Đắk Nông:

Chuyện dở khóc dở cười ở những buổi tập huấn lao động vùng cao

Dương Phong

(Dân trí) - Hàng trăm buổi tập huấn, hội thảo được mở mỗi năm từ thôn đến tỉnh. Thế nhưng, thực tế cho thấy, lao động nông thôn tham gia… chủ yếu vẫn chỉ để nhận quà.

Đây là câu chuyện, là thực tế mà nhiều cán bộ Lao động Xã hội các cấp kể lại bằng kinh nghiệm công tác của mình trong suốt nhiều năm qua ở các địa phương vùng cao của tỉnh Đắk Nông.

"Đi tập huấn có quà không cán bộ ?"

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều thành phần dân tộc, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn nên xã Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho lao động nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ Lao động Xã hội xã Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) có 11 năm công tác trong ngành. Trong suốt thời gian công tác, chị Thu đã chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan đến lao động ngay tại địa phương của mình.

Chuyện dở khóc dở cười ở những buổi tập huấn lao động vùng cao - 1

Một buổi tập về công tác giảm nghèo thu hút được đông đảo người dân tham gia

"Chuyện các lớp tập huấn thừa bàn ghế, thiếu người ngồi là bình thường ở đây. Họ phải biết tham gia tập huấn, đi hội thảo có được quà gì thì mới rủ nhau đến. Những lúc như vậy, chúng tôi phải thay nhau gọi điện cho trưởng thôn, trưởng cụm để mời bà con lên hội trường", chị Thu mở đầu câu chuyện của mình.

Theo chị Thu, mỗi năm địa phương thường mở các lớp chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi trồng thủy sản, canh tác cây công nghiệp; bảo hiểm xã hội tự nguyện… Có những lần kéo dài 1-2 ngày, buổi đầu tiên thường rất ít bà con tham gia nhưng đến buổi cuối cùng thì một số người mới rủ nhau lên, chỉ vì nghe tin có quà.

"Quà thì có khi chỉ là vài chục ngàn đồng/người, thế nhưng họ lên rất đông, chen lấn nhau. Sau buổi tập huấn, có lẽ rất ít người nhớ được kiến thức mình đã được trao đổi trước đó. Thậm chí, trước buổi tập huấn, họ còn hỏi có quà không cán bộ", chị Thu kể.

Chuyện dở khóc dở cười ở những buổi tập huấn lao động vùng cao - 2

Nhiều người dân vẫn còn tư tưởng, tham gia hội thảo, tập huấn để được nhận quà

Tương tự, chị Nguyễn Thị Dung, Cán bộ Lao động Xã hội xã Quảng Khê cũng từng trải qua những tình huống "không ngờ" khi mời người dân tham gia các buổi tập huấn, hội thảo hoặc đào tạo ngắn ngày.

Chị Dung cho biết, với sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên hàng năm đều có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, thậm chí xuống tới tận thôn buôn để đào tạo nghề, kỹ thuật cho người dân. Tuy nhiên thói quen và công việc nương rẫy hàng ngày, nên người dân vẫn chưa "mặn mà".

"Chúng tôi xuống tận thôn, buôn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Thế nhưng rất ít người quan tâm, chỉ khi nào họ có quyền lợi, tức có quà thì mọi người đến rất đông đủ. Ví dụ như lớp tập huấn chế biến nông sản, tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện… thì ít người, thế nhưng khi mà bình xét hộ nghèo thì lại rất đông", chị Dung dẫn chứng.

Để người dân thực sự hứng thú

Chị Lê Thị Ly Na, cán bộ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông kể lại, trong nhiều năm làm công tác giảm nghèo, trực tiếp tham gia các buổi hội nghị, tập huấn, đối thoại, chị cũng chứng kiến cảnh có người dân "đến tận cửa" hội trường để… hỏi quà.

Đặc biệt, theo chị Na, từ năm 2016 trở về trước, khi tham người dân tham gia các buổi đối thoại chính sách sẽ được hỗ trợ khoảng 50.000 đồng/ người/chương trình.

Thế nhưng, sau khi có Quyết định 1722 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 17 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Thông tư 15 của Bộ Tài Chính, xác định các buổi hội thảo, đối thoại này là trang bị kỹ năng, quyền lợi cho người dân, nên cắt bỏ kinh phí hỗ trợ thì mới dần thay đổi "thói quen" đi hội thảo nhận quà của một số người.

"Tuy nhiên, hiện nay các buổi tập huấn cộng đồng về Chương trình 135 nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân vẫn bố trí kinh phí hỗ trợ nên số lượng người tham gia rất đông ở cuối buổi tập huấn", chị Na cho biết.

Chuyện dở khóc dở cười ở những buổi tập huấn lao động vùng cao - 3
Phần lớn các buổi hội thảo, tập huấn thu hút được người dân tham gia là nhờ có quà sau mỗi chương trình

Trước thực tế người dân tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo ngắn hạn… để nhận quà, chị Na nêu quan điểm: "Để thay đổi nhận thức, không phải là ngày một ngày hai mà phải lâu dài. Tuyên truyền, vận động vẫn là biện pháp chủ yếu. Bà con phải xác định được quà, tiền hỗ trợ chỉ là trước mắt, kinh nghiệm sản xuất, nhận thức về chính sách… mới giúp bà con thoát nghèo, sản xuất hiệu quả".

Một cán bộ ngành Lao động Xã hội cũng cho rằng, để thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động nông thôn thì những buổi tập huấn, hội nghị… phải đáp ứng nhu cầu của người dân, tức là phải biết người dân cần gì ? Ngoài tuyên truyền, vận động thì các buổi tập huấn, hội thảo, đối thoại… cần đi vào chiều sâu, giải đáp đúng, trúng, đủ thắc mắc của người dân.

Đặc biệt, cán bộ, người đứng lớp phải biết cách thức truyền tải, giảng dạy để người dân tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm một cách rất nhẹ nhàng.

"Nhiều buổi tập huấn lý thuyết và kiến thức thì dàn trải khiến người dân khó tiếp thu, đặc biệt là khó sắp xếp thời gian, chính vì vậy người chủ trì cần linh động, sáng tạo, đặc biệt là "truyền cảm hứng" cho người dân", vị này chia sẻ.