Chuyện Phí, mấy ai có thể không lo

(Dân trí) - Sự quyết liệt của BT Thăng cùng ngành GTVT trong việc thúc đẩy giải pháp tăng thu phí nhằm giảm áp lực giao thông cho bằng được, xem ra ngày càng khiến sự thất vọng trong dư luận tăng lên. Cũng chẳng biết làm gì hơn, dân tình đành thở than, nói lý với nhau…

Chuyện Phí, mấy ai có thể không lo
Công nghiệp ô tô là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế (Ảnh: Đình Mười, xaluan.com.vn)

 

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

 

Nỗi buồn, nỗi thất vọng và bất lực tỏ rõ trong những ý kiến như của Dôcungminh minhkl1963@gmail.com: “Thu phí hạn chế phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông theo đề nghị của Bộ trưởng Thăng  thật phi lý quá,  như kiểu chặt cây rồi kéo đằng ngọn thôi?”

 

Hoặc nỗi cay đắng trong câu ví von về một “kỷ lục” mới có lẽ lại chỉ có ở VN ta chăng, như Pham Huynh phamhuynh2009@yahoo.com  hài hước: “Có lẽ rồi khi khách đến chỉ còn biết nói mỗi 1 câu: Chào mừng các bạn đến với Việt Nam, một đất nước với các loại phí.........”

 

Phùng Thức Phungthuchq@yahoo.com còn tỏ ra tiêu cực hơn: “Chả hiểu tại sao mọi người cứ tranh luận làm gì mà không thấy rằng từ trước đến giờ có những đề xuất không hợp lòng dân, mọi người vẫn tha hồ phản đối, mà các vị ấy vẫn cứ làm đấy thôi. Tôi dám cược là nếu chương trình này của bộ GTVT mà dừng được thì… chặt đầu tôi đi. Chỉ là  họ thực thi sớm hay muộn thôi....”

 

Nguyen Thanh Luan thanhluan_tkt@yahoo.com.vn vẫn “không thể tin được dù đó là sự thật: “Chỉ vì giảm ùn tắc giao thông ở vài thành phố lớn, mà các ông bày ra mấy thứ thuế nọ phí kia áp đặt lên người dân vậy là quá bất công, phi lí và phiến diện. Sao các ông không thử đặt mình vào hoàn cảnh những người dân lao động vất vả, phải làm việc cực nhọc để mưu sinh mà xem thế nào?

 

Lại thêm phí, vậy là lại thêm khoản tiền phải lo và người dân lại thêm vất vả. Lẽ nào các vị ấy vì có xe đưa, xe đón, đâu có phải trả tiền xăng, tiền phí, tiền dầu nên chỉ biết làm cho được việc của mình, có đâu quan tâm tới lòng dân? Đường sá các ngài làm mà tốt thì đâu có tắc đường kẹt xe, mà gánh nặng tắc đường kẹt xe lại đổ hết lên đầu dân  phải chịu như thế, đúng là quá khổ hết mức! Chắc dân thường như chúng tôi khó sống quá!”

 

Nói rõ thêm về sự lòng dân không thể đồng thuận, không thể vô tư ủng hộ dù đời sống  hiện nay không còn quá khó khăn như thời còn chiến tranh… ý kiến của nhiều bạn đọc tiếp tục nêu rõ những cái “chưa được” trong các "giải pháp giao thông" mới này, mà thật ra cả người dân và các vị trong chính ngành GTVT đều biết rất rõ:

 

“Tôi thấy dân mình chưa đồng thuận với việc thu phí giao thông đường bộ bởi vì: đường mới làm xong đã rạn nứt, lún sụt… Ví dụ như đường NGÔ GIA TỰ thuộc quận LONG BIÊN, đại lộ THĂNG LONG và còn nhiều đường và cầu nữa. Ai cũng biết là những công trình giao thông chất lượng kém là do bị rút ruột nên nhanh hỏng, thế mà bắt dân đóng tiền phí bảo dưỡng? Dân thì lo rằng mình đóng càng nhiều rồi lại càng bị xà xẻo, rút ruột như các vụ việc PMU 18, VINASHIN, PVN… toàn là mất bao nhiêu nghìn tỷ của nhà nước và nhân dân đó… Nên làm một cuộc tổng thanh tra giao thông đi xem thế nào đã rồi sẽ thu phí sau” -  Hoa  Anh Đào:  thaonguyen_8383@yaoo.com.vn
 
Chuyện Phí, mấy ai có thể không lo
Theo các chuyên gia, việc thu phí lưu hành phương tiện phải được tham khảo ý kiến người dân trước khi thực hiện (ảnh minh họa: Đất Việt)

 

Lợi trước mắt, hại sau lưng

 

Về mục tiêu được  ngành GTVT  nhấn mạnh là nhằm giảm ách tắc và tai nạn giao thông, đại đa số người dân vẫn khẳng định ngược lại:

 

“Lợi trước mắt, hại sau lưng! Chúng ta hãy tính toán giúp cho Bộ trưởng Đinh La Thăng xem sao nhé:

 

- Lợi trước mắt : thu được khoảng 12.000 tỷ tiền phí hạn chế.

 

- Hại sau lưng:

 

+ Chi phí cho việc tổ chức thu phí là bao nhiêu?

 

+ Thất thu thuế "khủng" do không bán được ôtô, xe máy là bao nhiêu?

 

+ Ở các thành phố không kẹt xe cũng hạn chế: lãng phí hạ tầng, kìm hãm sự phát triển, quy đổi giá trị = ?

 

+ Biến động tăng giá do phí = ?

 

+ Ngành lắp ráp ôtô ngưng trệ, nhân công nghỉ việc, các dịch vụ kèm theo = ?  và còn nhiều yếu tố khác nữa. Chắc chắn 1 điều là hại sau lưng, chỉ được lợi trước mắt, không rõ Bộ trưởng có tính tới hay chưa? Còn tôi tin là thu phí cũng không giải quyết được ách tắc và tai nạn đâu...” - Nguyen K Nguyen:  ntktontk@yahoo.com.vn

 

Tên BT Đinh La Thăng giờ đây lại chiếm vị trí dày đặc trên báo chí và cả trong mọi cuộc luận bàn, trò chuyện của mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng có vẻ như với những tình cảm không còn được như trước nữa rồi…

 

“Tôi nhớ được tên bộ trưởng Thăng là nhờ vào sáng kiến thu thuế và phí của ông. Và cũng nhân đây tôi có mấy lời kính gởi đến ông về đề xuất thu phí. Tôi biết chắc ông cũng khổ tâm lắm vì phải gánh chịu bao nhiêu dư luận, bao nhiêu ý kiến phản ứng về đề xuất của ông. Làm lớn như ông tôi biết cũng không dễ dàng, bởi ông bà ta nói 10 người 10 ý, và ông chẳng khác nào đang "làm dâu trăm họ" vậy.

 

Tuy nhiên, kể từ khi đề xuất thu phí của ông ra đời, tôi thấy dường như người dân chẳng có ai đồng tình. Không biết ông có thời gian để xem để đọc và ngẫm nghĩ  về cái đề xuất của mình đưa ra không. Việc thu phí bảo trì đường là một lý do thật chính đáng. Nhưng tại sao người dân lại phản ứng? Những ý kiến của các bạn đọc cũng quá đủ minh chứng cho sự phản ứng của người dân là chính đáng, tôi nghĩ ông cần xem lại.

 

Theo tôi, tôi xin ông hãy xem lại cái lý do là để bảo trì mà ông đưa ra. Tôi chưa nói mức thuế ông đưa ra nhiều hay ít, mà chỉ muốn nói ông hãy xem lại đề xuất của mình có mang lại sự công bằng hay không vì:

 

Thứ nhất: Ngành giao thông đã làm thất thoát bao nhiêu tiền mà  ông chắc cũng đã biết. Và đó là lý do khiến cho giao thông trong nước quá tệ, kể cả những công trình trọng điểm. Đường sá rộng rãi nhưng hoạt động vài tháng là đã hỏng hóc, ổ gà ổ vịt dày đặc. Vô lẽ khi chính các vị trong ngành giao thông tham nhũng, các ông lại bắt người dân chúng tôi phải bù đắp?

 

Thứ hai: Với nhiều loại thuế mà người dân phải gánh chịu khi mua xe, khi lưu thông xe, số tiền ấy chưa đủ để các ông sửa đường, bảo trì hay sao?

 

Thứ ba: Nếu ông bắt người dân chúng tôi phải đóng thêm loại phí mới này, thì ông có dám cam kết rằng đường sá lưu thông sẽ đẹp, an toàn hơn trước không? Còn nếu như không  làm được điều đó thì ông có dám nhường vị trí của mình cho người khác làm được cho dân tâm phục, khẩu phục không?

 

Thư tư: Mong ông hãy nhìn xuống để thấu hiểu nỗi khổ của dân. Xin đừng nghĩ vài trăm ngàn, vài triệu là nhỏ. Nó to lắm đối với người dân chúng tôi đó, ông ạ…

 

Thứ năm: Bày ra nhiều loại thuế chẳng khác nào đi chữa cháy, hoặc chỉ quan tâm đến cái ngọn. Hãy đi tìm cái gốc vì sao lại thiếu tiền để bảo trì, vì sao đường sá Việt Nam xuống cấp quá nhanh như vậy? Khi BT và ngành GTVT làm tốt công việc này, nếu thiếu tiền người dân chúng tôi sẽ chung tay đóng góp, dù phải cố hết sức đi chăng nữa… Chúc ông có quyết định sáng suốt hơn để người dân chúng tôi được nhờ. Xin ông hãy đọc mấy ý kiến này” - Xuân Mai (Tp. Đà Nẵng): xuanmai999999@yahoo.com.vn

 

“BT Đinh La Thăng ơi, sao Ông không xem lại chính ngành mình trước đã rồi khi đó ông mới bảo dân đóng phí này, phí nọ chứ. Thực trạng chất lượng và kiểu thi công đường như hiện nay (bao gồm từ khâu lập hồ sơ thầu, đấu thầu, thi công, quản lý đến kiểm định chất lượng đường rồi bàn giao sản phẩm), thì mức phí như ngành giao thông đưa ra tôi chắc dù có nhân thêm 10 lần nữa cũng không đủ cho việc duy tu bảo dưỡng đâu.

 

Chi phí cho một km đường tại Việt Nam thì đã bằng và thậm chí còn cao hơn chi phí cho một km đường trên thế giới và trong khu vực. Nhưng khác nhau ở chỗ: đường của họ sau khi bàn giao xong nhà thầu phải bảo trì tối thiểu 5 năm và tối đa 30 năm. Còn Ở Việt Nam sau khi bàn giao đường xong thì hầu như chỉ 6 đến 18 tháng, nhà nước đã phải bỏ tiền ra để duy tu sửa chữa. Xin ông cho chúng tôi biết vì sao vậy?

 

Phải chăng, như lời đồn đại lâu nay là tiền làm đường chỉ được 30% của dự án. Hơn thế nữa bất cứ ở đâu, thành phố hay nông thôn, đường chịu tải cao hay thấp đều có loại xe tải thi công, chở đất đá, quặng, gỗ, sắt thép, đặc biệt là xe chở quặng và đất đá  cho thi công với trọng tải trên 40, 50 tấn thậm chí 65 tấn chạy ngược xuôi suốt ngày đêm… Rất mong được ông chia sẻ và cho chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì đây? và nếu cứ phải đóng phí thì đóng bao nhiêu cho đường tốt lên được?” - Nguyễn Thành Trung:  pmcthanh@gmail.com

 

“Có lẽ BT Thăng muốn tạo sự đột phá để giải quyết vấn đề ùn tắc GT và thiếu vốn đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông hạ tầng, nên đã có kế hoạch thu thêm hai loại phí GT. Tôi thì lại nghĩ rằng nên tìm biện pháp để quản lý các công trình đầu tư GT tốt hơn. Đó là CÁC CÔNG TRÌNH  PHẢI ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, TIẾN ĐỘ VÀ GIẢM TỐI ĐA THẤT THOÁT TRONG ĐẦU TƯ thì ích nước lợi nhà hơn.

 

Nhiệm vụ này là của các bộ, ngành nhưng trách nhiệm chính là của Bộ GTVT. Nhiệm vụ này rất quan trọng và đã được nhắc nhiều trong các NQ TW. Hiện nay các dự án GT bị chậm tiến độ và chất lượng công trình kém, nạn thất thoát tiền của dưới mọi hình thức đang phổ biến. Tôi nghĩ rằng tuy giải quyết tình trạng trên không dễ nhưng là rất cấp bách, phải làm ngay thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền của để nâng cấp hạ tầng GT. Mong rằng BT thăng hiểu được để tham mưu cho Chính phủ ra quyết định đúng đắn, hiệu quả. Đừng vội vàng đưa ra hai loại phí GT nữa để làm khổ người dân!” - Hoàng Trí Thông:  hoangtrithong@gmai.com

 

