Chiếm dụng hàng ngàn tỉ đồng phí bảo trì chung cư mà vẫn “ung dung” được sao?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản hiện nay, Bộ Xây dựng đã có đề xuất Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.


Nhiều người dân sống tại chung cư đang phải “sống mòn” với những tranh chấp (Ảnh: Bảo Chương).

Nhiều người dân sống tại chung cư đang phải “sống mòn” với những tranh chấp (Ảnh: Bảo Chương).

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện có đến 215 dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư . Nhiều chủ đầu tư không hoặc chậm bàn giao, hay chỉ bàn giao một phần phí bảo trì chung cư cho ban quản trị, vi phạm qui định hiện hành.

Cách đây hơn 3 năm, cư dân tại tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam đã lo sốt vó vì sợ rằng hơn 160 tỉ đồng phí bảo trì chung cư sẽ bị chủ đầu tư “xù” sau khi bán lại tòa nhà. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều ban quản trị chung cư hiện nay: Sau khi ban quản trị được thành lập, nhưng chủ đầu tư vẫn cứ chây ì chuyển giao lại nguồn kinh phí này.

Đó thực chất là hành vi chiếm dụng vốn để trục lợi. Với số lượng cả trăm chung cư đang xảy ra tranh chấp về phí bảo trì, số tiền có thể lên đến cả ngàn tỉ đồng. Thế nhưng có những trường hợp phí bảo trì chung cư bị chủ đầu tư chiếm dụng, chây ì chuyển giao hết năm này sang năm khác; đến khi chuyển giao thì phớt lờ các khoản lãi phát sinh từ khoản tiền chiếm dụng đó, cuối cùng cư dân phải chịu thiệt.

Luật Nhà ở được ban hành nhiều năm qua qui định rất rõ về các khoảng chung-riêng của cư dân và chủ đầu tư tại công trình chung cư/nhà cao tầng. Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ tranh chấp, chủ đầu tư lại lập lờ lái phần sở hữu chung thành của riêng để khai thác kinh doanh nhằm tận thu lợi nhuận. Đó còn gọi là tình trạng chủ đầu tư “bẻ” luật.

Và trên thực tế, có những đợt thanh tra chung cư và đã chỉ ra được những hạn chế, sai phạm của phía chủ đầu tư, nhưng các biện pháp hành chính không đủ răn đe đối với những chủ đầu tư làm ăn thiếu chuyên nghiệp và lôm côm.

Vậy thì cần một “cây gậy” mạnh mẽ hơn – xử lí hình sự, đối với các chủ đầu tư không chỉ chiếm dụng phí bảo trì chung cư mà còn cắt giảm các hạng mục liên quan tới vấn đề an toàn PCCC, chất lượng công trình, dịch vụ tiện ích.v.v…

Bài học đau xót từ vụ cháy chung cư Carina vẫn còn đó. Đã đến lúc không thể cứ tiếp tục “đánh khẽ” đối với tình trạng chiếm dụng phí bảo trì chung cư của các chủ đầu tư.

Theo Thế Lâm

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm