Chấm dứt những dòng tiền “đen” bằng khung pháp lý cá cược

Tất tật các hoạt động cá cược hợp pháp mỗi năm chỉ mang về cho ngân sách 1.900 tỉ đồng, trong khi đó, số tiền luân chuyển qua 1 đường dây cá độ bị triệt phá đã lên tới 64.000 tỉ đồng.

Tháng 5.2019, dư luận choáng váng trước doanh số từ một nhánh của đường dây cá độ bị Công an Hà Tĩnh triệt phá. Chỉ 2 tài khoản cấp độ Super master (tài khoản siêu tổng đại lý) tổ chức hoạt động cá độ bóng đá trên trang web: b8*.com đã có số tiền luân chuyển mỗi ngày lên tới 500 tỉ đồng. 

Theo cơ quan điều tra, tính luỹ kế ước tính tổng tiền giao dịch của 2 tài khoản này từ tháng 10.2018 đến tháng 5.2019 lên tới 3.000 tỉ đồng.

Tròn 1 năm sau, đường dây đánh bạc trên internet vừa bị công an Hà Nội triệt phá còn có quy mô kinh khủng hơn rất nhiều lần: Lượng tiền giao dịch lên tới 64.000 tỉ đồng. 

3 đại lý tỉnh lẻ và 3.000 tỉ đồng giao dịch. 1 đường dây: 64.000 tỉ đồng. Tiền, nhiều đến chóng mặt.

Để so sánh, có lẽ cũng phải nhắc tới con số 1.900 tỉ đồng/năm - số tiền mà ngân sách nhà nước nhận được từ 61 điểm/cơ sở được cấp phép trên toàn quốc (thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài). Giữa 1.900 tỉ đồng của “toàn quốc” và 64.000 tỉ đồng chỉ từ một đường dây là một khoảng trống. Khoảng trống ấy cho biết cái giá của bảo thủ, khi từ bao năm nay - kiên quyết đặt cờ bạc, cá độ ra ngoài vòng pháp luật.

Trong đường dây cá độ 64.000 tỉ đồng bị triệt phá, còn có một con số nữa, đó là: Hàng triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc. Con số hàng triệu, chỉ từ một đường dây, cho thấy nhu cầu cá cược, cá độ là có thật, bất chấp chúng ta muốn hay không; bất chấp chúng ta có thừa nhận hay không và bất chấp chúng ta có quản lý được hay không?

Cho nên, khi dự thảo Nghị định 06 được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến với nhiều “điểm mở”: trong đó cho phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, trong đó có việc xem xét mở quy định trả tiền cá cược qua ví điện tử, điện thoại trả trước... rõ ràng, đó là nhìn thẳng vào sự thật, là tiến bộ so với tư duy “không quản được thì cấm”. 

Nhiều nghìn tỉ đồng, nhiều tỉ USD từ một ngành mà thế giới coi là “công nghiệp không khói” đang chảy ra ngoài khu vực kinh tế ngầm, không những gây thất thoát NSNN mà còn phát sinh rất nhiều hệ luỵ xã hội. Đã đến lúc chấm dứt sự “chảy máu”, chấm dứt những dòng “tiền đen” này bằng cách đặt ra những khung pháp lý để quản lý. 

Theo ĐÀO TUẤN

Báo Lao Động