Tổng Thanh tra Chính phủ:
Chặn được hơn 500 tỷ đồng tiền xây biệt thự tính vào giá điện
(Dân trí) - Trong số gần 600 tỷ đồng đầu tư xây dựng biệt tự, sân tennis, bể bơi tại 6 dự án điện của Tập đoàn Điện lực, có 1 dự án trên 60 tỷ đã tính giá bán điện. Còn 5 dự án, Chính phủ yêu cầu phải tính vào quỹ phúc lợi của đơn vị.
Đăng đàn trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời cuối cùng của năm, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu nhiều thông tin mới nhất về việc xử lý vi phạm hậu thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Liên quan đến kết luận sau thanh tra về những sai phạm tại, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận được câu hỏi đầy băn khoăn về số vốn lên tới 121.000 tỷ đồng đơn vị đầu tư ngoài công ty mẹ. Số tiền đầu tư ngoài ngành này, dư luận bức xúc là quá lớn trong khi EVN liên tục kêu ca thiếu vốn đầu tư phát triển điện.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh xác nhận, trong quá trình thanh tra EVN, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc đầu tư ngoài công ty mẹ là 121.000 tỷ đồng.
Xác định đóng góp của tập đoàn Điện lực đối với việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng ông Tranh vẫn phải nhấn mạnh, qua thanh tra đã phát hiện nhiều vấn đề sai phạm tại đơn vị, trong đó có việc đầu tư ngoài ngành.
“Đối với EVN, đầu tư 121.000 tỷ đồng ngoài công ty mẹ là vượt vốn điều lệ 45.000 tỷ đồng. Nếu nói về mặt quy định thì đầu tư ngoài ngành là không vi phạm các quy định của pháp luật. Vì pháp luật quy định các DNNN có quyền đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực. Nên có thể nói, đầu tư ngoài công ty mẹ dẫn đến các hệ quả mà có thể thấy, thứ nhất làm phân tán nguồn vốn, đầu tư không tập trung ngành nghề chính” – ông Tranh phân tích.
Hơn nữa, hệ số tỷ suất lợi nhuận đầu tư ngoài ngành nghề chính của EVN lại rất thấp. Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ đó, sau khi kết luận thanh tra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương chấn chỉnh vấn đề này, phải tập trung đầu tư ngành nghề chính để có vốn đầu tư ngành điện, thực hiện hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu ngành Thanh tra thông tin thêm, đến nay, trong quá trình thanh tra và sau kết luận thanh tra, thực hiện ý kiến của Thủ tướng, EVN đã thực hiện lộ trình thoái vốn theo lộ trình Chính phủ quy định. Ông Tranh nhận định, EVN đã thấy vấn đề và đang triển khai thoái vốn và đầu tư vào ngành nghề chính.
Về khoản 600 tỷ đồng xây dựng biệt tự, sân tennis, bể bơi tính vào chi phí 6 dự án điện khiến dư luận rất bức xúc, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh phân tích, EVN đầu tư tới 6 dự án là nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các công trình phúc lợi như sân tennis, bể bơi và các công trình thể thao khác. 6 dự án này, số chi phí chính xác là 595 tỷ đồng. Sau khi thanh tra kết luận, có 1 dự án trên 60 tỷ đã được đưa vào giá thành để tính giá thành, đưa vào giá bán điện. Còn lại 5 dự án đang xây dựng và đưa vào sử dụng.
Sau khi có kết luận của thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công thương rà soát lại nội dung nào, đầu tư nào được đưa vào giá thành thì đưa vào giá thành để tính vào giá điện. Còn nội dung nào không được đưa vào giá thành thì tính vào quỹ phúc lợi để đầu tư các dự án tương tự.
Nội dung về việc tập đoàn cho Nhiệt điện Phả Lại vay với lãi suất thấp nhưng sau đó lại đi vay lại của 2.350 tỷ đồng của nhà máy này với lãi suất cao hơn, ông Tranh giải thích, đây là vốn tạm nhàn rỗi của đơn vị thành viên. Do vậy, hoạt động này không phải là hoạt động tín dụng mà huy động nội lực trong Tập đoàn.
Theo ông Tranh, EVN thực hiện việc này là hết sức bình thường, góp phần vào việc đầu tư vào ngành điện, không vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng.
Về công tác PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận được câu hỏi về hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản. Ông Tranh cho biết, việc kê khai tài sản là giải pháp phòng ngừa quan trọng trong các giải pháp phòng ngừa.
Việc công khai, kê khai tài sản theo Nghị định mới nhất, tất cả các bản kê khai tài sản trước đây phải được kê khai lại toàn bộ, cộng dồn lại từ trước đến nay, nếu có tài sản tăng thêm thì phải giải trình tài sản tăng thêm. Sau khi kê khai, bản kê phải được công khai tại nơi làm việc, công tác thường xuyên của đối tượng kê khai.
Nhà nước giao trách nhiệm cho thủ trưởng của người quản lý trực tiếp cán bộ tiến hành xác minh khi có dấu hiệu không trung thực hoặc kê khai chậm cũng như quy định việc xử lý cán bộ là kê khai không trung thực, kê khai chậm và có vi phạm trong việc kê khai.
Trong thời gian tới, ngoài kê khai tài sản ra, Thanh tra Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định để Chính phủ ban hành việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo Luật PCTN sửa đổi.
P.Thảo