Cảnh giác với xuất khẩu lao động trá hình

Nhiều năm qua, tình trạng lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) khiến nhiều người điêu đứng. Những chiêu lừa không còn theo kiểu rỉ tai, cậy nhờ… mà ngày càng công khai, tinh vi hơn.


Nên học tập, làm thủ tục ở những cơ sở được cấp phép.

Nên học tập, làm thủ tục ở những cơ sở được cấp phép.

Cả tin nếm “trái đắng”!

Chỉ cần vào google và gõ: “tuyển dụng xuất khẩu lao động đi Singapore”, sẽ thấy hàng loạt thông tin liên quan. Như trang congtyxklduytin.com khẳng định mình làm dịch vụ XKLĐ đi Singapore có uy tín với 10 năm kinh nghiệm, tuyển dụng thường xuyên theo nhu cầu của đối tác Singapore với nhiều ngành nghề như du lịch, cơ khí, kỹ thuật... cùng mức lương cao ngất ngưởng. Một số trang mạng xã hội thì tuyển dụng với các ngành nghề như: massage, phụ bếp, làm bánh mì và bán hàng, đồ lưu niệm và sách báo có nội dung khá hấp dẫn như: Bảo đảm đi sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, tức xuất cảnh trong vòng 10 đến 15 ngày. Nếu ứng viên ở Hà Nội sẽ được miễn phí tiền khám sức khỏe, tiền xe đưa ra sân bay. Lương cơ bản: 1.100 SGD (Singapore dollars) và thưởng 200 SGD...

Nhưng nhiều người dân ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… đã bị lừa. Như vợ chồng ông Nguyễn Huy Chiến (thôn Thanh Liễu, Tân Hưng, TP Hải Dương). Cho đến giờ dù đã trả hết nợ nhưng ông Chiến vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày sống trong cảnh “nằm trên lửa nóng” vì nợ nần chồng chất. Năm 2007, phong trào XKLĐ ở địa phương phát triển, nhiều gia đình vay tiền, tìm “cửa” cho con em XKLĐ. Ông Chiến được “người anh em” là Nguyễn Công Thiệp nói có một người anh em khác đang nắm giữ quyết định có thể đưa người đi Hàn Quốc và đã giúp được rất nhiều người. “Ông Thiệp nói ngon ngọt, rằng đi theo đường dây của ông ấy sang làm việc ở Hàn Quốc sẽ có lương cao, bảo đảm chắc đi, chắc thắng. Bùi tai, chúng tôi vay mượn tiền mong cho con cái đổi đời. Thế rồi, tiền của chúng tôi rơi vào tay họ, đến giờ vẫn chưa lấy được”, ông Chiến bức xúc.

Chung cảnh ngộ, giờ vợ chồng ông Nguyễn Nhân Khóa (cùng thôn ông Chiến) đang phải ôm đống nợ hơn 200 triệu đồng mà chưa biết bao giờ mới trả xong. Hiện hai vợ chồng đấu thầu một khu đầm ao ngoài cánh đồng để nuôi cá, trồng rau lấy tiền trả nợ vì vay tiền ngân hàng lo cho con XKLĐ. Ông Khóa cho biết, tổng số tiền nợ lên đến 400 triệu đồng, gia đình đã chắt bóp, bán đất cũng chỉ đủ trả gần 200 triệu. Qua ông Khóa, chúng tôi còn gặp ông Nguyễn Huy Mẹo, đang “ôm” số nợ 200 triệu đồng của ngân hàng và cũng bị niêm phong nhà.

Hãy cảnh giác và tìm hiểu kỹ quy định pháp luật!

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp (DN) đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Nhưng thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa các thông tin tuyển lao động đi làm việc. “Hầu hết các trang web này đều không chính thống, hoặc thông tin được tung ra từ những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Người lao động (NLĐ) cần cảnh giác với các thông tin này”, bà Hà nói.

Singapore, Nhật Bản, Australia, Canada… là những thị trường XKLĐ “khó tính”. NLĐ nước ngoài muốn được cấp visa ở lại làm việc tại những nước này phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so các thị trường khác trong khu vực. Cụ thể như pháp luật Singapore quy định, NLĐ nước ngoài muốn được cấp phép làm việc phải có một trong ba loại visa sau: Thứ nhất là Work Permit (giấy phép làm việc): lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hàng hải, chế biến và dịch vụ; không có quy định về mức lương tối thiểu cho NLĐ nước ngoài; Thứ hai, S Pass (visa S Pass): lao động kỹ thuật, mức lương tối thiểu cho NLĐ nước ngoài phải từ 2.200 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hằng tháng); Thứ ba, E Pass (visa E Pass): lao động phải là chuyên gia, mức lương tối thiểu cho NLĐ nước ngoài phải từ 3.300 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hằng tháng).

“Hiện nay, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ nước này không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit”, bà Vân Hà nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động cần chú ý, chỉ các DN được cấp phép và có hợp đồng cung ứng lao động, đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận, thì mới được phép tuyển chọn lao động. Bởi vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ và đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, không nên tin những công ty trôi nổi, để rồi phải nếm “trái đắng”.

theo Hà Lý

Báo Nhân dân