Chợ Trời và những nỗi niềm “kẻ chợ”

(Dân trí) - “Chợ Âm Phủ còn đâu, chợ Hàng Da còn đâu? Giờ chuẩn bị tới chợ Trời....Vậy còn mỗi chợ Đồng Xuân nữa thôi... cũng nhếch nhác rùi đấy, dọn nốt đi...” - Tuan Hi: tuanhi2010@yahoo.com nói thay niềm thương nhớ “chợ xưa” của bao người "kẻ chợ" hôm nay.

Chợ Trời và nỗi niềm “kẻ chợ”
Một góc chợ Trời Hà Nội (ảnh: Quang Phong)

 

Mặt phải, mặt trái

 

Điều được nhấn mạnh trong đa số ý kiến phản hồi của bạn đọc là làm sao để không gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, làm ăn của bao người dân, nhất là hơn 700 hộ, sạp hàng buôn bán đã bám khu chợ tạm lâu đời nhất Hà Nội này.

 

Những người đã cân nhắc giữa cái Lợi với cái Hại để tin vào quyết định của UBND thành phố Hà Nội khi chấp thuận đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng về việc di chuyển chợ Hòa Bình (chợ “Trời”) đi nơi khác, có lẽ cùng chung quan điểm với Trần Văn Hiệp phuonghiepcomputer@gmail.com:

 

“Chợ Trời có cả mặt Lợi và mặt Hại, không nên đổ lỗi hết cho nó vì đây cũng là nơi kiếm sống của các anh em bên ngành điện tử. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng có một số hộ kinh doanh mua bán đồ trộm cắp rồi lại bán cho người dân, điều đó là không nên. Mình hi vọng quyết định của các lãnh đạo thành phố HN là đúng đắn, nhưng vẫn mong đừng để ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân”.

 

Số ủng hộ “cả hai tay”, theo chúng tôi nhận thấy, hoặc là có những điểm chung khá mềm dẻo như của Tiến Hưng boyslove@gmail.com:

 

“Theo quan điểm của mình thì mình đồng tình với chủ trương di dời chợ Trời của quận Hai Bà Trưng. Đây không phải là làm mất đi vẻ đẹp đã có từ xưa của Thủ đô, mà chỉ là di dời sang địa điểm khác phù hợp hơn, tạo không gian thông thoáng cho giao thông đô thị, tránh vấn nạn ùn tắc. Xã hội ngày càng phát triển, cần phải thay đổi để ngày càng văn minh hơn”.

 

Hoặc một mặt vạch rõ những nét xấu xí của khu chợ, mặt khác cũng nhấn mạnh cần xem xét cả những mặt tích cực để có phương án di dời hợp lý, như Sáng ngocsang.slooker.lee@gmail.com kiến nghị:

 

“Chợ Trời thật là có nhiều vấn đề: có một bộ phận gian hàng làm ăn kiểu lừa đảo, gây mất văn hóa, mất cảnh quan. Tôi đồng ý di chuyển và quản lý lại, nhưng phải có phương án hợp lý vì chợ trời Hà Nội cũng có nhiều mặt tích cực của nó”.

 

Hay Hung hungk5@yahoo.com lưu ý yếu tố an toàn giao thông khi trong khu chợ còn có cả trường học, bệnh viện…

 

“Tôi sống ở chợ đã 29 năm nay và tôi muốn nói cho mọi người biết là tuy phố ngắn, nhưng có trường tiểu học và trường cấp 2 Đoàn Kết, lại còn có bệnh viện Bưu điện. Khu chợ này hoạt động đang gây ảnh hưởng tới giao thông và làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp...”
 
Flohmarkt - chợ trời ở thành phố nào của Đức cũng có (ảnh: vietphd.org)
Flohmarkt - chợ trời ở thành phố nào của Đức cũng có (ảnh: vietphd.org)

Chợ cũ, chợ mới

 

Thói quen đi chợ ở VN nhìn chung vẫn giữ nhiều nét “xưa cũ”riêng, nên chưa phải số đông đã thích vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn để mua bán theo xu hướng chung của xã hội hiện đại hôm nay.

 

Vẫn còn đó rất nhiều người ưa thích những khu chợ cóc, chợ chồm hổm, chợ mở ngoài trời ở góc phố này, con hẻm nọ. Với túi tiền không lấy gì làm dày dặn, người ta vẫn thích tới với những khu chợ “kiểu ngày xưa” hơn, để có thể mặc cả, lựa chọn những món hàng giá rẻ hợp với khả năng của mình. Hơn nữa đi chợ còn là dịp để giao lưu, để thấy mọi khía cạnh của cuộc sống ngoài đời thực được thể hiện qua những cách giao thương "kẻ chợ" như thế nào.

