Chống tham nhũng trong các cơ quan Phòng chống tham nhũng!
Ngày 18/6, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Đây là thông tin chấn động làm nhiều người ngỡ ngàng vì nó xảy ra đối với người thuộc cơ quan Phòng chống tham nhũng.
Với gợi ý “xem thế nào đi chứ”
Mấy ngày qua dư luận xôn xao, bàn tán về tin Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng làm việc tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi nhận hối lộ và ngày 18/6 Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 đối tượng nêu trên để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Cùng ngày Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn là: Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2 và Nguyễn Thùy Linh, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Họ bàn tán là vì bà Nguyễn Thị Kim Anh là Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn thanh tra và các thành viên của Thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc, sự chớ trêu ở đây là những quan chức nắm quyền lực, cầm cân nảy mực, có quyền thanh tra, kiểm tra người khác mà lại bị cáo buộc vi phạm pháp luật nhận hối lộ.
Câu hỏi đặt ra là người của cơ quan Phòng chống Tham nhũng còn nhũng nhiễu, lót tay, hối lộ, tham nhũng thì nói được ai, chống ai? Vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên đang ở đâu? Dư luận cho rằng mới thanh tra mấy dự án cấp xã, cấp huyện mà đã vòi vĩnh, đòi chung chi tặng quà đến hàng “trăm triệu đồng” thì ở dự án cao hơn, cấp cao hơn thì chung chi sẽ lớn đến mức nào? Mà một khi đã được chung chi, lót tay, tặng quà, hối lộ thì sai phạm trong xây dựng, trong quy hoạch… nghiêm trọng, nguy hiểm đến nhường nào? Có bao nhiêu vụ đã bị phát hiện sai phạm được công bố và xử lý?
Dư luận luôn hoài nghi đặt câu hỏi tại sao trong xây dựng người dân chỉ cần đổ cát, gạch để xây hay sửa nhà là có thanh tra xây dựng đến ngay và rồi mọi thứ đâu vào đấy nào là sai phép, không phép vẫn tồn tại, thậm chí phạt cho tồn tại. Nhất là tại các đô thị lớn thì không thể kể hết vượt tầng, điều chỉnh qui hoạch méo mó... Nổi bật như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh một năm không dưới hàng chục đoàn thanh tra các cấp kể cả cấp bộ về thanh tra. Ấy vậy mà quy hoạch của hai thành phố lớn nhất cả nước càng ngày càng có nhiều sai phạm, trong đó có qui hoạch luôn được điều chỉnh làm cho nhiều khu vực trở lên ngột ngạt, chật chội không còn không gian để sống nhưng rất hiếm khi được phát hiện bởi các đoàn thanh tra, kiểm tra. Có thể nói không biết có bao nhiêu thanh tra xây dựng đã dung túng, thông đồng tiếp tay để các chủ đầu tư làm méo mó quy hoạch đô thị vì lợi ích riêng?.
Nhưng họ vẫn bình yên vô sự mà có kỷ luật nặng thì kỷ luật thôi việc có ai bị đền bù thiệt hại vật chất đâu, truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng vừa bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can tạm giam 3 đối tượng nêu trên để điều tra về hành vi nhận hối lộ có lẽ là hy hữu, hiếm hoi và rất “khiêm tốn”. Người dân băn khoăn còn bao nhiêu vụ việc khác thì sao? Bao giờ mới bị lộ…
Sở dĩ tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, chung chi, tham nhũng nhận hối lộ trong thanh tra, kiểm tra,… ít bị phanh phui là vì hầu hết các cá nhân, tổ chức bị thanh tra, kiểm tra đã cân nhắc lựa chọn tính toán rất kỹ để đưa ra gợi ý “xem thế nào đi chứ”, đôi bên đều có lợi “biết điều” và tự nguyện “lo lót” chu đáo, làm vừa lòng các quan thanh tra, kiểm tra hiếm khi bị bắt hy hữu như ở Vĩnh Tường.
Có thể nói phát hiện hối lộ là việc rất khó khăn, bởi nhũng nhiễu, lót tay, chung chi hay hối lộ thường đến từ 2 phía: Người dân hay doanh nghiệp muốn thỏa hiệp, muốn được việc còn người có quyền thì muốn có lợi ích từ công việc của mình. Cho lên cực chẳng đã không chịu nổi mới tố cáo nhau.
Người dân đặt câu hỏi là vừa qua các cơ quan điều tra, xét xử các đại án tham nhũng đã bao giờ đề cập đến những sai phạm của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong việc dung túng, bao che cho tham nhũng lo lót, chung chi vòi tiền chưa?. Bởi hàng năm tại các Tập đoàn Tổng Công ty lớn đều được thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong một năm và rồi đều có những đánh giá, nhận xét kết luận tốt, có chăng sai phạm cũng chỉ là nhắc nhở, kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm mà thôi. Trách nhiệm của người đứng đầu cũng bị lãng quên trước những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, cuộc sống chật chội, mệt mỏi đi lại tắc đường kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Vậy thử hỏi niềm tin của người dân vào kết quả thanh kiểm tra đến đâu, có thực chất không? Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vấn nạn tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng.
Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng
Trước những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua, nhất là vụ việc tiêu cực của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương, cơ quan thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, nhà nước về phòng chống tham nhũng nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…, ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.
Phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.
Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực theo dõi, giám sát thường xuyên.
Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.
Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm trong thực thi công vụ.
Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, định kỳ luân chuyển vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định.
Lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên.
Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí và nhân dân tronBáo điện tử Đảng Cộng sản Việt Namg việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng khi thi hành công vụ.