Chuyện chiếc xích lô: Đừng lặp lại sai lầm không thể sửa chữa!

(Dân trí) - Có dịp tiếp xúc với một số bạn bè nước ngoài, tôi nhận thấy món quà họ thích được tặng nhất là chiếc xích lô lưu niệm bé xinh, duyên dáng. Xích lô cũng là niềm mơ ước của tuổi thơ tôi mỗi khi được “đi chơi Bờ Hồ”, là chiếc xe nối duyên lành…

Rước dâu bằng xe xích lô trong một đám cưới tập thể tại Hà Nội (ảnh: Mai Châm)
Rước dâu bằng xe xích lô trong một đám cưới tập thể tại Hà Nội (ảnh: Mai Châm)

 

Bỏ thì dễ…

 

Sau này, ngoài xích lô “cổ truyền” có vóc dáng hơi thô nhưng đa năng của Hà Nội, chúng tôi còn có dịp thưởng thức thêm để so sánh với xích lô Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang…Đi xích lô, ta như được xích lại gần hơn với môi trường và hòa cùng mọi nhịp đập của cuộc sống xung quanh ở cự ly gần nhất. Tất nhiên, đi xích lô cũng không tránh được những sự bất tiện, nhưng nỗi niềm thương nhớ xích lô của nhiều người có lẽ cũng có phần nào đó tương tự như bày tỏ của Thanh atmui1830@yahoo.com.vn:

 

“Hà Nội không có xích lô như 1 món ăn ngon thiếu gia vị vậy”.

 

Và phần nữa như Huyền huyenvu1193@gmail.com thổ lộ:

 

“Tôi vẫn yêu thích Hà Nội với xích lô. Những điểm như Phố Cổ mà không có xích lô thì làm gì còn là Phố Cổ nữa”.

 

Ngược lại, những người phản bác loại xe "cổ" này không phải không có lý khi nhìn xích lô từ những khía cạnh thực tế của cuộc sống gấp gáp hôm nay:

 

“Xin các nhà sử học hay văn hóa học Hà Nội chính gốc cho biết là có phải xích lô có từ lâu rồi ở Hà Nội, hay nó du nhập từ đâu vào Hà Nội? Văn hóa cùng với sự gìn giữ và phát triển, thì cái nào không phù hợp vẫn nên loại bỏ đi cho tiến bộ hơn, an toàn hơn. Đừng lầm lẫn giữa bảo tồn văn hóa với bảo tồn những cái lai căng, không thực sự là của mình hay vì lý do sinh kế. Miền tây còn bỏ xe lôi được thì  không lẽ gì Hà Nội không bỏ được cái mà tôi cho rằng không phải "văn hóa" của chính mình. Tôi thấy hình thức xe điện hiện nay là phù hợp. Còn nếu muốn tạo điều kiện cho người lao động có việc làm thì nên xem xét việc nhập/chế tạo xe điện nhỏ cho 2 người  và cấp tín dụng để họ mua/thuê hành nghề” – Vuong Long: vuongngoclong@yahoo.com

 

“Tôi hoàn toàn đồng ý xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu. Đừng quá lạm dụng, cái gì cũng cho là văn hóa. Ngay như quán nước vẻ hè vừa mất vệ sinh vừa không đẹp, thế mà nhiều người cũng cho là văn hóa. Hay như mấy người dùng xích lô chở và bán than tổ ong vừa cản trở giao thông vừa mất vệ sinh, vừa ô nhiễm môi trường. Xích lô đúng là cần xóa bỏ” - Nguyễn Thế Thịnh:  drthinh_nguyen@yahoo.com

 
Rước dâu bằng xe xích lô trong một đám cưới tập thể tại Hà Nội (ảnh: Mai Châm)
Ngồi xích lô đi quanh cố đô Huế luôn là lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách (ảnh: Ngọc Thụ) 
 

... Khôi phục khó

 

Thời thịnh hành của xích lô, xe đạp đúng là đã qua rồi. Nhưng xích lô cũng là 1 trong những nét riêng có sức sống bền lâu gắn với phố phường, với tiềm thức của người VN qua nhiều thế hệ thì rõ ràng không thể chỉ viện tới cớ thiếu tiện dụng, không phù hợp... mà xóa bỏ đi được.