“Tôi thấy ngày xưa mỗi khi có một vị Vua tốt lên ngôi thường tìm cách giảm thuế, miễn thuế cho dân. Tôi nghĩ những vị Vua này cũng xuất phát từ người dân lao động nên họ rất thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân đã phải chịu rất nhiều loại thuế, trong khi kinh tế trong mỗi gia đình còn rất nhiều khó khăn... Không biết BT Thăng nghĩ thế nào mà toàn thấy đề xuất tăng thuế, thu thêm phí??? Theo tôi, BT nên tập trung vào việc chống rút ruột các công trình giao thông thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều” - Nguyễn Minh Đức - ĐHB:  ducnguyenminh101@yahoo.com

 

Biết rằng có  nói thế chứ nói nữa, đề xuất, kiến nghị nữa thì chắc cũng chẳng ăn thua gì. Nhưng với những người dân có trách nhiệm với đất nước, với chính túi tiền của gia đình và bản thân  mình trước bao điều nghịch lý vẫn còn đó giữa thuế và phí với chất lượng dịch vụ được hưởng trở lại, thì vẫn phải tiếp tục lên tiếng trước “nỗi khổ về xe”  không biết đến bao giờ mới có điểm dừng.

 

“Tôi xin đề nghị bộ GTVT xem lại phí bảo trì đường bộ, vì phí này lâu nay người dân chúng tôi vẫn đã đóng qua chi phí xăng dầu rồi. Hơn nữa đường hư đâu phải do dân đi nhiều là chủ yếu, mà cái chính là do đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa kém chất lượng. Hầu hết các dự án của bộ GTVT đều có các vụ án tham nhũng đi kèm. Xin hỏi Bộ trưởng liệu sau khi thu phí lần này rồi, các dự án mở rộng và sửa chữa nâng cấp đường sá có các vụ án đi kèm không?

 

Điển hình như QL 14 bụi mịt mù, đá lởm chởm gây thủng lốp xe nhưng trạm thu phí thì vẫn cứ thu. Dân chúng tôi mua phí là mua dịch vụ, nhưng ở đây là dịch vụ không hoàn chỉnh. Bộ trưởng nghĩ sao, Bộ trưởng có đi qua QL 14 chưa? Nếu chưa xin Bộ trưởng nên đi một lần cho biết.

 

Còn cách thu phí nếu có phải thu, tôi đề nghị thu qua xăng dầu và lốp xe để được công bằng hơn, thu theo đầu xe là không công bằng. Tôi cũng có cái ôtô cà tàng để về quê một tháng một lần đi 250 km, có tháng không đi. Nhưng không biết căn cứ vào đâu Bộ GTVT đổ đồng mỗi xe trung bình đi  1.800 km mỗi tháng ??? Để tận thu chăng? Ô tô chạy nhiều giờ trên đường phố chứng tỏ kinh tế đất nước phát triển. Nhưng ngành công nghiệp ô tô trong nước đến nay đã nội địa hóa được bao nhiêu phần trăm, có đúng lộ trình khi hoạch định phát triển ngành công nghiệp ô tô?  Với cách rõ ràng là tận thu như dự kiến thì bao giờ VN sản xuất được ô tô mang thương hiệu VN, hay vẫn chỉ dừng ở mức lắp ráp?

 

Xin hãy nghĩ cách làm khác cho người dân chúng tôi đỡ khổ hơn, đừng dồn cái khó cho dân vốn đã quá khó rồi…” – Nguyễn Văn Thái:  thainv06@yahoo.com

 
Chuyện Phí, mấy ai có thể không lo
 
Mỗi chiếc xe ô tô ra đường giờ phải cõng bao loại phí? (ảnh minh họa: VTC) 
 

Nỗi lo mang tên PHÍ

 

Dư luận một lần nữa khẳng định, các bộ ngành chức năng mỗi khi ra quyết sách tác động đến toàn xã hội, nên lắng nghe để tham khảo những ý kiến của dân để không còn có những sáng kiến trên mây, những giải pháp xa rời thực tiễn:

 

“Những ý kiến của người dân, theo tôi là  luôn xác đáng nhất. Chính sách của Nhà nước nên gắn với quyền lợi của nhân dân. Liệu sau khi thu phí 5 năm hay 10 năm nữa thì đường sá, cơ sở hạ tầng giao thông có được nâng cấp hay không? Những con đường mới có thể sử dụng bao nhiêu năm, hay cứ như hiện nay đang đi trên đường nhưng không biết lúc nào sẽ rơi xuống “hố đen”?

 

Bộ trưởng nói "ông chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân". Nhưng thưa Bộ trưởng Thăng, nếu việc thu phí này không mang lại nhiều hiệu quả thì lúc đó ông sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Mỗi công trình giao thông dù là của bộ quản lý khi chưa được xây dựng thì nhà thầu nào cũng bảo sẽ xây dựng tốt cả, nhưng sau một thời gian công trình hư hỏng trước thời hạn thì trách nhiệm lại…. "chẳng thuộc về ai" khi đã làm xong công trình. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản mà Bộ còn chưa làm được kia mà, thưa Bộ trưởng. Và có bao nhiêu con đường xuống cấp mà bây giờ trách nhiệm "chưa thuộc về ai" cần phải khắc phục, xử lý chứ không phải là lúc thu phí của người dân lúc này?

 

Nếu thu phí mà chất lượng giao thông tốt hơn, đường sá tốt hơn thì điều đó là tích cực. Nhưng xin hỏi Bộ trưởng: một con đường huyết mach của thành phố Hà Nội thường xuyên tắc đường, vậy sau khi thu phí có sơ sở gì đảm bảo sẽ không ùn tắc nữa? Người dân thì không thể không đi lại, mà đường không thể to ra được? Hay lúc đó lại có một loại phí mới mang tên phí mở rộng đường để giải tỏa làm đường mới to hơn?” - Tuan:  namduong@gmail.com

 

“Nếu BT Thăng đọc được hết các comment của người dân viết về những tồn tại của tình trạng giao thông, chắc BT sẽ có những quyết định hợp lý hơn. Vì dân mình còn nghèo, nên thêm một loại phí sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi khác.

 

Một vấn đề lớn hơn mà người dân nào cũng thắc mắc là: sau khi thu phí  rồi thì tiền của dân liệu rồi sẽ đi đâu. Nếu như BT đảm bảo được rằng chúng tôi sẽ được hưởng lợi tốt hơn từ việc đóng phí của mình thì chẳng ai thắc mắc làm gì. Nhưng những việc các vị đã làm khiến dân ngày càng không tin được, nên mới phản đối nhiều đến thế.

 

Chúng tôi đều biết rằng: khi ban hành quyết định xây dựng một công trình nào đó thì người kí quyết định đã được hưởng 10%  giá trị của công trình, chưa kể từ trên xuống dưới qua tay bao nhiêu vị công trình mới được xây dựng. Thử hỏi đến công trình thì còn bao nhiêu tiền để xây dựng.

 

Rõ ràng việc kiếm tiền quá dễ của một bộ phận cán bộ khiến cho họ không muốn để ý đến quyền lợi của người dân nữa. Có lẽ các vị chỉ thích "xây, xây nữa, xây mãi" để được "hưởng, hưởng nữa, hưởng mãi" mà không nghĩ đến các giải pháp khác để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Chắc các vị không nghĩ đến việc là để người dân Việt Nam khổ vì giao thông, khổ vì môi trường thì chính các vị cũng lãnh hậu quả…. Tôi không tin là trong số  những người phải chịu hậu quả đó không có các vị” - Trang:  noingongiodungchan_ht263@yahoo.com

 

Dễ làm, khó bỏ?

 

Miễn cưỡng phải chấp nhận thực tế vì không còn cách nào khác, vẫn còn cả loạt kiến nghị  được nêu ra (dù biết rằng rồi cũng chẳng ai trong số những giới chức đưa ra quyết định biết đến để mà đáp ứng đâu):

 

“Tôi là một người dân hàng ngày phải đi làm bằng xe máy (chỗ tôi ở có xe buýt nhưng giá cao quá so với đồng lương khiêm tốn của đa số mọi người), tôi đồng ý với đề xuất của ông Thăng về thu phí các loại xe. Chỉ xin đề nghị hai việc sau đây (và phải làm trước khi thu phí):

 

+ Thứ nhất là cần tổng thanh tra các công trình giao thông như cầu cống, đường sá. .v.v. vì tôi thấy đường chỗ tôi vừa làm đã thấy phải sửa chữa, chắp vá lung tung. Cần xem rõ lý do vì sao các cán bộ ngành giao thông làm việc tệ đến thế.

