Bạn đọc viết:

Chống tham nhũng không khó

(Dân trí) - Theo tôi, phòng chống tham nhũng hiệu quả thật ra rất rất đơn giản thôi, nhưng vấn đề là có muốn làm hay không? Để phòng chống tham nhũng hiệu quả chỉ cần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng và Luật tố tụng hình sự theo các hướng sau:

(minh họa: Ngọc Diệp)

(minh họa: Ngọc Diệp)

1. Thực hiện xử lý trách nhiệm và thi hành án đến cùng, tức là thi hành án đến khi người bị thi hành án phải thực hiện. Một người bị kết tội tham nhũng mà số tiền khi thi hành án bị cáo vẫn không thực hiện xong, tức là Nhà nước vẫn chưa thu hồi hết toàn bộ số tiền mà bị cáo đã tham nhũng, thì kể cả khi đã chấp hành xong án phạt tù anh ta vẫn phải tiếp tục thi hành án (đến khi chết mới thôi). Tức là sau đó anh ta vẫn phải tiếp tục làm để lấy tiền thi hành án, hoặc nếu phát hiện anh ta có tài sản ở đâu đó thì các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục thực hiện thi hành án đến khi thu đủ số tiền mà anh ta đã tham nhũng mới thôi.

2. Không nên thực hiện án tử hình đối với tội phạm tham nhũng vì tử hình thì tội phạm tham nhũng đã đạt được mục đích “hy sinh đời bố, củng cố đời con”? Nhưng nếu cần đã kết án tử hình thì phải xử đối với tất cả tội phạm tham nhũng, không giảm án đối với tội phạm tham nhũng trong quá trình chấp hành án phạt tù, để tội phạm tham nhũng cảm thấy không thể nuốt trôi được số tiền đã tham nhũng mà phải trả lại Nhà nước.

3. Giảm án phạt tù đối với những trường hợp tham nhũng đã khắc phục hậu quả, kể cả những trường hợp đang chấp hành án phạt tù và trong quá trình xét xử.

Ngoài ra cần sửa lại quy định về việc kê khai tài sản theo hướng sau:

1/. Thu hẹp diện đối tượng phải kê khai tài sản có thể theo hướng với cán bộ giữ chức vụ từ chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, quận (chủ tịch cấp huyện), giám đốc, phó giám đốc các sở ngành và tương đương, chủ tịch HĐQT các công ty do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm... trở lên Ngoài ra còn với những cán bộ lãnh đạo cấp nhỏ hơn nhưng phải là cán bộ quản lý trong những lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tiền, tài sản Nhà nước, quản lý tài nguyên môi trường, quản lý cán bộ.

2/. Nhưng cần sửa đổi để quy định bắt buộc những cán bộ trong diện kê khai tài sản phải kê khai toàn bộ tài sản của những người có liên quan như: cha mẹ đẻ của cán bộ đó, cha mẹ đẻ của (chồng/vợ), con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột của cán bộ đó, anh chị em ruột của (chồng/vợ).

3/. Thành lập lực lượng xác minh hoặc giao thêm nhiệm vụ này cho các ngành Nội chính, Thanh tra để xác minh ngay lập tức số tài sản tăng thêm hàng năm, nguồn gốc hình thành số tài sản đó.

4/. Khi cán bộ kê khai hoặc người thân của cán bộ phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm, thì ngay lập tức chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.

Nếu làm được như trên, tôi tin là tội phạm tham nhũng sẽ giảm đi khoảng 70%.

Dân đen: dungtan@gmail.com