Phiếm đàm
Chuyện hồi kết về sư tử đá Trung Quốc
(Dân trí) - chẳng khác gì chuyện con gà rừng bắt chước con chim cu không đúng chỗ, khi con chim cu đang đậu trên cành cây cao hót. gà rừng đi qua thấy hay hay, cũng bắt chước, đứng dưới gốc cây dạng chân gáy. Con cáo nghe thấy tiếng gà, mò tới vồ và ăn thịt..
Hai sư tử đá được đặt ngay trước cửa chùa Một Cột ở Hà Nội.
Chẳng hiểu sao mấy năm qua, như một cơn sốt dịch, từ Nam ra Bắc nước ta bỗng tràn lan sư tử đá Trung Quốc trấn ngự mặt tiền, cổng vào các đền, chùa, di tích văn hóa cấp quốc tế, quốc gia và địa phương như ở Chùa Một cột, chùa Bái Đính “cỡ quốc tự”. Lạ nữa là một số trụ sở Nhà nước như trước cổng một NXB lớn cũng chồm hỗm một đôi sư tử đá. Ước tính hiện nay có khoảng 20 - 30.000 con sư tử đá của làng mỹ nghệ đá Non nước (Đà nẵng) đang được bầy đặt ở các đình, chùa, công sở, doanh nghiệp và một số nhà dân trong cả nước ta .
Nguyên nhân xuất hiện cơn sốt dịch trên rất đơn giản. Một vài người mua về bầy hoặc cung tiến, những người giầu có khác thấy người ta bầy cũng bắt chước bầy, thấy người ta cung tiến cũng bắt chước cung tiến, đua nhau làm, chỉ thấy hình thức chứ không hiểu ý nghĩa việc mình làm. Chẳng khác gì anh chàng khù khờ trong chuyện tiếu lâm dân gian nọ. Khi đi ở rể, mẹ anh ta dặn : “Thấy bố vợ làm gì thì con phải làm theo, chớ đừng hếch mắt lên mà nhìn, người ta cười cho, nghe không?” =Nhớ lời mẹ dặn, một hôm bố vợ đang cuốc đất, anh ta chạy lại đỡ lấy cuốc nói: “Thầy để con làm cho.” Ông bố vợ vui vẻ trao cuốc cho, rồi đi trồng chuối. Thấy thế, anh ta lại chạy theo và bảo để đó anh làm cho. Lần này ông bố vợ không nói gì cả, bỏ đi đốn tre. Anh ta lại chạy theo giật lấy dao. Bực mình vì anh con rể giành mất việc mà chẳng làm xong việc gì, ông ta bỏ về nhà. Dọc đường cái khăn bịt đầu vướng phải cành tre, ông ta cũng không buồn nhặt, cứ thế đi. Anh con rể không có khăn cũng vội cởi ngay áo treo lên cành tre, rồi tất tả chạy theo bố vợ về. Về đến nhà, ông ta hầm hầm chạy vào buồng vợ sinh sự với vợ: “ Ðồ ngu! Chọn thế nào mà lại vớ phải một thằng rể điên. Sáng nay chẳng làm được việc gì với nó cả!” Hai vợ chồng cãi nhau, rồi ông ta đạp cho vợ một đạp. Anh rể vừa hộc tốc chạy về, thấy thế cũng co cẳng đạp cho mẹ vợ thêm một đạp nữa ngã lăn kềnh.
Điều tai hại ở đây, sư tử đá là con vật có hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa,.được người Trung Quốc sử dụng canh giữ các lăng mộ, đặc biệt lăng mộ của các quan, hoàng đế Trung Quốc thì một số người Việt ta lại “sao y bản chính” mang về lại đặt “nghễu nghện” ở lối ra vào các đình, chùa, công sở và một số nhà dân, nghĩ mà ghê. Nhà phong thủy học Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương cho biết, “Theo phong thủy, đặt sư tử đá trước cửa là tối kỵ. Bởi sư tử đá xung sát khí rất mạnh nên không thích hợp với doanh nghiệp, nhà dân, công sở, đình chùa”.Đây không chỉ là sự bắt chước không phải lối, đem linh vật canh giữ mộ về để canh giữ nhà, mà còn nguy hại là mở cửa cho sự xâm lăng văn hóa ngoại lai, chẳng khác gì chuyện con gà rừng bắt chước con chim cu không đúng chỗ, khi con chim cu đang đậu trên cành cây cao hót. gà rừng đi qua thấy hay hay, cũng bắt chước, đứng dưới gốc cây dạng chân gáy. Con cáo nghe thấy tiếng gà, mò tới vồ và ăn thịt.
Khi biết được điều đó qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người tá hỏa về sự bắt chước vớ vẩn này, nên bỏ không dùng loại tượng đá sư tử nữa. Ở một số nơi trang nghiêm như đình, chùa đã bắt đầu tính đến chuyện thay vào đặt con nghê linh vật có ý nghĩa mang lại sự tốt lành, gắn bó thân thiết với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt hàng nghìn năm. Tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) là địa chỉ sản xuất và cung cấp sư tử đá “ngoại lai” lớn nhất miền Bắc, một số chủ sản xuất các cơ sở chế tác đá ở đây cho biết, trước đây, sư tử đá Trung Quốc là một trong những mặt hàng bán khá chạy. Nhưng thời gian gần đây, nhu cầu thị trường giảm hẳn. Mặt hàng này chẳng ai mua nữa,bị ế ẩm. Làng mỹ nghệ đá Non nước (Đà nẵng) cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Ế ẩm thế là mừng!
Nguyễn Đoàn