Chỉ 9% bộ ngành tiếp dân, làm sao dân không khiếu kiện
Luật đã có qui định các bộ ngành phải công bố lịch tiếp dân của người đứng đầu, nhưng trên thực tế việc này được thực hiện một cách “được chăng hay chớ”, với con số lên đến 20/22 bộ ngành không công bố lịch tiếp dân, như vậy số bộ ngành có lịch tiếp dân chỉ đạt khoảng 9%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Trương Minh Tuấn có lịch tiếp công dân vào ngày Thứ Sáu của tuần thứ ba mỗi tháng (ảnh: ICTNews).
9% là con số không chỉ phản ánh việc thực hiện qui định, chức trách, nhiệm vụ…
9% ấy là con số nói về sự lắng nghe dân, nắm bắt tâm tư và những ý kiến phản ánh của người dân.
Mà ngày nay, những ý kiến đó, đa phần là những bức xúc, phản ánh những bất hợp lý, sự tắc trách mà người đứng đầu các bộ ngành, cơ quan nhà nước nếu được biết, nắm bắt rõ, sẽ sớm tháo gỡ tạo môi trường sống, làm việc, kinh doanh… thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Nếu xem chính trị là một nghề, công chức là một nghề, như bao ngành nghề khác trong xã hội, thì những thông tin và ý kiến phản ánh từ phía người dân chính là nguồn dữ liệu, tài nguyên quí báu giúp cải thiện cách làm việc, cách xử lí vấn đề và công việc của bộ máy công quyền được tốt lên.
Minh chứng cho điều này là ngày nay, ở những quốc gia tiến bộ và phát triển như Singapore, các quốc gia Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ…, các kênh tiếp nhận thông tin từ người dân không chỉ phụ thuộc vào kênh truyền thống là tiếp trực tiếp tại văn phòng, mà còn thông qua website, các công cụ nhắn tin và gọi điện OTT miễn phí trên Internet, mạng xã hội.v.v… Một đơn cử là cách đây gần 10 năm, Singapore đã tiên phong đặt máy tính bảng trong nhà vệ sinh sân bay để tiếp nhận phản ánh của hành khách.
Lắng nghe, tiếp nhận với sự tôn trọng và trân trọng chứ không phải chỉ cho có, hình thức, hay theo một kiểu đối phó trong mệt mỏi và khó chịu.
Trong thời đại ngày nay, khi xã hội bước vào thời kì dữ liệu lớn (Big Data), thậm chí hệ thống công quyền còn phải chuẩn bị sẵn các giải pháp CNTT đủ năng lực phân tích dữ liệu lớn từ phía người dân, du khách để từ đó giúp cải thiện cách phục vụ, đưa ra các biện pháp, giải pháp quản lí xã hội hữu hiệu hơn.
Khi các cửa phòng tiếp dân không được mở ra, hay có thể hiểu là rơi vào tình trạng nút thắt, vụ việc thay vì được giải quyết ngay ở cửa tiếp dân nhưng không được giải đáp và tháo gỡ thì dễ chuyển hoá sang bức xúc khiếu kiện, từ ít người đến đông người, từ đơn giản đến phức tạp, càng khó giải quyết.
Những “người đầy tớ của nhân dân” không chịu lắng nghe thông tin, ý kiến phản ánh từ người dân thì làm sao để biết những rào cản, các ách tắc phải xử lí để phục vụ người dân tốt hơn và ở gần dân hơn?
Theo Thế Lâm
Báo Lao động