Chạy chức, chạy quyền để làm gì?

Nạn chạy chức, chạy quyền… suy cho cùng đều là vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm (gia đình, họ hàng, cánh hẩu…) xoay quanh hai chữ “danh, lợi” mà thôi. Nếu không vì “danh, lợi” thì người ta chạy chức, chạy quyền để làm gì? Trong cuộc “chạy" này, họ phải có “đặc quyền, đặc lợi”?


Ảnh minh họa. (Nguồn: vov.vn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: vov.vn)

Có thể nói, vấn nạn chạy chức, chạy quyền… thì ở xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Phải chăng nó tùy thuộc vào cách thức tổ chức quản lý xã hội của bộ máy nhà nước ở mỗi quốc gia, vào các giai đoạn lịch sử khác nhau, vấn nạn này xảy ra ít hay nhiều mà thôi. Nói như vậy, không có nghĩa là xã hội chấp nhận sự tồn tại của vấn nạn chạy chức, chạy quyền… Không, chắc chắn là không! Bài học được đúc rút từ xa xưa tới nay cho thấy, vấn nạn “mua quan, bán chức” sẽ làm cho bộ máy nhà nước rối ren, dân chúng bất bình…

Biểu hiện của việc chạy chức, chạy quyền là tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Dường như ở đâu đó, các vị trí chủ chốt cũng đã được “cài cắm” cho cán bộ được bổ nhiệm theo kiểu “siêu thần tốc”, thiếu trong sáng; theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” được giấu dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy định” mà quên đi năng lực, phẩm chất của cán bộ, đảng viên… được quy hoạch bổ nhiệm.

Trong xã hội văn minh ngày nay, không chỉ riêng nước ta mà ở một số nước khác trên thế giới cũng vẫn còn tồn tại nạn chạy chức, chạy quyền… Có điều, ở mỗi quốc gia thì mức độ phức tạp có khác nhau. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân được biết đến không ít những vấn đề tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ. Đặc biệt là nạn chạy chức, chạy quyền ngày càng có chiều hướng tinh vi, phức tạp… Cũng còn cán bộ, đảng viên có nhiều sai phạm, thậm chí bị kỷ luật nhưng vẫn được luân chuyển, lên chức, chỉ đến khi bị đưa ra ánh sáng công luận thì những tiêu cực liên quan mới được phơi bày...

Nạn chạy chức, chạy quyền… suy cho cùng đều là vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm (gia đình, họ hàng, cánh hẩu…) xoay quanh hai chữ “danh, lợi” mà thôi. Nếu không vì “danh, lợi” thì người ta chạy chức, chạy quyền để làm gì? Cái gì đã làm cho con người ta khao khát đến mức phải bất chấp tất cả? Cám dỗ nào khiến người ta lao vào cuộc đua chạy chức, chạy quyền? Có lẽ dưới góc nhìn của những người trong cuộc “chạy" này, nhất định phải có “đặc quyền, đặc lợi” thì họ mới “chạy”... ? Sẽ khó để có một hay một vài câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Phát biểu của Tổng Bí thư như một cảnh báo về đặc quyền, đặc lợi do chức vụ, vị trí công tác mang lại cho những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất. Vì thế mà không ít kẻ chấp nhận lao vào cuộc chạy đua chức quyền, với mục tiêu nhằm “vinh thân, phì gia” cũng bởi lối tư tưởng cổ hủ “thâm căn cố đế” của những “ông quan” thời hiện đại chỉ biết vỗ ngực tự hào về chức tước, lương bổng. Và tất nhiên, hệ lụy của nó là biểu hiện cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, vòi vĩnh của một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên bị phanh phui thời gian gần đây đã phần nào giúp giải đáp về những đặc quyền, đặc lợi của những cán bộ, đảng viên hư hỏng…

Đúng là công tác cán bộ hiện nay bên cạnh những mặt tích cực cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, vẫn còn kẽ hở cho những người cơ hội luồn lách. Thiết nghĩ, nên rà soát lại, xem xét một cách khách quan hơn để hạn chế những người được quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí công tác chỉ dựa trên những tiêu chí như: Bằng cấp, chứng chỉ hay thâm niên công tác nhưng lại thiếu hẳn tố chất, năng lực phẩm chất phù hợp cũng như thành tích trong quá trình công tác thực tiễn… Đôi khi chính những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn… nếu áp dụng một cách máy móc cũng tạo ra cuộc chạy đua tích lũy những thứ gọi là điều kiện cứng nhắc, để rồi khi tích đủ bằng cấp thì... ngồi chờ để được quy hoạch, bổ nhiệm. Cần kết hợp hài hòa, đánh giá khách quan, công tâm, cả trình độ, năng lực dựa trên chứng chỉ, bằng cấp đến hiệu quả hoạt động thực tiễn công tác.

Để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đòi hỏi cần có sự chuyển động mạnh mẽ mang tính đột phá của cả bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cán bộ. Đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ, nhất định phải thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, nhất là nhóm giải pháp thứ 5 được coi là bước đột phá sâu sắc về công tác cán bộ, đó là “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”./.

Theo Khắc Trường

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam