Chuyện cò vé, nghẽn mạng: Chào thua high tech riêng ông nhà tàu
(Dân trí) - Tình trạng vẫn như cũ bao năm rồi. Nhà tàu nói Cải tiến, khách kêu Cải Lùi. Trong khi hai bên liên quan chính năm nào cũng như thể… dàn trận đấu với nhau, “cò vé” ở giữa hưởng lợi lớn từ nguồn… vô biên là túi tiền của khách. Nhà tàu vô can chăng?
Nick mới… quái chiêu
Ông nhà tàu ngày xưa low tech (công nghệ thấp) dân tình đã bao phen khốn khổ vì tấm vé ngày Tết. Giờ thời đại công nghệ thông tin, trình độ high tech (công nghệ cao) rồi mà dân vẫn khiếp hãi mới lạ chứ. Và càng khó tin được cái chuyện “cò vé” lộng hành mà nhà tàu lại dễ dàng chịu thua… trắng tay, lấm bụng???
Thế nên trước những thông tin “chính thống” rất đẹp: trong ngày 11/12 mạng bán vé tàu đã thông thoáng hơn, hơn 30 ngàn vé tàu đã được đặt chỗ thành công…dân tình vẫn chẳng thể hâm nóng tinh thần lạc quan lên nổi.
Quá nhiều lời thở than đầy sức nặng với bao giọt nước mắt ngắn dài, những giọt mồ hôi cay xé mắt…ẩn chứa trong đó. Vậy mà hình như cấm bao giờ động được tới con tim, khối óc của những ai có khả năng (và cả trách nhiệm phải) xoay chuyển tình thế?
“Chẳng biết khi nào những người dân lao động xa quê mới có thể được ăn Tết thanh thản........Ôi tàu xe ...Ôi tiền ngắn, đường xa......Nản!” - Nguyen Thi Thuy Nhi: thuynhihn@yahoo.com.vn
“Khổ quá trời!!! Năm nào mua vé mà cũng thế này chắc 1 là về quê làm việc, 2 là ở trong này luôn quá. Buồn gì đâu @@” - Hiền Phạm: hazelpham@gmail.com
“Ôi trời, năm nào chả vậy! Tôi là nhân viên phục phụ trên tàu nè, mà mua cho người nhà mầy cái vé về quê cũng không xong, bị bà con dòng họ nói này nói nọ. Đã nói ngành đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đích thị là ĐỪNG SỜ VÀO NÓ!” - Đào Thị Mơ: bangoaian@yahoo.com
“Không thể chấp nhận được cách làm việc của ngành ĐSVN. Đừng đổ lỗi cho nghẽn mạng mà hãy xem lại nội bộ ngành đường sắt như thế nào. Tôi nghĩ, mỗi một mùa Tết chắc mỗi nhân viên liên quan cũng kiếm được chiếc xe hơi nhờ ôm vé đẩy ra chợ đen và các đại lý... Vậy thì lấy đâu ra vé cho người dân mua nữa? Có ít thì chỉ một số người cực kì may mắn mới mua được vé giá gốc thôi...Thật buồn!” - Mai Thùy Giang: giangthuy@gmail.com
“Vậy mà năm nào các ông nhà tàu cũng kêu ầm lên: Chúng tôi đã cải thiện tốc độ đường truyền, mọi người có thể yên tâm... Năm nào cũng cải thiện, năm nào cũng nghẽn, vậy mà chả rút được tí kinh nghiệm nào thì chả hiểu các ông lập kế hoạch, vạch hướng đi thế nào nữa? Mà năm nào cũng tái diễn, sao không thấy mấy ông quản lý cấp trên nữa nói gì nhỉ? Hay cũng lại nói đã vạch kế hoạch rồi và phải làm từng bước một?” - Hùng: vu.dinh.hung.234@gmail.com
Bức tranh vẫn màu xám
Ít tiền, điều kiện không cho phép người dân mới phải chọn cách đi tàu hỏa vừa lâu vừa cách rách (nhưng ít ra cũng có được cảm giác an toàn hơn đi xe đò ngày tư ngày Tết). Dân số nước ta chưa phải là quá cao như Ấn Độ, Indonesia hoặc thậm chí là như Trung Quốc. Số lượng khách đi tàu hàng năm dù có tăng đột biến vẫn có thể dự đoán để lên kế hoạch tăng chuyến, bổ sung ghế ngồi… Nhưng hàng ngàn phản hồi của bạn đọc về tấm vé tàu xe ngày tết hầu như chỉ cho thấy bức tranh vẫn màu xám, mà cũng chẳng thấy có được phản hồi nào thể hiện qua hành động hiệu quả hơn cho dân.
