Chưa “bắt đúng bệnh” giao thông?

(Dân trí) - Sở giao thông và cơ quan chức năng chắc chắn chưa "bắt đúng bệnh" của giao thông Việt Nam rồi + ý thức tham gia giao thông của người dân là chưa có = sự hỗn loạn ... Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều lắm. Nguyễn Quốc Cường: royal_hotel_sapa@yahoo.com nhận xét.

Chưa “bắt đúng bệnh” giao thông?  - 1
Phố Hàng Bài bị ùn tắc cục bộ (ảnh: Quang Phong)
 

Cũng theo độc giả tự giới thiệu là “tuy không ở Hà Nội, nhưng thấy giao thông ở đây thực sự hỗn loạn” này thì: ý thức tham gia giao thông của người Việt là do tâm lý "mặc kệ nó" -  chứng tỏ ý thức cộng đồng không cao, kỷ luật của người dân cũng…vầy vậy. Nhận xét về ý thức giao thông quá kém của nhiều người dân Hà Nội cũng được nhiều bạn đọc nhấn mạnh là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh cơ sở hạ tầng quá chật hẹp và chế tài xử lý chưa nghiêm của lực lượng chức năng. 

 

Tình trạng giao thông hỗn loạn vẫn tiếp diễn ngay trong ngày đầu tiên 20/9 Hà Nội thực hiện trở lại việc phân làn xe trên 2 tuyến phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu, được phản ánh qua thực tế của không ít người đã phải khổ sở chứng kiến cảnh "văn hóa điền vào chỗ trống" vẫn tồn tại trên đường:

 

Nguyen Hung hungnvhci@gmail.com ngao ngán:

 

“Biết bao giờ người dân mới tự ý thức khi tham gia giao thông? Sáng nay tôi đi làm tuyến Phố Huế - Hàng Bài, mặc dù rất nhiều lực lượng tham gia hướng dẫn các phương tiện giao thông, nhưng người dân như phớt lờ các biển báo chỉ dẫn. Vẫn là cảnh chen lấn, luồn lách, thật không thể tưởng tượng được. Đặc biệt là xe bus, tạt ngang tạt dọc, kềnh càng chèn ép rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Kính đề nghị cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa và không ngừng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết rõ và thực hiện nghiêm túc quy định phân làn đường”.

 

Nguyễn Như Quỳnh nhuquynh071983@yahoo.com.vn thở dài:

 

“Tôi không rõ được giao thông Việt Nam bây giờ đi kiểu gì. Ô tô đi hàng 3 - 4, thậm chí 5 làn như ở đường vành đai 3. Toàn bộ xe máy phải tấn công lên vỉa hè, chính vì vậy đã xảy ra tình trạng sụt hố, gặp ổ gà, ổ voi hoặc những ngày trời mưa thì ổ bùn. Vậy đề nghị các ngành chức năng nên xem xét kỹ và kiên quyết thực thi quyết định phân làn này”.

 

Henry connguoimoihoantoan@yahoo.com phản ánh:

  

“Xe bus đi bên trái, điểm đỗ xe thì bên phải, tính sao đây? Đương nhiên xe bus phải tạt vào để dừng đón trả khách rồi. Tại sao không phân xe ôtô đi bên phải để tiện hơn nhỉ, tránh tình trạng xe bus lạng làn đường bên nọ, bên kia?”

 

Trần Việt Dũng tulongjsc@gmail.com phân tích thêm:

 

“Đúng như bạn Henry nào đó phản ánh. Phân làn xe buýt bên trái, bến đón trả khách bên phải. Chiếc xe buýt to kềnh càng như vậy khi đón muốn tấp vào đương nhiên phải lấn tuyến từ trước đó 50 - 100 mét, và khi đón khách xong ra cũng phải như vậy. Thế mà trung bình cứ 400 - 500 m đã có một bến, chưa kể các điểm giao cắt.

 

Trong khi đó ý thức người dân thì kém, cộng với sự phân làn một cách ‘thông minh’ như vậy của các cấp quản lý thì sẽ nhìn thấy tai nạn giao thông ngay mà. Cách phân làn của ta không thể làm gì với văn hoá đi đường của người dân, nhất là lúc tan tầm. Còn phạt ư, nếu phạt thì phạt cả đoàn hàng trăm, hàng nghìn người - họ đều vi phạm. Mà không thể dừng xe để phạt lúc tan tầm được, chỉ cần dừng một xe thì tắc đường cả tiếng đồng hồ luôn, mà dừng cả đoàn thì ... Ôi trời rắc rối quá, khó giải thích quá!”
 
Chưa “bắt đúng bệnh” giao thông?  - 2
Xe buýt lấn làn (đoạn đường này không có điểm đón khách) - ảnh: Quang Phong

 

“Cách phân làn đường này không khả thi với những tuyến đường hay có lối rẽ sang đường khác, kiểu đang đi bên trái muốn rẽ sang đường ở bên phải thì phải sang làn đường xe khác chứ sao. Chỉ phù hợp với tuyến đường dài ít lối rẽ kiểu Phạm Văn Đồng thôi” -  Nghĩa Lê:  seijikun8x@yahoo.com viết.

 

“Theo tôi tuyến đường nào phân làn thì mình làm dải phân cách luôn. Ý thức của người dân nói chung không phải là không tốt, nhưng họ phải chịu cảnh tắc đường ở những ngã ba, ngã tư hay những con đường hẹp nhiều rồi, nên ra đường rộng là đi thoải mái thôi.