 

Hơn nữa, những cái tên đã quá quen thuộc với bao thế hệ người dân Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ… và cả chợ Trời nữa, không chỉ đơn giản là chợ, mà nó còn gắn bó với bao kỷ niệm. Với nhiều người, những khu chợ đó còn thể hiện một số nét văn hóa rất riêng theo kiểu truyền thống:

 

 “Thật sự đáng tiếc nếu mất đi một khu chợ lâu đời như vậy. Tôi không sống ở đó, nhưng tôi thấy sự tồn tại của chợ không mấy bất cập như một số ý kiến. Xét về tổng thể, sự tồn tại của chợ này có ích với rất nhiều với người dân, người lao động và các sinh viên ngành kĩ thuật. Nếu không có khu chợ như vậy thì sinh viên chúng tôi biết tìm đâu ra những linh kiện cũ nát để thực hành, tìm đâu ra những thiết bị bỏ đi nhưng khi ráp lại lại thành những Robotcon đem vinh quang quang về cho VN. Khu chợ này không chỉ gắn với đời sống của nhiều người dân nơi đây, mà còn là một nét văn hóa riêng. Mà ngay cả giữa lòng châu Âu hiện đại cũng vẫn tồn tại những khu chợ như thế này. Vậy tại sao phải xóa bỏ, thay vì ta nâng cấp và quản lý tốt hơn? Có vị giới chức nào đảm bảo bằng chiếc ghế của mình rằng: dẹp chợ đi sẽ không còn ùn tắc giao thông tại đây chăng? Đừng lấy đi của người dân công việc đã gắn với họ bao đời nay!” - Người Hà Nội:  docgia@nguoihanoi.com

 

“Chợ Trời là 1 nét đẹp trong lòng Hà Nội. Tôi không phải là người Hà Nội, nhưng với tôi ngoài hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác và những điểm đến khác của Thủ đô được nêu trên sách vở thì chợ Trời là 1 nơi rất lý thú. Tôi thấy không có lý do gì để phải di chuyển nó. Sao không đầu tư, xây dựng chợ tốt hơn? Tắc đường, ô nhiễm, những cảnh đó ở Hà Nội thiếu hay sao? Đến giờ tan tầm thử hỏi xem được mấy con đường, tuyến phố không tắc? Hầu như đi đâu mà chẳng thấy bụi mù mịt, rồi nào là mùi cống rãnh, rác thải… Nếu vậy thì những nơi như thế đều phải di chuyển hết hay sao???” - Hùng Việt:  longthaiduong@yahoo.com

 

“Có một số bạn chắc chẳng hiểu chợ Trời là như thế nào, nên các bạn nghĩ chợ Trời hầu như chỉ kinh doanh đồ ăn cắp? Thực ra chợ Trời là khu chuyên kinh doanh phụ tùng máy móc phục vụ sản xuất công nghiệp là chính (vòng bi, bánh răng, đồ điện ...) Có những nhà máy ở các khu công nghiệp còn phải cử nhân viên định kỳ đi chợ Trời đấy. Và cũng có những mặt hàng đặc chủng chỉ ở chợ Trời mới có. Nên có người phải đi 40-50 cây số về chợ chỉ để mua 1 cái dây đai, 1 cái phớt mà trị giá chỉ vài chục ngàn đồng. Các ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực SX công nghiệp của VN mình còn yếu, nên nếu như không có các quầy kinh doanh ở chợ Trời thì có khi máy móc ở một nhà máy nào đó hỏng, đành chỉ có nước chờ đặt mua từ nước ngoài thôi” - Trong Hieu:  cafedendo@gmail.com

 

“Tôi nghĩ chợ Trời là một chợ nổi tiếng về kỹ thuật và công nghệ có tính chuyên sâu. Nó gắn liền với cư dân ở đây. Do đó, rất nhiều cư dân khu vực này cũng mang những đặc điểm, tính công nghệ chuyên sâu của chợ để đáp ứng nhu cầu mưu sinh của nhiều người trong cuộc sống, giúp ích rất nhiều cho xã hội và cộng đồng. Phạm vi ảnh hưởng của chợ rất lớn, liên quan đến hàng vạn người sinh sống tại HN, các tỉnh lân cận cũng như toàn miền Bắc. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những mặt trái của một cái chợ, song chợ nào mà chẳng có mặt trái, vấn đề là ta phải tìm cách hạn chế những mặt tiêu cực thì sẽ là một cái chợ tốt. Chuyển một chợ công nghệ về vùng dân cư không đáp ứng được những tiêu chí của chợ, với địa điểm xa trung tâm như vậy thì tôi e rằng rất khó thành công trong cố gắng mang lại những lợi ích thiết thực về mặt kỹ thuật, công nghệ cho Hà Nội cũng như toàn xã hội” - Pham Thanh:  phthanh_2004@yahoo.com