 

“Xích lô Hà nội là một nét đẹp văn hóa của Thủ đô. Cũng tương tự như nét đẹp của xe ngựa ở thủ đô của một số nước phát triển: Anh, Pháp, Hà Lan...Vì vậy, nếu xóa bỏ đi là một sai lầm, mà cần tổ chức lại sao cho phù hợp thì tốt hơn” - Bùi Đức Khang: buiduckhang@gmail.com

 

“Không nên bỏ xích lô vì đây là nét độc đáo của Thủ đô.  Ngay cả đất nước hiện đại như Nhật Bản, họ vẫn dùng xe kéo tay phục vụ khách du lịch đấy thôi” – Trân Châu:  tranchausp@gmail.com

 

“Đây cũng là chủ chương có lẽ… đúng, để rồi TP lại nhập về một lô các xe chạy điện chuyên chở khách tham quan. Nét ĐẶC TRƯNG vẫn là cái gì cần có của một thành phố có lịch sử lâu đời. Tất cả những ý kiến của bạn đọc, theo tôi thấy, đa phần cũng chỉ là cảm tính, thật sự chưa nhiều bạn có chuyên môn và am hiểu thực tế. Theo cá nhân tôi nghĩ, nhiều cái vì nét hiện đại mà chúng ta xoá bỏ nó chỉ mất 1 đồng, nhưng nếu khôi phục lại thì mất cả trăm - nghìn lần chưa chắc đã làm nổi. TP cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định” - Cua:  cuabien58@yahoo.com

 

 “Những ai từng sử dụng xích lô hoặc đã dành chút thời gian suy nghĩ về nó, mới thấy được vì sao người ta gọi đó là " nét văn hóa". Tôi là một hướng dẫn viên du lịch, chuyên tiếp xúc với khách nước ngoài. Tôi thấy khách nước ngoài rất thích xích lô vì nó độc đáo lại hợp với đường phố cổ. Giao thông ở ta nhìn chung khá rối loạn, khách nước ngoài đi đều run sợ. Vậy nên họ yên tâm hơn và thích thú khi ngồi trên xích lô tha hồ ngắm cảnh HN, lại không quá lo sợ bị cướp giật máy ảnh, túi xách… Xích lô còn là một nghề mưu sinh cho bao người.

 

Theo tôi, đã đến lúc ta nên nghĩ  rằng để có sản phẩm du lịch tốt cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, chứ không phải mạnh ngành nào ngành ấy làm. Hãy nhìn sang Thái Lan sẽ thấy, sản phẩm du lịch là một sự kết hợp của nhiều ngành đó. Sao không nghĩ tới việc cấm xe máy vào Phố Cổ, hoặc chỉ được phép hoạt động theo giờ? Sao không cấm từng đoàn xe ô tô đủ các loại vào ra Phố Cổ đón Tây ba lô?.... Mong các nhà quản lý hãy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định, đừng làm theo kiểu ngẫu hứng, làm rồi thấy không được thì lại bỏ…” -  Tinh Duong:  Tinhduong7682@gmail.com

 

“Xích lô là nét đẹp văn hóa của cả một " thời đã qua" của xã hội VN nói chung và Hà Nội nói riêng. Không những nó tiện lợi cho khách du lịch cũng như đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân nội thành, mà còn là một nghề mưu sinh cho không ít dân nghèo. Đi lại, vận chuyển bằng xích lô hiện nay vẫn đáng được khuyến khích cũng như đi xe đạp, vì nó góp phần gìn giữ môi trường. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý sao cho phù hợp” - Hoang Anh Hung: nhohoang56@yahoo.com.vn
 
Những chiếc xích lô sẵn sàng đón du khách trước chợ đêm Bến Thành (ảnh: Trung Kiên)
Xích lô sẵn sàng đón du khách trước chợ đêm Bến Thành (ảnh: Trung Kiên)

 

Thông điệp của Nguyen Hong Long nhlong0123@yahoo.com xem ra cũng rất đáng để cho tất cả chúng ta cũng suy ngẫm:

 

“Đừng lặp lại sai lầm không thể sửa chữa được như khi Hà Nội xóa bỏ tàu điện!!!”  

Kiều Anh