Chùa cổ Quang Ân: Công - tư chưa rõ ràng

Đã 8 năm trôi qua kể từ khi UBND TP Hà Nội có quyết định gắn biển 47 điểm di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội, trong đó có chùa Quang Ân (chùa làng Tân) tại tổ 16 phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy)...

... Nhưng cho đến thời điểm này, biển di tích chưa thấy đâu còn chùa vẫn ngày một xuống cấp, hư hại thậm chí không còn lối vào. 
 
Đường vào chùa bị khóa kín, xây bịt bằng cổng sắt
Đường vào chùa bị khóa kín, xây bịt bằng cổng sắt

 

Hoang tàn ngôi chùa cổ

 

Chùa Quang Ân nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng trong một ngõ nhỏ trên đường Lạc Long Quân. Ít ai biết ngôi chùa này tính cho đến nay đã có hơn 400 năm lịch sử. Theo văn tự, bia đá còn lưu lại, chùa Quang Ân được xây dựng vào năm 1664, vốn là nơi thờ tự của nhân dân làng Tân, ngoại thành Hà Nội (nay là tổ 15, 16 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, sau này chùa được gia đình cụ Đỗ Vũ Hinh trông nom, quản lý. Thế nhưng, kể từ sau khi cụ Hinh qua đời, ngôi chùa ngày càng tiêu điều, đổ nát. Ngôi chùa cổ mà theo các vị cao niên trong làng kể lại rộng đến hàng nghìn mét vuông giờ chỉ còn khu Tam quan, vài đống gạch vụn vỡ nát với cỏ cây mọc um tùm. Hiện nay cổng Tam quan của chùa đã bị xây bịt kín với cổng sắt khóa chặt. Trong đó, khoảng 800m2 nội tự chỉ còn là nền đất trống.

 

Ngày 26-8-2008, UBND quận Cầu Giấy và Sở VH-TT&DL đã chủ trì hội thảo khoa học với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý cấp thành phố, quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô, các giáo sư Sử học, nhà khoa học… Kết luận Hội thảo, tất cả những đại biểu tham dự đều thống nhất, chùa Quang Ân với niên đại hơn 400 năm, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, không phải là “chùa tư” của cá nhân nào dựng nên. Ngoài ra, chùa còn là một di tích cách mạng kháng chiến, là cơ sở hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cơ sở đó, UBND quận Cầu Giấy đã lập phương án GPMB, tái định cư cho 4 hộ gia đình đang sống trên diện tích nội tự, tu bổ tôn tạo tổng thể di tích chùa Quang Ân với tổng diện tích dự án là 960m2. Tổng kinh phí dự án lên tới 28 tỷ đồng. Thậm chí, vào tháng 1-2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy có Văn bản số 738/CV-TG nêu nội dung gắn biển di tích tại chùa Quang Ân. Nhưng khi triển khai gắn biển đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình ông Đỗ Vũ Chi (con cụ Đỗ Vũ Hinh) với lý do đây là “nhà riêng”, và chùa là “chùa tư”. Vụ việc kéo dài cho đến nay khiến dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

 

Cổng Tam quan chùa Quang Ân hoang tàn, đổ nát
Cổng Tam quan chùa Quang Ân hoang tàn, đổ nát

 

Chưa rõ số phận chùa Quang Ân

 

Dự án chưa thể triển khai khiến nhiều người dân bức xúc, gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Chi, được ông Chi cho biết “Không có chuyện gắn biển di tích gì cả, đây là chùa của dòng họ Đỗ Vũ nhà tôi”. Chúng tôi mang những thắc mắc này trao đổi với Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy, bà Nguyễn Hoài Linh - Trưởng phòng giải thích, lý do cho tới nay chùa chưa được gắn biển là bởi chùa quá đổ nát, lại bị xây cổng bịt kín, nên không biết gắn vào đâu. Hiện tại, quận cũng đã lập dự án trùng tu tôn tạo chùa, sau khi khôi phục cảnh quan sẽ thực hiện việc gắn biển di tích trong đó đã dự trù cả khoản kinh phí hỗ trợ di dời, tái định cư cho các hộ dân sống trên mảnh đất này.

 

Bà Linh cho biết thêm, hiện dự án vẫn đang bị dừng vô thời hạn do còn tranh chấp xảy ra. Thêm vào đó, TAND TP Hà Nội cũng có công văn yêu cầu UBND quận Cầu Giấy xác định rõ chùa Quang Ân là “chùa công” hay “chùa tư” để thực hiện việc xét xử vụ việc đòi phân chia tài sản, và kết luận của cuộc Hội thảo (tổ chức năm 2008)  không thể coi là một căn cứ pháp lý. Bà Linh khẳng định, quận Cầu Giấy đang nỗ lực triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể: “Trong tuần này, chúng tôi sẽ yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường quận xác minh lại về diện tích sử dụng trên để gửi công văn lên UBND TP Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo. Từ đó sẽ có hướng giải quyết tình trạng hiện nay của ngôi chùa”.

 

Như vậy, số phận chùa Quang Ân là “công” hay “tư” vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Trong lúc quận Cầu Giấy vẫn loay hoay trong việc đưa ra một căn cứ đầy đủ tính pháp lý để chứng minh chùa Quang Ân là “chùa công” để dự án được triển khai thì ngôi chùa cổ 400 năm tuổi vẫn ngày một xuống cấp, hư hại.

 

Theo Đỗ Nguyễn

An ninh thủ đô