“Tức muốn chết! Ngồi đặt vé cả sáng không được, chạy ra ga Sài Gòn đã thấy 1 đám người kêu ơi ới: ‘ Em ơi, vé về Tết không". Sau đó là tiến hành giao dịch: 200k 1 vé hẹn 15/12 sẽ có vé. Và tổng thiệt hại cho 1 vé là 1tr + 200k nữa @@. Chả hiểu bao giờ mới được như các hãng hàng không nữa? Chung quy vẫn khổ dân!” - Thế: thepearltb@gmail.com
“Đăng nhập trang vetau.com thì lúc nào cũng báo lỗi, không vào được. Đến khi tôi vào được trang web thì báo không còn chỗ theo yêu cầu. Mà nghe thông tin nhà ga đã bán được cả ngàn vé qua mạng, vậy bán bằng cách nào và họ truy cập thế nào mà vào được (mà đa số mọi người đều gửi phản hồi nói không vào được trang web này)??? Thật bức xúc trước kiểu làm việc rõ ràng là chỉ trục lợi cho mình này. Đúng là làm ăn kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" – Nha Duy: duy@gmail.com
“Em cũng cùng cảnh ngộ với các bác. Em lên mạng từ sáng đến giờ nhưng chỉ vào được những ngày mà chẳng ai thèm đi. Vé ra thì cho vào ngày 29 âm, còn các ngày khác thì chỉ có một câu duy nhất: Không có chỗ theo yêu cầu. Em nghĩ chừng nào dẹp “bảo hộ” cho ĐSVN đi như với mạng điện thoại di động thì dân mình mới đỡ khổ được. Còn chuyện mạng nghẽn chắc các bác dân CNTT cũng quá hiểu và quá biết do thế nào rồi” - Nguyễn Vũ: nguyenvu3999@yahoo.com.vn
“Mỗi người chỉ đăng ký được 1 tài khoản (tên thật, CMND thật) thì gom đâu ra 20.000 người trong các đối tượng phe vé chợ đen mà làm sập mạng được? Mình đồng ý với Nguyen Van Sanh, ngày đầu vào mạng rất khó, ngày thứ 2 thì vào được liền nhưng đặt chỗ thì lúc nào cũng nhận được hàng chữ ''Không có chỗ theo yêu cầu''. Vậy trong 2 ngày nghẽn mạng vé đi đâu hết? Phải chăng họ chia cho nhân viên mỗi người 1 mớ để… ăn Tết?” - Ngọc Bảo: ngocbao079@gmail.com
“2 ngày 2 đêm mất công cũng như không. ĐSVN ơi, nản quá! Có cần thiết phải hành dân mãi như vậy không? Quản lý bán vé kiểu gì đây? Đăng ký đặt chỗ kiểu này chỉ béo “cò” thôi vì chắc các cò đăng ký cả ngàn tài khoản luôn. Còn người dân cần vé thật thì sao? Thật tình không sao hiểu nổi ĐSVN nữa. Làm ăn như vậy mà cứ tái diễn đi, tái diễn lại mà vẫn được cơ quan quản lý cấp trên cho qua? Làm nhà tàu sướng thiệt đó!” -
“Tôi cũng như vậy. Thử đủ ga, đủ tuyến vậy mà vẫn không có chỗ. Lẽ nào bán hết sạch rồi?” - KEL: lala@yahoo.com
Qua sông phải lụy đò
Đường sá xa xôi cách trở, tâm lý người dân VN ai cũng muốn được sum họp gia đình dịp Tết. Mong ước nhỏ và vô cùng hợp lý hợp tình đó của bao người dân chẳng bao giờ được thành được hiện thực mà không phải trả những cái giá nhiều khi rất đắt, rất đau xót bởi chính cung cách làm ăn vẫn theo kiểu chụp giật, lợi mình thiệt người của cả nhiều ông nhà nước lẫn anh tư nhân. Cần tới đâu là dân lại phải lụy đó, cứ như đi xin sự ban ơn dù người trả tiền nuôi họ vẫn là mình. Lại phải nhớ tới lời thở than: Dân có giàu thì nước mới mạnh được chứ!
“Bảo người dân không hoang mang, không mua vé chợ đen, thế thì nhà ga bán vé đầy đủ cho người dân chắc? Không lẽ mấy ông chỉ biết nói chung chung thế, chứ đến 1 cái thông báo còn bao nhiêu vé cũng không có. Không ai biết được còn vé hay không, cứ nhìn chằm chằm vào cái máy tính suốt từ hôm qua đến giờ… Mà người ta ai cũng còn lo công ăn việc làm. Có tình hình gì thì phải thông báo kịp thời cho người dân còn biết chứ. Ngành đường sắt Việt Nam đúng là 1 hệ thống thiếu tính hợp lý và vô cùng kém hiệu quả!!!” – nick Bức xúc vé tàu: canvt10@uef.edu.vn
“Thật là bức xúc, đúng là 'hành' khách vì:
1. Vé tàu Tết mới bán có 1 ngày báo hết vé?
2. Khi đặt được vé thì tra cứu PDC theo ngày, báo: Không tìm thấy, vậy hiện 2 ô "Tìm từ ngày ... đến ngày..." để làm gì, thấy chẳng có tác dụng gì cả. Bỏ trống ngày mới tìm được PDC cần.
3. Ba ngày Tết ông nhà ga thu được hàng tỷ tiền vé của người dân - sao không đầu tư mảng bán vé, số vé cung cho dân đỡ khổ? Mấy ông này mà cho làm lính ở doanh nghiệp tư nhân thì bị đuổi việc lâu rồi” - Dan Thanh: duonglongho@yahoo.com
“Không biết nhà ga làm ăn kiểu gì mà bắt người đi mua vé tàu thường lẫn với người mua vé Tết. Bắt người ta chờ 2 ngày để mua 1 cái vé đi trong tuần, không lẽ tách ra thì khó đến vậy sao? Nếu cảm thấy không làm được thì đưa ý kiến lên cho dân hiến kế cho, đừng làm hình ảnh càng ngày càng xấu đi như vậy... Thật tệ quá!” - Nguyễn Thái Sơn: thaisonsteel@gmail.com
Nói thật... mất lòng
Đề xuất toàn dân hiến kế cho ngành Đường sắt, bao bạn đọc khác đã làm theo rồi nhưng có lẽ thực tế đúng như nghi ngờ đã được nhiều người nêu ra và vẫn tiếp tục được lặp lại:
“Các bác ơi, các bác không cần nghĩ hộ ngành đường sắt như vậy đâu. Ai cũng về quê ăn Tết dễ dàng thì các bác trong ĐSVN lấy gì mà ăn Tết? Thế mới là kiểu VIỆT NAM mà!” – nick Rua: xq1980xq@yahoo.com.vn
“Nếu Bộ GTVT ra chế tài phạt thật nặng như cho nghỉ việc nếu phát hiện được nhân viên nào đầu cơ vé tàu, gây khó khăn cho người mua vé, thì chắc chẳng có nhân viên nào dám làm bậy nữa đâu” - Công An: congan55@gmail.com
“Cứ học các bác hàng không mở nhiều đại lý bán vé, các đại lý kết mạng với nhau để đặt chỗ không bị trùng, kết quả bán được cập nhật thường xuyên về trung tâm nhà ga để tránh các đại lý đầu cơ. Trên vé ghi tên, số CMND hoặc hộ chiếu, hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý khác. Khi lên tàu kiểm tra đúng người thì mới cho lên. Thế là hết đầu cơ. Nhưng như vậy thì cá nhân các bác nhà tàu sẽ mất "một khoản thu do hành dân mà ra" đấy” - Lưu Công Dũng: Luucongdungnb@gmai.com
“Chỉ có cố tình làm khó dân để trục lợi thì mới duy trì lối bán vé kiểu đó thôi. Tại sao không áp dụng cách bán vé như máy bay! Chẳng qua là... biết rồi...khổ lắm, nói mãi...!” - Phạm Khắc Thoại: thoaivtc@gmail.com
Còn có “ông nhà…” nào không làm việc theo kiểu “hành là chính” nữa chăng, để dân còn bình chọn…Nhân vật không bẻ hành, bẻ tỏi của năm???
Khánh Tùng