"Chỉ mong xăng dầu bán đúng giá!"

(Dân trí) - Cảnh người dân đổ xô đi mua xăng trước giờ tăng giá không có gì lạ. Đáp lại những nhận xét “số tiền tiết kiệm được không là bao” là lời giải thích: điều đó chứng tỏ dân ta còn nhiều người nghèo, tiết kiệm thêm chút nào tốt chút đó, xem ra có lý.

Chỉ mong xăng dầu bán đúng giá!
Hoạt động vận tải đang đứng trước áp lực tăng giá xăng và phí bảo trì đường bộ
 
Khéo ăn…khéo co… vẫn gay go

 

Từ hàng trăm, hàng ngàn phản hồi của bạn đọc gửi tới diễn đàn mỗi ngày, chúng tôi cũng có thể nhận thấy (và tin rằng giới chức các bộ, ngành…đều biết) đa số người dân VN đâu đã phải có mức sống cao để mà hoang phí. Trái lại, ý thức tiết kiệm vẫn bao trùm, bởi vậy mà câu “thắt lưng buộc bụng” ai cũng hiểu rất rõ.

 

Không tiết kiệm sao được khi với mức thu nhập trung bình thấp như vậy, mà người dân ta vẫn xoay sở để vừa lo được cho bản thân, gia đình, vừa đóng góp các khoản thuế, phí tuy có lẽ không cao so với các nước khác, nhưng đã chiếm tỉ lệ đáng kể trong các khoản thu mà với phần lớn người dân là rất ít ỏi.

 

Dân ta vốn không thích “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng trước tình cảnh giá cả và phí gì cũng tính toàn bằng tiền chục ngàn tới cả triệu, chục triệu… như hiện nay, nhiều bạn đọc sẵn sàng công khai thu nhập và chi tiêu của mình. Dù rất có thể đối với những người trẻ, trước mắt sẽ là viễn cảnh… ế ẩm dài dài.

 

“Lương của tôi bây giờ là 4 triệu, sống ở Hà Nội. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước hết 1 triệu đ/tháng. Tiền điện thoại: 300,000 đ/tháng. Ăn trưa ở công ty là: 650 ngàn đ/tháng. Ăn sáng 450.000/tháng. Ăn tối: 650.000 đ/tháng. Chi phí hao mòn, sửa chữa xe máy:  150.000 đ/tháng. Đi làm cách nhà 6 km. Với mức độ tắc đường như trên đường Trường Chinh thì trung bình 4 ngày hết 1 bình xăng 4 lít (1 tháng đi làm 26 ngày), tính ra là 26 lít xăng = 618.800 đ/tháng.Tổng chi phí cần thết: 3.818.800 đ/tháng. Còn lại 81.200 đ/tháng. Hỏi chẳng may trong tháng bản thân hoặc người trong gia đình bị ốm thì lấy cái gì để chữa bệnh? Còn việc ma chay, cưới hỏi có dám đi tay không hay không đi? Bao giờ mới có tiền để nuôi được con cái, bao giờ mới có tiền mua được một căn nhà 20 m2 cho gia đình riêng nho nhỏ??????” - :  thangngoc@yahoo.com

 

“Tôi đang là sinh viên, còn đang 'hưởng lương' chủ yếu từ...gia đình. Gia đình chu cấp cho mức giới hạn chỉ đủ ăn và trả tiền thuê phòng. Chi tiêu thêm là từ việc đi làm thêm để đổ xăng đi học và làm. Thật sự khi xăng tăng giá thì tất yếu các mặt hàng khác sẽ tăng theo, đó là gánh nặng lớn. Bây giờ chuyển sang đi xe đạp hay xe bus đều không ổn vì tôi trọ cách điểm xe bus 3km, cách trường 9km, cách nơi làm việc 8km. Thật sự rất mệt” -  Nguyễn Duy Phong:  akula_2_2008@yahoo.com

 

“Xăng lại tăng giá, cứ đà này thì có lẽ sinh viên tụi cháu phải nghỉ học thôi. Không thể trụ được nữa rồi, các bác ơi. Xăng tăng thì tiền phòng tăng, điện nước, thực phẩm cũng tăng, kéo theo ti tỉ thứ khác cũng tăng, tăng một cách chóng mặt. Cứ qua mỗi kì tăng giá trước thì chúng cháu cũng đã ngán ngẩm khi giá phòng tăng lắm rồi. Bây giờ giá xăng lại tăng thì chủ nhà cũng tăng theo giá xăng, lại tăng, suốt ngày tăng… Đi trọ học mà lúc nào cũng lo nơm nớp khi giá cả leo thang.Trước đây khi chưa tăng giá xăng, để trụ được với cuộc sống ở thành phố thì chúng cháu cũng đã khá vất vả rồi. Bây giờ xăng lại tăng giá, không biết chúng cháu sẽ sống bằng gì đây?

 

Gia đình cháu làm ruộng, để lo cho cháu đi học được như thế này là bố mẹ cháu đã rất vất vả. Chúng cháu đi học thì cũng phải tiết kiệm từng khoản chi tiêu, ngay cả ăn uống. Có khi cả ngày chỉ dám ăn mỗi ổ bánh mì. Bởi vì tiết kiệm ăn thì được, chứ không thể tiết kiệm được tiền phòng, tiền điện nước. Xăng cứ tăng như vậy thì có lẽ chúng cháu phải xếp đồ về quê phụ giúp ba mẹ thôi, chứ không trụ được nữa rồi. Bao nhiêu năm đèn sách chỉ mong đi học để đổi đời, mà có lẽ sinh viên nghèo như chúng cháu phải từ bỏ giấc mơ đó thôi. Cuộc đời vẫn thật là nhiều ngang trái. Các bác được ở nhà lầu, đi xe hơi, ngồi phòng máy lạnh… Làm sao các bác có thể hiểu được cuộc sống của sinh viên nghèo như chúng cháu?” - Trang Dao:  phamthitrangdao5712@yahoo.com

 

“Hiện tại người dân đang lao đao với vật giá leo thang, thiếu thốn trăm bề. Chúng tôi mới vừa nghe tin tăng lương lên từ 1/5, mà cái tăng lương này thật ra nhiều người dân không “dám” thích, vì cuộc sống xem ra vẫn rất lao dao. Đùng một cái các ông lại tăng giá xăng dầu, mà khổ nỗi lương tăng chưa kip áp dụng, giá xăng dầu đã nhảy vọt 2 lần rồi. Lại thêm cái chuyện cước vận tải, nhiều loại phí tăng theo... Mong các ông hãy suy nghĩ đơn giản thôi, đừng phức tạp quá vì người chịu khổ vẫn là người dân lao động thôi” -  Dân thường:  hal_tg@yahoo.com

 

Và ngay cả với những người được coi là khá giả hơn so với mặt bằng chung, thì sự tăng giá liên tục cộng với nay lại thêm khoản phí này, mai thêm khoản phí khác vẫn là điều thật khó chấp nhận được. Bởi họ không chỉ tính cho mình, mà còn nghĩ tới nỗi khổ của bao người khác trong xã hội. 

 

“Tôi là nhân viên làm cho 1 doanh nghiệp nước ngoài, lương gần 20 triệu đồng/tháng. Tôi nói thật dù có tăng bao nhiêu đi nữa thì tôi vẫn ổn. Nhưng còn các tầng lớp khác trong XH thì sao, nhất là bà con nông dân. Tôi thấy thương họ quá, rồi tới đây họ phải oằn mình để sống dưới thời tăng giá liên tục như thế nào đây? Các vị ơi, các vị có thương dân không vậy?  Phí bảo trì đường bộ lẽ ra phải trình Quốc hội xem xét mới được thực hiện, nhưng đằng này...Thực sự tôi cũng thấy bất bình quá, các bạn ạ” - Lan hh:  hhjsc.lan@gmail.com

 

Với cùng suy nghĩ cho đa số chứ không phải chỉ cho thiểu số đó, Duy Phương duyphuong.pipi@gmail.com nêu rõ:

 

“Tôi hy vọng các bộ ngành không nên xem nhẹ vấn đề tăng giá xăng dầu (giá xăng tăng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nên nó sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế của quốc gia). Mong Chính phủ và Quốc hội có những lộ trình và chính sách cụ thể giám sát giá xăng dầu, để sau những lần điều chỉnh luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân…”

 

Trên tất cả, nick Nongdan nongdan@yahoo.com khẳng định mong muốn có lẽ cũng là chung của tất cả người dân hiện nay:

 

“Chỉ mong xăng dầu bán đúng giá. Người tiêu dùng chúng tôi chẳng mong được mua rẻ do bù giá hay bình ổn này nọ. Vì rằng có bù giá hay bình ổn bằng khoản nào đó, thì  cũng là từ tiền thuế của đân đóng góp cả thôi. Mong các nhà quản lý nên tính rõ: giá xăng nhập về + cộng thuế + các chi phí khác, thành giá xăng bán cho dân. Giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng tương ứng và khi giảm cũng phải giảm tương ứng cho dân. Chứ thực tế ở ta thì xăng tăng giá rất nhanh, còn giảm thì nhỏ giọt. Làm như vậy là không đúng vì tại sao mọi thiệt thòi hầu như đều đổ vào dân?”
 
Chỉ mong xăng dầu bán đúng giá!
Cố gắng đổ thêm ít xăng trước giờ tăng giá (ảnh: Bích Diệp)

 

Vẫn còn quá nhiều câu hỏi

 

Người dân cũng không thể không tiếp tục đặt nhiều câu hỏi lớn, khi vẫn còn đó những sự bất hợp lý cả trong cách tiếp nhận phản hồi cũng như tính toán giá cả… Dẫu biết rằng có nói mãi cũng chẳng tới được những nơi cần, song dù sao cũng đỡ... ấm ức phần nào khi ít ra cũng được những người dân khác chia sẻ.

 

“1. Không biết có loại hình kinh doanh nào khác mà chỉ cần kêu lỗ là đã có cơ quan quản lý nhà nước chạy đôn chạy đáo cho tăng giá?

 

2. Có bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước quan tâm tới lãi - lỗ trong kinh doanh thế này? Mà nhà nước lại đảm bảo cho kinh doanh là chỉ có lãi trở lên?

 

3. Có bao nhiêu doanh nghiệp tăng giá lên mà người tiêu dùng vẫn phải mua, tăng bao nhiêu cũng được?

 

4. Có doanh nghiệp nào mà người kinh doanh than lỗ 600 đồng một lít xăng, thì nhà nước mau mắn cho tăng giá lên 900 đồng/lít?” - Quỳnh Anh:  ho_danghoa@yahoo.com

 

“Tôi nhận thấy các vị Bộ trưởng của chúng ta ngày càng làm việc năng động và có trách nhiệm. Tuy nhiên, vẫn mong các Bộ trưởng cân nhắc kỹ hơn đến cả cái lợi trước mắt và hậu quả về sau. Cụ thể như sau:

 

1. Giá xăng tăng kéo theo giá cả của các loại hàng hóa dịch vụ tăng gấp đôi -> Lạm phát có thể sẽ tăng gấp đôi.

 

2. Đời sống còn thấp, người dân còn khổ cực, nhưng các giới chức cứ quyết định bấp chất sự phản đối của người dân như vậy thì có phải là nghĩ cho dân không? Mong các bác hãy cân nhắc xem vì sao giá xăng, giá điện, thuế, phí... cái gì cũng tăng. Với các chi phí như thế, những người có thu nhập cao có  thể chấp nhận được, nhưng với đại đa số người dân thì đó là gánh quá nặng. Buồn quá…

 

3. Các bác làm vậy khiến người dân buộc phải  nghĩ là hình như các bác muốn kiềm chế sự phát triển của xã hội, vì người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn mà  không hề được thông cảm. -> Buồn quá!

 

4. Sao hình như không thấy ai quan tâm đến người dân nhỉ? -> Buồn thêm lần nữa” - Cao Tuan:  mphts9@yahoo.com

 

“Một ngày cả nước tiêu thụ đến mấy chục triệu lít xăng, các bác vẫn kêu lỗ. Thử hỏi, nếu người dân Việt Nam không đi xe máy, ôtô trong vòng một tuần thì chắc có lẽ các bác bên xăng dầu phải… bán nhà đi để mà sống mất. Nhưng đa số các bác ở nhà cao cửa rộng, đất chỗ này nhà chỗ kia, các bác đâu để ý đến xung quanh mình vẫn có biết bao người phải sống cuộc sống bữa này chưa qua đã phải lo bữa sau, biết bao người ngay cả một chỗ nhỏ xíu để ở cũng không có…” -  Hoang Anh:  hoanganh28888@gmail.com

 

“Chuyện tăng giá xăng, mấy ông lấy lý do là lỗ, không có thêm nguồn nào để bù vào quỹ bình ổn. Nhưng tui không biết mấy ông kêu lỗ là thật hay là… chuyện phim? Bộ Tài chính trước đây nói rằng sẽ làm rõ các yếu tố đầu vào để xem xét các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lời hay lỗ. Vậy kết luận của mấy ông ở đâu? Sự thật là chuyện lỗ hay lãi chắc chỉ có mấy ông đầu mối xăng dầu cùng với ekíp của mấy ông biết thôi, chứ còn người dân thì luôn nhận được một câu trả lời rất chung: Các doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ, đề nghị Bộ Tài chính ký duyệt cho tăng giá xăng. Ok! ngay lập tức giá xăng tăng và người dân gánh chịu hậu quả của những việc làm chưa rõ ràng… Vậy đâu là sự thật?” - Titi:  arowana314@yahoo.com

 

“Doanh nghiệp xin tăng giá thì cho tăng ngay, tăng chóng mặt. Người dân phàn nàn, đề nghị xin giảm giá thì cân nhắc mãi song có giảm thì cũng như… không. Luôn nghe các cơ quan chức năng nói nào là phải bình ổn giá để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân… nhưng cứ để tăng giá liên tục như vậy, khiến đồng tiền trượt giá thì làm sao mà kiềm chế lạm phát, mà phát triển đi lên đươc đây? Người dân cần thấy những hành động thiết thực chứ không muốn chỉ nghe nói mà không hiệu quả thế này, vì không làm được thì cuối cùng phải gánh chịu vẫn là người dân”- Hồ Văn Kính:  hovankinh1991@gmail.com

 

“Tôi đang công tác tại Malaysia. Đi taxi thấy họ đổ 10 Ringit (tương đương 70 ngìn đồng được 5,6 lít). Đọc báo chí VN, tôi cũng bức xúc vô cùng về cách quản lý của của các cơ quan chức năng bây giờ, thật là gây mất lòng tin với người dân…” -  Nguyen Phuc Thang:  bluelake376@gmail.com

 

“Hiện tại mình đang sống ở nước ngoài, nhưng mình cảm thấy có nhiều thay đổi ở Việt Nam làm cho mình ở tận nơi xa xôi này cũng phải chóng mặt. Ở đất nước bên này (ANGOLA, CHÂU PHI) chỉ có 40kz/1 lit xăng (quy sang tiền Việt Nam chỉ có 8.500đ/ lít thôi, mà bên này phương tiện đi lại 90-95% là ôtô” – Thuy Luong:   congai_maunuocmat_maudoithay@yahoo.com

 

“Tính đi tính lại thì giá xăng dầu Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất thế giới. Còn các bác giới chức hầu như ai cũng có xe đưa xe đón tận cửa, thậm chí cả người nhà đi đâu cũng xe đưa xe đón. Các bác ấy hình như có bao giờ phải tự đổ xăng đâu mà lo... Dân nghèo có cái xe đi kiếm cơm toàn phải tự đổ xăng, nên giá xăng tăng, phí đường bộ tăng thì vẫn chỉ lấy từ túi mình mà ra, không lo, không kêu sao được... Ôi, người dân vẫn mãi cứ phải chịu... Thôi thì trời kêu phải dạ vậy, chứ than thở nữa cũng chẳng ai nghe cho....” - Nguyễn Văn Tăng:  nguyenvantang@yahoo.com.vn

 

Giữa tính toán của các cơ quan chức năng với thực tế cuộc sống dường như vẫn luôn có những khoảng cách như vậy đó. Mà đa số người dân hiện nay dù đã khéo ăn, khéo co lắm rồi vẫn rất gay go. Thật thế đấy!

 

Khánh Tùng