Bạn đọc viết:

Câu "Tiên học lễ hậu học văn" không có lỗi

(Dân trí) - Thật ra câu "Tiên học lễ hậu học văn" không hề có tội lỗi, mà sai lầm là ở người vận dụng. Sai lầm trước hết là ở chính sách - quan điểm giáo dục, sau là đến trường - thầy, rồi mới xét đến trách nhiệm của trò.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (ảnh minh họa: Giang Huy, nguồn: Lao Động)
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (ảnh minh họa: Giang Huy, nguồn: Lao Động)

 

Trường không ra trường, lớp không ra lớp, thầy không ra thầy thì trò cũng không thể ra trò. Một  điều quan trọng nữa là còn rất nhiều người hiểu sai nội dung của câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn". Đã thế lại còn lấy tri thức, cái nhìn của xã  hội hiện đại nhằm đánh giá một câu có  lịch sử cách đây hơn 2000 năm mà không nhìn vào bối cảnh ra đời của nó.

 

Nhưng dù có mắc phải lỗi "Ông nói gà, bà nói vịt" thì cũng phải thừa nhận rằng giáo dục của chúng ta chưa chú trọng dạy học sinh làm Người, mà nặng về kiến thức, sách giáo khoa, sách tham khảo, dạy thêm - học thêm...

 

Trong khi Lễ là cái yếu tố đầu tiên về  mặt ý thức để duy trì trật tự  xã hội (khi ý thức không đạt được thì  mới dùng đến pháp trị), là điều quan trọng thứ 3 trong Ngũ thường (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín). Còn Văn không đơn giản là văn hóa, văn học hay tri thức. Nội hàm của Văn còn rộng hơn thế, bao gồm cả cách làm người. Văn tức là người, nét chữ là nét người... Văn còn là một nghề, một hệ tư  tưởng của mỗi người, mỗi thời đại (Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao).

 

Hơn thế nữa, Văn còn là một hình thức để trị quốc bên cạnh Võ trị. Thời phong kiến, những người văn hay chữ tốt, thông thuộc kinh sử  khi thi đỗ đều được bổ nhiệm làm quan (lớn nhỏ tùy trình độ), tức là có thể quản lý, cai trị.

 

Xưa ông Nguyễn Hiền thi đỗ Trạng nguyên từ  năm 12 tuổi nhưng vì đối đáp chưa có lễ  nghĩa, nhà vua cho về quê học Lễ 3 năm mới bổ nhiệm, sau làm đến Thượng thư Bộ  Công (tương đương chức Bộ trưởng ngày nay).

 

Còn ngày nay, chúng ta đào tạo ở bậc đại học ra chỉ để đi làm thuê là chính, nhưng lại hay nói câu “thừa thày thiếu thợ”. Đó là  do nhìn chữ “thợ” chỉ công nhân mà thôi chứ xét cho cùng, công chức, nhân viên văn phòng cũng đi làm thuê cả.
 
Việc sử dụng khẩu hiệu chỉ  mang tính "minh họa" thuần túy. Bất cứ khẩu hiệu nào cũng không có giá trị khi nó chỉ là khẩu hiệu suông, nói mà không làm hoặc làm mà không đến nơi đến chốn.
 
Trước đây chúng ta đã từng có khẩu hiệu "Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất", nhưng vì không làm được cái "NHẤT" cho trẻ  em nên khẩu hiệu này hiện đã xóa bỏ chữ  "NHẤT". Quan trọng là chúng ta có thực hiện được nội dung thực sự của khẩu hiệu hay không mà thôi.

 

Sơn Phong

96.moc.liamg@gmail.com