 

HN cần có một sự thay đổi thật sự về mặt giao thông thì mới hy vọng vấn đề được giải quyết. Còn với những thay đổi mang tính tạm thời và thử nghiệm thì sẽ không mang lại hiệu quả. Theo tôi, nên đầu tư xây dựng tàu điện ngầm, lúc đó người dân sẽ rất ủng hộ” - Nguyễn Đức Phương:  nguyenducphuong1982@gmail.com mách nước.

 

“Em đã tham gia nhiều vào các đoạn đường hay tắc, bởi nhà em và lớp học thêm nằm ở các đoạn đường đó. Ôi trời ơi, không còn đường đi nữa thì các anh chị cô chú lượn sang đi ngược chiều luôn. Mấy lần em đang đi mà có mấy anh lượn sang đi ngược chiều đâm vào em rồi còn mắng em là "Mù à"? Em không hiểu là mình sai ở cái gì nữa???

 

Còn ở trong các ngõ, mình ý thức được là nếu len lên thì chắc chắn 2 bên sẽ đi theo kiểu nhỏ giọt nên đứng đợi 1 lúc, nhưng nào mọi người hiểu cho. GT ở HN quá rắc rối, hầu hết đều bắt nguồn từ 1 ý thức đã có từ lâu rồi, lâu ngày mọi người bắt chước nhau thôi.

 

1 vấn đề nữa như em đã thấy trên ảnh là dải phân cách chia làn đường ngắn có 34 m thế kia, thì sau khi đi qua họ sẽ lại lấn lên nhau thôi.

 

Mong rằng các cơ quan sẽ làm chặt chẽ hơn trong việc chia làn đường, để đường phố Hà Nội sẽ chỉ còn ùn thôi chứ không tắc. Bởi giờ cao điểm đông xe, không thể tránh khỏi hiện tượng ùn nhưng cầu mong đừng bao giờ tắc nữa” - Hoàng Nhật Linh 

lc27041993@gmail.com kiến nghị.
 
Chưa “bắt đúng bệnh” giao thông?  - 3
Xe máy luồn lách giữa làn đường dành cho ô tô (ảnh: Quang Phong)

 

“Cần ra quân hướng dẫn trên toàn thành phố trong vòng một tuần, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác tuyên truyền thật mạnh mẽ cho người dân nắm được. Sau đó cần xử phạt thật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm” - Trần Thanh Hà 

haphattran@yahoo.com nhấn mạnh sự cần thiết của chế tài xử phạt.

 

“Theo tôi, chúng ta phải tiế--------------n hành đồng bộ: Cấm đỗ xe dưới lòng đường - Dẹp mọi quán bán hàng lấn chiếm vỉa hè - Tuyên truyền phân luồng trong 1 tuần. Sau đó xử phạt thật nặng tất cả các trường hợp vi phạm (xe đạp - xe máy - ô tô, kể cả xe buýt)” -  Trần Ngọc Hưng:  tnh631@hotmail.com cùng quan điểm.

 

“Hình như chỉ có ngoài HN mới có cái chuyện ôtô đi dàn hàng kiểu ấy. Các bác vào Tp Hồ Chí Minh xem, đố ‘em’ ôtô nào dám chạy như thế. Cứ phải phạt là đâu sẽ vào đấy hết” - Hưng:  namhung87@gmail.com nêu kinh nghiệm thực hiện phân làn bước đầu có hiệu quả của TPHCM.

 

“Với thực tế giao thông ở HN và người HN tham gia giao thông thì chắc chắn 100% là: bàn dân thiên hạ ngoài đó không thể nghe lời và không chấp nhận kiểu phân làn xe này đâu... Tui ở SG ra và tui thấy, người HN tham gia giao thông rất kỳ quặc, bất chấp và nghênh ngang. Kiểu phân làn xe này nếu áp dụng ở vài tuyến đường rộng ở Sài Gòn, tui tin sẽ được thực hiện tốt hơn ngoài ấy” - Nguyên Mẫn:  philan68@yahoo.com cùng chung nhận xét về ý thức của người tham gia giao thông ở HN.

 

“Nguyên nhân ở chỗ KHÔNG ĐỒNG BỘ, vì vậy theo tôi bao giờ các ông ĐỒNG BỘ rồi thì hãy làm chứ làm kiểu này dễ thất bại rồi lại đổ lỗi…” - Tran Trai ngoctrai1948@gmail.com cảnh báo. Song song đó cũng có những ý kiến tỏ ra không tin tưởng vào hiệu quả của việc phân làn đường. Thậm chí có cả những người cho rằng cần bãi bỏ để tránh gây tốn phí cả về công sức và tiền của, rồi tình hình "đâu lại đóng đấy".

 

Đúng là vạn sự khởi đầu nan, dù khó mấy nhưng chúng tôi cũng đồng ý với nhận định của Viet Hai vip_unies@yahoo.com (cũng là ý kiến chung của đa số người dân) rằng: “Phân làn là 1 việc làm đúng đắn cho giao thông! Mọi tỉnh thành cũng nên làm như thế này ở những đoạn đuờng đông dân cư và những nơi có làn xe lưu thông mạnh”.
 
Rất mong dù lần này có thể ngành giao thông chưa thực sự bắt đúng bệnh giao thông ở HN để có "thuốc đặc trị", nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, người dân đều tin tưởng khi ý thức được nâng lên một cách đồng bộ từ cả người dân đến lực lượng chức năng, chúng ta sẽ dần thu được những kết quả ngày một khả quan hơn khi tất cả cùng "quyết tâm phấn đấu" như ý kiến của bạn Nguyễn Quốc Cường.  
 

Thanh Nguyễn