Chấm điểm xe buýt… khó ghê!

(Dân trí) - Thực tế về chất lượng phục vụ ở ta thì không riêng xe buýt, mà khá nhiều ngành luôn bị dân ca thán. Ý tưởng cho điểm cho loại phương tiện vận tải công cộng lẽ ra rất hữu ích này xem ra cũng khó, vì đa số "thầy" chấm điểm "đắt".

Nhìn cả hai phía

 

Tuy chỉ chiếm tỉ lệ % rất “khiêm tốn”, nhưng có lẽ xe buýt (và những người làm trong ngành giao thông) cũng phần nào được an ủi với những nhận xét tích cực từ một số bạn đọc xem ra cũng đã cân nhắc trước sau đủ mọi khía cạnh từ “hai mặt của đồng xu”.

 

“Nếu nhìn nhận khách quan, nếu tăng xe bus giảm phương tiện cá nhân thì có thể đường sá sẽ bớt chật chội. Tuy nhiên việc tăng chuyến, chất lượng thì phải chịu cảnh chen lấn gấp 3 lần bình thường vài năm nữa. Mà đâu phải người nào cũng chỉ đi 1 chuyến đâu, có người đi học hay đi làm phải mất 2-3 tuyến, một ngày 4-6 lượt. E rằng lúc đó có cấm phương tiện cá nhân cũng khó. Hoặc lúc đó ngành xe đạp và phong trào chạy marathon sẽ phát triển” – Tuyen: tutuyen86@gmail.com ủng hộ phương án khuyến khích người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn.

 

Người đọc khắt khe quá chăng? Xe buýt là xe buýt chứ không phải xe đường dài. Nhiều khi bạn chỉ đi một đoạn đường 1 km mà đòi hỏi xe phải thông thoáng, có chỗ ngồi ..? Cái chính là xe phải an toàn, đi đúng tuyến và đừng quá chậm trễ.  Ngành giao thông nên khảo sát thật kỹ nhu cầu đi lại theo từng tuyến, từng thời điểm (cao, thấp) trong ngày để bố trí đầu xe, chuyến xe cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại hợp lý bình quân trong mỗi ngày, thời điểm nhằm hạn chế chuyến thì như nêm, chuyến thì chạy như gió” -  Mai An:  bolerols@yahoo.com.vn bình.

 
Chấm điểm xe buýt… khó ghê! - 1
(ảnh minh họa: vietnamtime.org)

“Phải thừa nhận rằng xe buýt có 2 mặt của nó:

 

- Đối với 1 số xe thì có sự phục vụ nhiệt tình và rất lịch sự của lái và phụ xe... Nhưng đó chỉ là ở 1 số ít tuyến mà thôi.

 

- Còn lại đa phần là thiếu văn hóa: Cứ cho mấy vị giới chức đi thử trong vài tháng xem có đi được không? Tôi chắc chỉ đi 1 ngày với các xe 39, 27, 32.. là họ đã khiếp vía, không bao giờ còn dám đi xe buýt nữa. Nhất là nạn trộm cắp trên xe thì vô cùng tồi tệ. Chắc mỗi bến xe, mỗi xe cần có cảnh sát mặc thường phục đi theo bảo vệ, hoặc là có sự kết hợp nghiệp vụ với cơ quan bảo vệ đề cử người đi cùng xe với lái xe và phụ xe, chứ nhiều trường hợp họ biết kẻ móc túi mà đâu có nói gì. Cần nâng cấp cả về số xe, chất lượng xe, lượt chạy và quan trọng hơn là thái độ phục vụ....

 

- Theo tôi, công an nên kết hợp với xí nghiệp xe bus, dán ảnh các đối tượng hay móc túi trên tất cả xe bus để mọi người cảnh giác. Cần giáo dục sâu hơn về văn hóa giao thông, cụ thể là xe bus. Chính tình trạng thiếu xe hay bỏ bến làm cho mọi người phải chen lấn, dẫm đạp lên nhau để lên được xe buýt những lúc đông…” -  Lê Duy Thắng:  thangle.ndhp@gmail.com nhận xét.

 

 “Tôi là người ít đi xe buýt, nhưng mỗi lẫn đi là mỗi lần bực mình. Có những lái, phụ xe nói tục, nói bậy trong lúc lái xe (ở đây không phải nói với hành khách, mà họ nói chuyện với nhau). Rồi vừa lái xe vừa nghe điện thoại, chửi thề chửi tục, nói chung là thiếu văn hóa. Có những lần còn quát tháo chửi tục hành khách nếu chậm chân lên xe... Còn vô vàn lý do mất điểm nữa thưa ông PGĐ Sở Giao thông Hà Nội” - Nguyễn Tài Tùng:  taitung691@gmail.com vạch rõ lý do xe buýt mất điểm trong mắt người dân.

 

“Ừm, bác Linh nói như vậy, tôi nêu ra một số trường hợp cụ thể nhé:

 

1/ Xe buýt được bọc đến tận bánh răng nên nếu có va quệt trên đường thì chỉ làm người bị thương (không chết), nên lái xe lấy cớ đó để phóng nhanh, lạng lách - rất nguy hiểm.

 

2/ Thái độ phục vụ của tài xế và phụ xe như thế nào thì bác cứ ngồi trực tiếp trên xe là biết liền. Cách xử lý như đuổi việc, phạt tiền thì chỉ được một thời gian là đâu lại vào đấy.

 

3/ Do các công ty kinh doanh khoán chuyến nên tình trạng bỏ bến, cắt đường là rất nhiều. Đã có thiết bị định vị, chỉ cần tháo ra đến hết đoạn đường bị "cắt giảm" lại lắp vào thì ai quản lý nổi?

 

4/ Khi đi trên đường thì xe buýt vi phạm luật nhiều nhất mà lại không bị phạt là sao (hiện nay đang áp dụng phân làn đường, các phương tiện đều bị xử lý khi vi phạm, còn riêng xe buýt thì tôi thấy chả bao giờ bị phạt)?"- Nguyen: jameblack1982@yahoo.com phân tích... 

 

Điểm đắt, điểm rẻ

 

Cùng với nhiều “lời phê”, bạn đọc cũng đưa ra các thang điểm khác nhau:

 

 “Bà con cũng không nên gay gắt với xe buýt như vậy. Tôi thường xuyên đi xe buýt và thấy rằng: có ôm vô lăng cái xe kềnh càng mới chia sẻ với nhà xe. Nỗi bức xúc không chỉ riêng ai trong bối cảnh hạ tầng giao thông và ý thức tham gia giao thông của đại bộ phận người dân chưa nghiêm túc. Tôi cũng chấm cho nỗ lực của xe buýt 8 điểm, mặc dù đâu đó vẫn còn những bác tài thiếu ý thức ví như "con sâu làm rầu nồi canh" – Tien Manh:  tienmanh246@gmail.com cảm thông.

 

“Xét một cách chung thì đúng là người lái xe và phụ xe cũng chật vật và khá vất vả. Nhưng nếu cho họ 8 điểm thì hơi cao. Nếu một cách công bằng họ chỉ được 6 mà thôi (4 cũng hơi thiếu công bằng)…. Để chấm điểm chuẩn các vị cần phải ra xe bus, đi xe bus, đứng chờ xe bus, xem xe bus lấn đường, đi ẩu... Tóm lại phải lên xe bus mà đi vào tất cả các khung giờ. Chỉ với các lý do như trên, nếu bác Linh cho 8 điểm thì tôi cho là hơi...quá tay. Phải được 9,75 điểm mới OK...” - Nguyen:  jameblack1982@yahoo.com chấm… mạnh tay hơn.

 

“…Lấy thang điểm nào để cho xe bus điểm 8? Người dân mong các cấp quản lý có cái nhìn tổng quan và chân thực nhất để đánh giá. Mà để đánh giá được đúng, cần nhất vẫn là phải trải nghiệm thực tế. Ngày nào xe bus cũng có chuyện để nói, vậy mà vẫn được điểm 8 thì không thể chấp nhận được. Lái xe chạy ẩu, phụ xe thô lỗ, văng tục với khách hàng. Giờ cao điểm thi nhau bỏ bến, xe đông thì đã đành, đằng này xe vắng cũng bỏ bến, hỏi sao không đông khách đứng chờ. Rồi lên xe còn bao tệ nạn khác nữa. Nói tiến dần tới không đi xe máy ở HN, thế nhưng tình trạng xe bus như này có lẽ còn khuya mới bỏ được xe máy, còn lâu mới hết tắc đường…” - Vũ Hùng: vuhunghb86@gmail.com bi quan. 

 

“Dân cho điểm 4 vì dân là người sử dụng trực tiếp. Cộng thêm phần bức xúc vào thì làm sao, chẳng phải xe bus phục vụ trực tiếp cho người dân sao. Hãy để người dân, người trực tiếp sử dụng, trực tiếp tiêu dùng đánh giá. Chất lương hàng hóa bán ra trên thị trường là do người tiêu dùng quyết định chứ không phải do doanh nghiệp bảo tốt là tốt!” – Viet Anh:  kid_9x@yahoo.com nêu rõ.

 

“ Đ/c PGĐ Sở chấm điểm thế là sát đấy: 8 điểm cho cố gắng của các doanh nghiệp xe bus trong tình trạng giao thông hiện nay, và 2 điểm cho nhà quản lý, vậy là đủ thang điểm 10” - Tran Lam Dong:  tranlamdong@gmail.com viết.

 

“Xe bus ít nhiều cũng giải quyết được nhu cầu của người dân => 5 điểm. Nếu giải quyết được các vấn đề khác như: không chở quá quy định, thêm nhiều tuyến mới, xe có kiểm định đạt chuẩn và văn hóa của nhân viên đối với khách hàng tốt thì sẽ được thêm 3 điểm. Còn 2 điểm sẽ có khi nào giao thông Việt Nam thuận lợi hơn hiện tại” -  Nguyen Ba Loi:  greenmail2105@yahoo.com nhấn mạnh.  

 

“Tôi chấm 7 điểm. Tôi đã sử dụng xe buýt khoảng 5 năm khi đi học và hồi đầu đi làm. Nói thêm là tôi ở Hà Nội, tôi từng đi các tuyến 03, 11, 22, 31, 29, 44. Không thể hoàn hảo được nhưng nói chung là tốt. Chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh. Thứ nhất lái xe, tôi đã đi nhiều và 1 lần đã đụng phải ông quái xế, phóng nhanh, phanh gấp quăng mấy người bọn tôi đang đứng từ cuối xe lên cửa xuống ở giữa xe. Nhưng sau lần đó, không thấy ông này cầm lái nữa. Nói chung các bác tài lái cũng ổn định. Phụ xe thường 10 chuyến thì 1-2 chuyến gặp phải phụ lái cư xử không tốt. Tình trạng bỏ bến thường xảy ra khi xe quá đông hoặc gặp trục trặc trên đường cần về trạm bảo dưỡng. Vấn đề này thì nan giải do lượng khách quá đông, tập trung vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều...” - Nguyen Huu Long:  nguyenhuulonga9@gmail.com bày tỏ.

 

Nha Viet nhaviet4@gmail.com: “Tôi chấm xe buýt điểm 1…”; Trang hienleminh@yahoo.com: “8/100 thì nghe còn hợp lí”; “3 điểm thôi” - Nguyen The Quang:  anh_rat_can_co_em_3000@yahoo.com. Thậm chí NickMouse dove_142000@yahoo.com còn dí dủm: “Nếu là thang điểm 10 cho xe phục vụ công cộng,  tôi nghĩ xe bus chỉ được 4 điểm về chất lượng phục vụ:
 

  + Chất lượng xe, điều kiện lưu hành: tồi tàn.

  + Thái độ ứng xử với khách hàng: kiểu bố thí cứu rỗi ( trong khi phải bỏ tiền để đi xe bus chứ không phải free).

  + Ý thức chấp hành luật lệ giao thông: khiếp đảm.

  +  Văn hóa giao thông: quá kém.

 

Vẫn luôn là: "Nhất Bus (xe bus),

                       Nhì Ben ( xe Ben chở vật liệu),

                       Tam Công (Contener)

                       Tứ Rác ( xe chở Rác)"

 

“Tôi đã gần 10 năm đi làm bằng xe buýt trên tuyến số 36 và 04. Ngoài ra những ngày nghỉ hoặc có việc đi lại trên địa bàn Hà Nội, tôi đều đi xe buýt. Nếu chấm điểm xe buýt nói chung thì rất khó, vì có nhiều tiêu chí để chấm điểm. Các tuyến khác nhau, việc chấm điểm cũng khác nhau. Nếu chấm điểm xe buýt Hà Nội nói chung, tôi sẽ chấm điểm trung bình 5 . Nếu chấm riêng từng tuyến tôi đã đi: tuyến 36 điểm 7, tuyến số 04 điểm 6, tuyến số 50 điểm 7, tuyến số 24 điểm 5, tuyến 26 điểm 4, tuyến số 1điểm 6” -  Nguyễn Hừng Thành:  hungthanhpmu1@yahoo.com tỉ mẩn hơn.

 

Văn minh xe buýt

 

Và có nhiều góp ý theo chúng tôi là rất chân tình, xây dựng và chia sẻ trên tinh thần trách nhiệm:

 

“Tôi nói điều này nếu không đúng mong mọi người có trách nhiệm thông cảm. Tôi đã từng sống ở các nước châu Âu một thời gian. Tôi chỉ nói về phần cách phục vụ của các nhân viên xe bus ( không đề cập bất cứ điều gì khác). Khi khách cần xuống xe thì họ bấm đèn báo hiệu như ở nước ta. Tuy nhiên, xe bus dừng hẳn họ mới rời khỏi ghế ngồi (an toàn hơn cho hành khác). Trong khi ở ta mà không ra trước thì gần như lái xe không mở cửa hoặc còn mắng mỏ (thậm chí cả chửi bới) hành khách. Khi xuống bến họ dừng hẳn lại cho hành khách xuống và khi tất cả xuống đàng hoàng họ mới xin xinhan trái để chuyển bánh. Trong khi ở mình thì không bao giờ dừng hẳn mà đi là là, dẫn đến người xuống và lên rất nguy hiểm, đã thế lúc nào họ cũng hô xuống nhanh. Làm sao phải giục khách khi họ đã bấm đèn xuống thì chắc chắn sẽ xuống. Đi đâu mà vội. Cũng giống như đi trên đường vậy, đèn tín hiện chuyển xanh thì các phương tiện cứ thi nhau bấm coi inh ỏi (chắc để dành đi trước)?” -  Tan:  anhtannguyen.hus@gmail.com nêu thực trạng.

 
Chấm điểm xe buýt… khó ghê! - 2
Xe buýt ở Nanning - Trung Quốc (ảnh: chudu24.com)
 

“Tôi thấy hiện nay đi xe buýt chủ yếu là sinh viên, học sinh (về cơ bản là bão hòa). Sau đó là các nhân viên đi làm theo giờ giấc cố định, làm cho các cửa hàng, cơ quan, công ty, với độ tuổi chủ yếu dưới 30 hoặc trên 40 (không vướng bận con cái). Những người còn lại không đi. Lý do chưa đi thì nhiều, nhưng điều quan trọng nhất cần có, theo tôi là sự thuận tiện về điểm đỗ xe (gần nhà, gần cơ quan, điểm trung chuyển sang tuyến khác). Rồi tới thời gian đi xe buýt, xong rồi mới đến chất lượng (vì nếu thuận tiện để đi làm thì chất lượng có kém một chút họ vẫn có thể chấp nhận). Vì vậy để thêm nhiều người đi xe buýt, ngoài việc tăng thêm chuyến, nâng cao chất lượng xe, chất lượng phục vụ, còn cần tính đến vị trí đặt bến sao cho hợp lý. Các bến cách nhau không quá xa  (tuyến 44, 51 ở Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt cách nhau tận 2km?) Các bến ở các điểm trung chuyển (giao nhau) cần dưới 100m để thuận tiện khi chuyển tuyến. Còn điểm thì theo tôi 7 là OK” - Vinh:  vinhnippon@yahoo.com nêu.

 

“Tôi thấy hạn chế phương tiện cá nhân là rất tốt. Ủng hộ 100% Tôi nghĩ trước tiên nên đổi màu xe bus. Cái màu xe cũ không còn thiện cảm với nhiều người. Cần chọn nó là tuyến kiểu mẫu và thí điểm. Tất cả các dịch vụ đều phải tốt như: đảm bảo số lượng xe, chạy đúng giờ, có đội an ninh bảo vệ chống móc túi, tài xế và phụ xe văn minh, hành khách sẽ tự ý thức khi đi trên tuyến xe đó... Và truyền thông cho mọi người đó là tuyến kiểu mẫu. Xem ý thức của người đi xe thế nào. Họ sẽ phản hồi. Tôi thấy mọi người cứ kêu ca phụ xe thế này, thế khác. Riêng tôi đi xe bus chưa bao giờ bị phụ xe nói gì (tôi đi rất nhiều rồi) vì tôi luôn tuân thủ tốt văn hóa xe bus: nhường ghế ngồi, tuân theo sự điều hành của phụ xe và lái xe, ít chen lấn xô đẩy (Chỉ chen lấn với người to khỏe thích chen lấn, còn người già, trẻ nhỏ, phụ nữ và những người không chen lấn tôi thì tôi luôn nhường). Đồ đạc thì tôi luôn giữ thật kỹ để tránh bị móc túi, lúc nào tôi cũng cảnh giác. Sống trong xã hội thế nào bạn phải biết thích nghi.

 

“Tôi thấy, để đảm bảo trật tự trên xe bus, chống lại nạn trộm cắp hoành hành ngang nhiên, cần thiết phải lập trạm trị an ngay tại các bến xe chính như Cầu Giấy, Long Biên...Do các đồng chí cảnh sát cơ động thường trực, thì bọn trộm cắp không dám hoành hành nữa. Ngoài ra có thể cử thêm các trinh sát cùng tham gia giao thông trên xe bus để khoanh vùng đấu tranh với loại tội phạm này. Đơn giản thôi mà!” - Tran Viet Cuong: cuong8888@gmail.com...

 

Tôi cũng là người từng sử dụng xe buýt từ rất lâu rồi. Thời sinh viên thì cũng đã kinh qua cảnh chạy thục mạng đuổi theo xe, chen lấn đến bẹp ruột, lắm lúc tưởng chừng như không thở nổi nữa… Bù lại được cái các bác tài ở nước bạn (Nga và Ukraina) khi nhìn qua gương chiếu hậu thấy có khách đuổi theo xe, hầu như bao giờ cũng dừng lại chờ đón thêm (chắc thương khách là chính, chứ lắm lúc trên xe cũng chẳng còn chỗ để chen chân nữa).

 

Sau này không kể các chuyến đi xe buýt sướng như khách VIP tại các nước phát triển, tôi cũng đã vài lấn chen xe buýt tại thủ đô Manila của Philippines, New Delhi của Ấn Độ hoặc một số thành phố của Trung Quốc. Số lượng khách đi xe của họ còn kinh khủng hơn ở VN nhiều, thời tiết cũng khá là khắc nghiệt. Nhưng dù bị lèn chặt như cá hộp, tôi chưa bao giờ bị mất cắp,  cũng chẳng thấy tài xế hay phụ xe mất lịch sự với khách (ngược lại, họ luôn tìm mọi cách làm tốt nhiệm vụ và giúp đỡ người già, phụ  nữ, trẻ em).  Nên tuy cũng bị nhồi nhét trên xe rất khổ sở, nhưng tôi không hề thấy ấm ức hay bức xúc như khi đi xe buýt hay các loại xe đò khác ở VN. 

 

Vậy nên tôi cũng chia sẻ quan điểm với nhiều bạn đọc rằng: cái chính vẫn là do ý thức của người dân chúng ta. Mong các bạn đọc cùng suy ngẫm thêm và đừng cứ khư khư ý nghĩ: ai sai chứ ta bao giờ cũng đúng (?), như Nguyễn Tuấn Thành: thanhviendong@yahoo.com đã viết:

 

“Nếu các bạn lái xe nhà thôi, nhưng trên xe mỗi người một ý thì các bạn thấy sao? Chắc chắn sẽ cáu lên và bảo: Mọi người hãy trật tự để tôi lái xe cho an toàn. Mọi thứ hãy nhìn nhận từ nhiều phía. Tôi xin hỏi lại các bạn: khi đi xe buýt mình đã văn minh chưa, hay vì cái tôi của không ít người vẫn quá lớn nên thường dẫn đến chen lấn, xô đẩy, không nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai… để đến mức phụ xe phải nhắc nhở. Tôi nghĩ các bạn có lẽ cũng chưa bao giờ xem lại mình, xem bản thân đã có ý thức khi đi xe buýt chưa…”

 

Khánh Tùng