Cắt một, mọc ra mười...

Chính phủ vừa quyết định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng dự thảo Nghị quyết về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN).


Ảnh: AC

Ảnh: AC

Vẫn là vấn đề các chi phí trực tiếp, gián tiếp, chi phí cơ hội và chi phí phi chính thức được đặt lên bàn các nhà làm chính sách. Câu chuyện này không phải mới và từng có nhiều lời qua tiếng lại giữa các bên liên quan trực tiếp. Ví dụ như chuyện phí Cảng Hải Phòng, từng được Chính phủ nhiều lần yêu cầu giải quyết; quy định số bình gas; điều kiện về khoảng cách không quá 10km tới sân bay và diện tích tối thiểu 5.000m2 cho kho bãi chuyển phát nhanh… vẫn là bài toán luẩn quẩn, làm tăng cao chi phí lưu thông của DN.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng: Bao năm nay câu chuyện cải cách tồn tại hiện tượng “Cắt 1 mọc ra 10” và “cắt lát”. Có nghĩa là chưa cải xong chỗ này đã mọc ra những rào cản ở chỗ khác; cải thì chỉ được 1 lát nhỏ trong toàn bộ quy trình, nên DN vướng vẫn hoàn vướng. Ngoài ra, nói về giải pháp, các khẩu hiệu quen thuộc kiểu “phấn đấu, nỗ lực, cố gắng…” hay các con số rất cơ học “cắt 50%...” mà không hề thấy cơ chế đảm bảo thực thi thì kế hoạch và nghị quyết này cũng sẽ lại gặp tình trạng tương tự các văn bản khác, kiểu cố đến đâu thì cố. Trong khi, DN kỳ vọng những gì đột phá hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn.

Qua khảo sát của Ban IV, hiện DN rất sợ tính bất định chính sách. Đây là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất kinh doanh đội lên nhiều nhất do các chính sách đôi khi “từ trên trời rơi xuống”. Thậm chí nó thiếu tính thực tiễn, mang yếu tố chủ quan, bàn giấy, chưa kể ẩn chứa lợi ích nhóm, nên hệ lụy rất quan ngại là phần lớn DN không dám, không muốn đầu tư bài bản, lâu dài.

Rất nhiều DN chỉ muốn buôn nhanh, bán gọn, làm thương mại, làm trung gian cho yên tâm. Dĩ nhiên điều này còn liên quan tới nhiều yếu tố khác cả từ yếu tố tự thân DN nhưng cơ chế chính sách của Việt Nam rõ ràng chưa đảm bảo tính chiến lược và cạnh tranh cũng như chưa có tính ổn định cao để DN yên tâm.

Do vậy, quyết tâm của Chính phủ chỉ có nghĩa khi các bộ ngành liên quan cần phải xây dựng rõ ràng, cụ thể và minh bạch hơn. Ít ra phải định nghĩa cho được các yếu tố cải cách thì mới mong thúc đẩy được tiến trình cải cách theo kỳ vọng của Chính phủ.

Theo Nguyễn Trung Hiếu

Báo Lao động