Tản mạn:
Chốn cũ ta về...
(Dân trí) - Chẳng còn nhận ra bất kỳ dấu vết nào của làng quê Bắc bộ điển hình rộn rã tiếng thoi đưa, bởi thôn Thượng Hội (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) nơi chúng tôi sơ tán ngày xưa, giờ đã... lên hẳn Thủ đô. May mà cảnh quê vẫn ẩn hiện đây đó trên đường.
Ngày ấy cách đây đã mấy chục năm có lẻ, đám trẻ con chúng tôi được xe tải của nhà máy xay Lương Yên nơi Má tôi làm việc đổ xuống làng quê rất đẹp này. Con đường 32 bây giờ to rộng nhưng vẫn còn nhiều chỗ ngổn ngang, khi ấy nhỏ hẹp lắm. Mà trong đầu óc bọn nhóc chúng tôi cứ phải xa cha mẹ thì dù chỉ cách Hà Nội chừng 15-20km đã xa ơi là xa rồi.
Còn nhớ tới Trạm Trôi là rẽ phải, sau đó xe chạy lọc xọc trên con đường đất đá gồ ghề càng ngày càng thu hẹp. Qua Nghĩa trang Liệt sĩ là tới cái cổng làng, từ đây bắt đầu con đường sống trâu lát gạch nghiêng nghe nói đa số do các chàng rể từ bên ngoài trước khi rước gái làng lên xe hoa đóng góp xây nên, và cùng với thời gian đường làng vừa trải dài suốt trục chính vừa lan tỏa tới từng ngõ xóm...
Tất nhiên là xe tải không thể chui được qua cổng làng, nên chúng tôi “đi xe căng hải” (hai cẳng) tiếp. Đồ đạc đã có bà con hợp tác xã dệt màn của thôn (hình như kết nghĩa với công đoàn nhà máy xay) hò nhau mang xe cải tiến, xe đạp và cả quang gánh ra thồ về nhà chủ hộ.
Bao năm đã trôi qua mà trong tâm trí tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh bức tranh làng quê Việt Nam rất sống động với bao điều mới lạ, đã nhanh chóng giúp lau khô hàng chục cặp mắt vừa mới khóc nhè vì nhớ cha mẹ của đám nhóc thành phố chúng tôi phải đi sơ tán tránh đạn bom thủa ấy.
Làng quá đẹp với cách bố trí hài hòa nhà cửa trải đều theo những con đường “xương cá” viền hai bên nào tre, nào cây xanh tỏa bóng mát và ao chuôm rất nhiều như những cặp mắt trong veo giúp điều hòa không khí. Làng có nghề dệt màn truyền thống nên khi đó dù cả miền Bắc đang rất khó khăn, vẫn có thể thấy sự sung túc và sự hơn hẳn trong mức sống của bà con dân làng. Có lẽ phải tới 80% nhà cửa trong thôn khi ấy đã được ngói hóa, nhiều nhà có bể nước mưa to để ăn, nước giếng để rửa. Còn nước ao vẫn được dân làng sử dụng chủ yếu theo thói quen bởi cầu ao lúc đó vẫn là địa điểm lý tưởng để người ta giao tiếp, trao đổi nhiều thông tin và sưởi ấm lòng nhau bằng tình làng nghĩa xóm...
Lũ nhóc sơ tán chúng tôi thời ấy cũng tránh được phải ăn độn vì thoải mái đổi bột mì (nước ngoài viện trợ cho Việt Nam) lấy gạo trắng nấu cơm ăn, còn bà con nơi đây thay vì đổ những nồi cơm trắng muốt nóng hổi xuống nia sợi để “hồ” thì đã có bột mì dính hơn, quánh hơn thay thế...
Bà chủ nhà vừa góa bụa nhường gần hết nhà cửa vườn tược cho chúng tôi mặc sức tung hoành ngang dọc, đem 2 con gái nhỏ mồ côi rút vào một chái nhà đầu hồi có kê thêm chiếc máy dệt mới tinh mà nghe nói tiền sắm nó có thể mua được cả một căn nhà khang trang khác.
Chốn cũ ta về, mừng là giờ mọi thứ không hề “dường như nhỏ lại” mà đều trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn xưa dù hương đồng gió nội đã bay đi quá nhiều. Ao xưa giờ được kè bờ, kê ghế đá và thảm hoa cỏ xanh tốt bao quanh tạo thành khu công viên nhỏ cho người già, con trẻ vui chơi... Dành cho lớp trẻ có đủ thứ văn minh của thời hiện đại, trước cửa nhiều nhà thấp thoáng bóng... ôtô
Thầy hiệu trưởng bạn tôi thì nhà cao cửa rộng vài ba chiếc, trang trại sinh thái rất bắt mắt rộng vài hécta với vườn cây, ao cá xanh mướt bưởi Diễn, nhãn lồng, khế ngọt, lựu đỏ, rau xanh mùa nào thức ấy... nhưng vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn ngôi nhà xưa của dòng họ với cửa bức bàn, sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối...
Nghe nói vùng này giàu lên nhanh chóng một phần nhờ truyền thống xưa, nhưng phần lớn hơn là do có nhiều người đi nước ngoài gửi ngoại hối về...
Hoa chanh giờ không còn chỉ nở giữa vườn chanh nữa, nhưng hương đồng gió nội vẫn phảng phất đâu đây qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những con đường bêtông giúp người nông dân có thể phóng xe máy hoặc lái cả xe ô tô nhỏ ra thẳng tới những cánh đồng xa ngái nhất...
Lại như nghe văng vẳng đâu đây câu ca ngày nào:
...Đan Phượng ơi, quê hương người gái đảm
Đồng hợp tác xanh tươi, cấy dày thẳng tắp,
Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc!
Hẹn gặp lại vào mùa bưởi Diễn chín vàng cuối năm!
Bài Thanh Nguyễn, ảnh: Tuyên