 

+ Thứ hai là BT Thăng nên đi vi hành một lần nữa xuống các cơ sở rồi cho nhận xét về vấn đề nêu ở trên (nhận xét đó cần được công khai trên các  phương tiện thông tin đại chúng). Có như vậy chúng tôi mới thấy yên lòng khi đóng thêm các loại phí (dù rằng chúng tôi đã phải đóng đủ các loại phí rồi)” – Mai Nguyen:  maihanoi02@gmail.com

 

“Tôi thấy một số loại phí như: phí giao thông nằm trong giá xăng dầu (đang thực hiện), vé cầu đường (trừ vé cầu đường BOT), phí bảo trì đường bộ (sắp thu) - về bản chất có nội dung giống nhau. Vì vậy tại sao không tập trung thu vào một nơi, như vậy sẽ giảm được phần lớn bộ máy thu phí. Nếu vẫn thu như hiện nay thì cả ba hình thức thu nêu trên đều phải có bộ máy và chi phí cho việc thu phí, như vậy sẽ giảm đáng kể số tiền thực chi cho bảo trì đường.

 

Hơn nữa, thu phí bảo trì đường bộ như phương án của Bộ GTVT không đạt được công bằng (dù chỉ ở mức tương đối). Theo tôi nên tính toán để thu vào giá xăng dầu. Bộ GTVT cứ bảo là khó vì còn một số đối tượng sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông đường bộ. Nhưng tôi nghĩ, với bộ máy khổng lồ của các cơ quan Nhà nước có liên quan và đội ngũ nhiều chuyên gia giỏi,  việc này không khó.

 

Kết luận lại: Tính toán khoa học mức phí và thu qua giá xăng dầu, bỏ vé cầu đường (trừ vé BOT) để tăng hiệu quả vận chuyển, bỏ phí bảo trì đường bộ (sắp thu) là phương án hợp lý nhất. Rất mong Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Chính phủ tiếp thu, tổng hợp ý kiến tích cực của dân để đưa ra quyết sách ích nước, lợi dân” - Nguyễn Văn Tuấn:  nguyentuandgs@yahoo.com.vn

 

“Ách tắc thì hạn chế xe lưu thông chứ không phải hạn chế sở hữu xe. Giảm xe lưu thông mà vẫn thu được tiền của dân thì chỉ cần tăng VAT vào xăng dầu. Vậy là có tiền từ xe lưu thông, thuế BTĐB (Vì sở hữu mà ít lưu thông không tốn kém) giảm ùn tắc, hàng hóa ít bị tăng giá  (DN được khấu trù VAT). Ai SX hàng hóa có dùng xăng dầu muốn giá rẻ thì phải đăng ký KD để được khấu trù VAT (vì VAT chỉ đánh vào tiêu dùng). Không tốn kém cho bộ máy thu phí, giảm tiêu cực khi người có xe không đóng phí mà vẫn luu thông “chung chi” với lực lượng chức năng GT....Vướng mắc duy nhất có lẽ là đối với dân Nam bộ dùng xuồng, ghe di chuyển. Nhưng ngành thuế thừa sức làm việc này. Sao không chọn cách này?” - Lanthan:  tuatuan@yahoo.com.vn

 

Chốt lại, dù than thở, phản ứng bao nhiêu thì là người dân tuân thủ pháp luật ai cũng hiểu điều mình sẽ phải làm dù trong lòng không thể không ấm ức, không xót đau vì thêm mỗi khoản tiền phải đóng là phải thêm bao tính toán, lo toan …

 

“Thật tình nếu BT Thăng quyết định đóng thì tôi phải đóng (vì bản thân tôi tích góp cả bao nhiêu năm mới mua được một cái xe hơi hơn một trăm triệu), nhưng trong lòng tôi thì… Vì chính do mấy vị quản lý chẳng ra sao nên để thất thoát tiền của dân, giờ lại bắt dân đóng góp?

 

Với mức thu nhập như các vị thì vài chục triệu có lẽ không đáng gì, nhưng với người dân như chúng tôi thì nó là cả một tài sản  (nếu đóng 20 triệu/1 năm thì là bằng mấy cái xe 2 bánh TQ giá rẻ?  Mà vẫn có những người dân đang ước mua được cái xe TQ đó…  Hình như các vị vẫn đang ngồi trên mây, không biết thu nhập của đa số người dân thế nào, dân khổ thế nào… Hoặc các vị ấy cứ nghĩ dân mình giàu lắm, đóng vài chuc triệu vẫn chỉ là… không bao nhiêu?...” - Nguyễn Minh Thiện:  thiendn.79@gmail.com 
 
Là giới chức thì cũng là người dân, chắc chắn không ai không hiểu mức sống thực tế của đại đa số người dân VN hiện đang như thế nào khi so sánh với thế giới. Nhưng có lẽ họ... cũng chẳng còn cách nào hơn. Đành phải tin như thế vậy.

 

Khánh Tùng