 
Một khu chợ trời ở Ney York, Mỹ (ảnh: photos.igougo.com)
Một khu chợ trời ở Ney York, Mỹ (ảnh: photos.igougo.com)
 

Giảm thiểu xáo trộn

 

Vậy nên vẫn lại có những đề xuất khác được nêu ra, nhằm góp thêm tiếng nói để tránh khả năng xấu là lại có thêm một khu chợ mới hiện đại nữa, nhưng rất có thể lại… vắng như chùa Bà Đanh (mà thực tế đã chứng minh ở không ít nơi). Hoặc mục tiêu đề ra tốt đẹp là thế, nhưng khi trở thành thực tế thì... lại khác rất xa (???)

 

“Chào các bạn! Tôi cũng là một người thường xuyên ghé chợ Trời, mua đồ có, rảnh rỗi tạt vào ngó nghiêng có, vì là dân kỹ thuật mà. Vừa rồi tôi thấy có nhiều ý kiến nói rằng chợ này có cả việc tiêu thụ đồ gian này nọ, nhưng xin thưa rằng: đúng là trước đây có tồn tại chuyện đó, nhất là thời bao cấp. Song giờ đây cuộc sống  đã thay đổi tốt và đa dạng hơn lên rồi. Trong chợ cũng có nhiều người buôn bán đàng hoàng, đâu phải ai cũng mua bán mấy cái thứ đó đâu… Còn tôi nghĩ trộm cắp thì ở đâu chẳng thể có, mà nếu không bán chỗ này thì bọn chúng lại đem bán chỗ  khác…

 

Còn việc của thành phố, theo tôi nếu muốn quản lý tốt và qui hoạch cụ thể thì xây chợ đàng hoàng, sau đó thu thuế (khoản này công nhận bà con tiểu thương ở chợ “né” thuế nhiều lần). Còn việc di dời thì TP nên cân nhắc thật kĩ, tránh xáo trộn cuộc sống và hoạt động buôn bán hàng ngày của bà con tiểu thương... Việc di dời chợ tôi cũng ủng hộ, nhưng tránh việc dời đi quá xa, có thể nảy sinh tâm lý chán nản cho người kinh doanh, khiến họ có thể phải bỏ sạp hàng đi làm việc khác. Như vậy chính quyền cũng không thu được thuế....Còn về ý kiến của ai đó muốn dời xa hẳn ra ngoại tỉnh, nếu số đông ủng hộ thì theo ý tôi nên dời về Hải Phòng, cũng là nơi tập trung nhiều đầu mối quan trọng về nhiều chủng loại hàng hoá kỹ thuật…” - Hoang Tung:  Hoant.bkit@gmail.com

 

Bản thân tôi cũng nhận thấy ý kiến của Người Hà Nội docgia@nguoihanoi.com khá hợp lý. Ngay giữa lòng châu Âu, giữa lòng những thành phố lớn của nước Mỹ cũng có những khu chợ Trời rất dễ thương, tạo nên một nét riêng khác biệt với nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại bên ngoài.

 

Ở các nước, người ta tới chợ Trời để bán phần lớn là những đồ rẻ tiền, bao gồm cả những loại quà lưu niệm có khi còn mới tinh vì gia chủ không sử dụng hết. Cảnh bán mua cũng rất tấp nập song đều là thuận mua vừa bán, với mặt bằng giá cả chung rẻ hơn rất nhiều so với mua trong cửa hàng. (Nếu đôi khi có thể coi là có hiện tượng “lừa đảo” ở đâu đó, thì chắc người  mua cũng chỉ bị “hớ” 1 vài USD hoặc euro mà thôi).

 

Người bán có khi còn tặng thêm cho người mua một số thứ, vì đã giúp dọn đỡ cho nhà mình những vật dụng thừa mà lẽ ra họ phải thuê xe chở ra bãi rác thải. Hết ngày, khu chợ được chính những người bán dọn dẹp sạch sẽ, trả lại mặt bằng sinh hoạt như cũ cho khu dân cư. Được như họ thì chợ Trời của ta dù ở đâu cũng có sức hút riêng lắm chứ, vì danh tiếng mới là quan trọng, chứ địa điểm dù xa hay gần thì cũng không quá đáng lo ngại.

Kiều Anh