nhiều lần phê phán rằng: những việc như thế “chỉ có thể có ở VN”???

 

Sau đây là một vài trong số những ý kiến nhẹ nhàng nhất, với những lý lẽ lẽ ra là đúng nếu dân ta có được ý thức cao như người dân các nước khác nói chung:

 

“Tết xưa năm nào cũng vậy, cứ từ 27-28 Tết là khắp làng trên xóm dưới đã nghe rộn ràng tiếng pháo. Đặc biệt là tiếng pháo giao thừa, nó không chỉ là thứ âm thanh báo hiệu một năm cũ đã qua đi, một năm mới đến mà nó còn là âm thanh của mùa xuân. Âm thanh đó như xua tan tất cả những mệt mỏi của năm cũ và làm tăng thêm động lực để con người ta phấn đấu tiếp trong năm mới. Dù ngày nay mỗi dịp Tết không còn được nghe tiếng pháo, nhưng trong lòng tôi vẫn không thể quên được thứ âm thanh quyến rũ, bồi hồi đó. Thật ngọt ngào, thật xao xuyến ... Tôi ước ao được trở về Tết xưa để cùng lũ bạn đi nhặt pháo...” - Hoàng Việt:  vieetj82@yahoo.com

 

“Thèm một hương vị Tết và ý nghĩa quá. Tết bây giờ cảm thấy chán và buồn tẻ, chóng đến rồi chóng qua chẳng để lại một cảm xúc nào. Tôi nghĩ, sau chắc chỉ vài chục năm nữa cái Tết Nguyên đán sẽ dần nhạt nhoà và không còn ý nghĩa nữa. Một dây pháo đốt tượng trưng cho sự mừng vui, khi cả gia đình sum họp…” - Nguyễn Đăng:  michale.dang@gmail.com...

 

“Quê tôi (Đông Triều- Quảng Ninh) pháo vẫn nổ đêm giao thừa hàng năm. Tuy không sôi sục bầu trời và kéo dài hàng giờ như ngày chưa cấm pháo, nhưng cũng đủ cho người quê tôi thấy rằng Tết nguyên đán…là cành đào, là cây quất, là bánh chưng... và bánh pháo” - Kasi Hati:  c0602l@gmail.com

 

Song thực tế thì sao? Điều ngược lại lập tức được chính số đông độc giả khác nhấn mạnh trong rất nhiều phản hồi:

 

“Ý thức kém, đốt pháo gây nhiều tai họa nên Chính phủ mới cấm....Cần phạt nặng chính quyền địa phương này làm điển hình, .không sẽ lại càng thêm phức tạp vì pháo cũng bị đưa vào “bảng xếp hạng” gây hại sau tai nạn giao thông đó” – An Binh:  anbinh@yahoo.com.vn

 

“Nguy hiểm! Tôi chỉ cảm thấy lo sợ khủng khiếp khi nghĩ đến những ngày Tết còn đốt pháo, nhất là mỗi khi đi ra đường, dù tiếng pháo đêm giao thừa cũng đem lại cho tôi những giây phút hân hoan đón chào năm mới không thể quên. Cảm ơn Chính phủ đã cấm đốt pháo” - Thanh:  nthanhtam11@yahoo.com

 

“Chính phủ ra lệnh cấm đốt pháo vì chẳng qua có quá nhiều người chết hoặc bị thương do tự làm pháo. Rồi khi vận chuyển thuốc nổ, pháo cũng gây tai nạn cho nhiều hành khách đi tàu, xe (như ở Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Đà..v..v..). Tốt nhất là nhà nước nâng cao hình phạt với những người vận chuyển pháo, thuốc nổ như ngoài phạt tiền thì còn mức phạt tù tối thiểu 5 năm trở lên...” - Trịnh Hoàng Giang (vnpt.group):  dienbinphuvietnam@yahoo.com

 

“ĐỐT PHÁO cho vui = đốt tiền, mù mắt, cháy nhà....Bây giờ mà cho đốt pháo thì bọn trẻ con quậy phá ném pháo vào nhà các bác, gây tai nạn cho người thân của các bác liệu các bác có chịu được không? Có vẫn nghĩ  là “ăn Tết phải cho đủ hương vị” như thế không mà vẫn lý  luận: “đốt pháo cho vui”. Cấm pháo là ĐÚNG. :D” – Can Tho:  tho571@yahoo.com.vn

 

“Pháo Tết thì vui đấy, nhưng không tốt vì gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ em, đặc biệt là trẻ em sơ sinh. Tôi đã chứng kiến một cụ ông phải cấp cứu vì khói pháo. Mỗi khi Tết đến, đều có thông tin về những địa phương, cơ sở bị cháy vì làm pháo, chứa pháo. Tết năm ấy tôi không quên được, con tôi mới được sinh ra có vài ngày là đến Tết, tôi phải đóng tất cả cửa lại, lấy giấy báo dán tất cả các lỗ thông hơi căn nhà lại, ấy thế mà căn nhà vẫn ngập tràn khói pháo. Đó là MỘT ĐÊM GIAO THỨA KHỦNG KHIẾP NHẤT với “kỷ niệm” về pháo của tôi. Cả Tết đấy tôi phải đứng trước cửa và năn nỉ các chú bé đừng đốt pháo vì con tôi luôn bị giựt mình khóc thét mỗi khi có tiếng pháo nổi. Có quý vị nói rằng mỗi gia đình chỉ cần được một phong pháo nhỏ thôi sao? Nhà nước đã thực hiện rồi, nhưng không sao quản nổi khi ý thức của nhiều người dân còn quá kém. Tóm lại Hại nhiều hơn Vui! TÔI ỦNG HỘ LỆNH CẤM ĐỐT PHÁO!” - Hoa Lan:  hoanlan5556@yahoo.com

 

“Ngày xưa nhà minh nghèo lắm, không có tiền để mà đốt pháo đêm giao thừa vì bố mẹ mình nói rằng “Đốt pháo là đốt tiền đó con ạ! Để tiền đốt pháo ta mua thêm cái áo mà mặc”. Mình tự nhủ rằng sau này lớn lên khi làm ra tiền, Tết đến sẽ mua nhiều pháo để đốt trong đêm giao thừa. Nhưng lệnh cấm đốt pháo làm cho mình quên đi điều mong ước ngày nào. Giờ lớn lên làm ra tiền nhưng mình không bao giờ tiếc nuối về ước muốn ngày nào. Càng ngẫm nghĩ điều cha mẹ nói, mình càng thấy đúng lắm: Đốt pháo là đốt tiền trong khi còn biết bao nhiêu người nghèo khó như mình ngày xưa rất cần được giúp đỡ. Thôi thì chúng ta hãy cùng vui vẻ quên đi tiếng pháo ngày nào vì rõ ràng là lợi bất cập hại.  Hãy luôn thực hiện nghiêm chỉnh lệnh cấm đốt pháo đi, các bạn nhé. Hãy dành tiền định đốt pháo đó mà ủng hộ cho người nghèo, để họ cũng có được cái Tết no đủ” – Duc Tan:  dthien20006@yahoo.com
 
Dành cho những ai còn ham đốt pháo (biếm họa, nguồn: 24h.com)
Dành cho những ai còn ham đốt pháo (biếm họa, nguồn: 24h.com)

 

Năm mới nói chuyện cũ, vui cũng có nhưng chuyện buồn và đáng lo ngại cũng chẳng hề ít và đều liên quan tới điều đã được mổ xẻ rất nhiều – Ý THỨC!

 

Khánh Tùng