Cha mẹ tranh cãi nhau xung quanh chuyện "thương con cho roi cho vọt"

Việt Hà

(Dân trí) - Tại quốc gia tỷ dân Trung Quốc, chuyện dạy dỗ con trẻ bằng đòn roi sắp bị cấm.

Cùng với hàng chục quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc sắp ban hành dự luật giáo dục gia đình trong đó nghiêm cấm các bậc phụ huynh sử dụng bạo lực với con cái.

Trên thực tế, kể từ năm 1986, sử dụng bạo lực lên cơ thể vốn đã bị cấm tại Trung Quốc. Tuy nhiên ở những vùng nông thôn, phương pháp giáo dục con trẻ này lại rất phổ biến. Hiện dự luật mới này đang chờ Ủy ban Thường vụ - Cơ quan lập pháp hàng đầu tại Trung Quốc thông qua.

Cha mẹ tranh cãi nhau xung quanh chuyện thương con cho roi cho vọt - 1
Ở nhiều quốc gia, phụ huynh bạo lực con cái là hành vi bất hợp pháp

Các nhà chức trách tới nay vẫn "đấu tranh" để thực hiện luật năm 1986. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, họ đánh con cái để dạy chúng biết cư xử. Đây cũng là quan điểm lâu đời về việc nuôi dạy con cái.

Từ câu, câu nói "Thương cho roi cho vọt" vẫn là "câu thần chú" nằm lòng của nhiều bậc cha mẹ tại Trung Quốc. Họ tin rằng, nếu không sử dụng biện pháp mạnh với một đứa trẻ ngỗ ngược, lớn lên chúng sẽ bị hư hỏng.

Một trường hợp mới đây xảy ra vào tháng 1/2020, những hàng xóm ở một con phố tại thành phố Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây đã gọi điện báo cảnh sát về việc một bé trai bị cha đẻ bạo hành.

Tại cơ quan điều tra, trên người cậu bé phủ đầy những vết sẹo sâu - dấu tích của những trận đòn roi "không tiếc tay" từ người cha sống đơn thân này. Sau đó, cha cậu bé đã thừa nhận mọi hành vi và hứa không tái diễn.

Cha mẹ tranh cãi nhau xung quanh chuyện thương con cho roi cho vọt - 2
Dự luật mới đang gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc

Nếu dự luật này được thông qua, Trung Quốc sẽ gia nhập gần 60 khu vực pháp lý trên thế giới coi việc đánh trẻ em là hành vi bất hợp pháp.

Jiang Jiehua, Phó giáo sư luật đến từ Đại học Thượng Hải, cảnh báo, người dân cần hiểu, luật mới sẽ không dung thứ với bất cứ ai. Nếu bị tố giác, bậc phụ huynh sẽ mất quyền giám hộ con mình, thậm chí ngồi tù.

"Trẻ nhỏ hoặc hàng xóm có thể gọi điện báo cảnh sát về hành vi bạo lực của người lớn. Điều này tương tự như các nước phương Tây", vị Phó giáo sư này cho biết.

Cha mẹ tranh cãi nhau xung quanh chuyện thương con cho roi cho vọt - 3

Hiện dự luật này đang trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trên nhiều diễn đàn ở Trung Quốc, thu hút 470 triệu lượt đọc và hàng trăm nghìn bình luận về những bài viết có nội dung liên quan. Trong đó, không ít ý kiến bày tỏ phản đối trước quy định mới.

"Chiều chuộng trẻ nhỏ đồng nghĩa với việc giết chúng. Với những đứa trẻ quá nghịch, cha mẹ không thể giáo dục nếu thiếu đòn roi", một bình luận trên Weibo khẳng định.

Một tài khoản mạng xã hội khác chia sẻ: "Tôi nhớ khi còn nhỏ, mẹ luôn giải thích tại sao hành động nghịch ngợm này không chấp nhận được, nhưng nào tôi có lọt vào tai. Tới khi bị mẹ đánh, tôi mới biết cách cư xử cho đúng".

Trái ngược lại, số khác cho rằng sử dụng bạo lực dạy con là quan điểm quá lỗi thời.

"Những ai thiếu kiên nhẫn với con thì không xứng đáng làm cha, mẹ", một bình luận lên tiếng.

Cô Zhang Ruiqiu - một người mẹ Thượng Hải có con trai 7 tuổi cho biết, bản thân tự nhận thấy việc đánh con nhỏ là hành vi sai trái. Tuy vậy, cô không kiềm chế nổi cơn giận dữ khi biết con chỉ chơi điện tử thay vì ngồi vào bàn học.

"Tôi bận kiếm tiền, không thể có nhiều thời gian uốn nắn con nếu không dùng roi vọt. Tôi quá mệt mỏi. Nếu dự luật được thông qua, tôi hoài nghi không rõ nó có được thực thi triệt để hay không", cô Zhang băn khoăn.

Cha mẹ tranh cãi nhau xung quanh chuyện thương con cho roi cho vọt - 4

Được biết, việc sử dụng đòn roi để kỷ luật trẻ nhỏ vốn là một truyền thống lâu đời ở Trung Quốc. Vào thời phong kiến, con cái luôn phải nhất nhất nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Đến nay, dù xã hội tân tiến hơn nhưng nhiều người vẫn theo nếp sống cũ. Khi luật mới thông qua, nhiều người tin rằng sẽ mang tới nhiều thay đổi đáng kể trong việc nuôi dạy con cái tại quốc gia này.

Về phần mình, Phó giáo sư Jiang cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc có luật bảo vệ trẻ em khỏi hành vi bạo lực, các cơ quan chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn để xác định và truy tố người phạm tội, bởi các bậc phụ huynh sẽ có lý do cho rằng họ đang kỷ luật con cái để giáo dục chúng. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để người dân tuân thủ bộ luật mới.