Cảnh báo tình trạng bắt giữ, hành hung nhà báo xẩy ra gần đây

Trong những ngày gần đây, những đối tượng manh động đã đánh đập, giam giữ nhà báo đang tác nghiệp gây bức xúc trong dư luận. Câu hỏi cần đặt ra là, vì sao những đối tượng này dám coi thường pháp luật tới mức như vậy?


Kẻ cầm dao dọa giết phóng viên Dũ Tuấn

Kẻ cầm dao dọa giết phóng viên Dũ Tuấn

Theo Báo Lao Động, sáng sớm ngày 11.3, phóng viên Hứa Vĩnh Nhân (báo Giao thông) đang quay phim, chụp ảnh phía ngoài quán bar Lost and Found (số 28 đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, Đà Nẵng) thì bị khoảng dăm đối tượng đến hành hung và bắt giữ. Hành vi quá liều lĩnh, quá coi thường pháp luật.

Biết là nhà báo, nhưng các đối tượng này vẫn hành hung anh Nhân giữa bàn dân thiên hạ. Không chỉ thế, chúng còn đấm thẳng vào mặt, giam giữ nhà báo suốt từ 0 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau (ngày 12.3).

Trong quá trình giữ hơn một ngày, theo anh Nhân, chúng tiếp tục “tra tấn” nhằm tra hỏi động cơ quay phim chụp ảnh. Để tránh “đòn thù”, anh Nhân đã nói, chúng tôi ghi hình chung chung ngoài đường, nhưng chúng vẫn không tha.

Vậy tại sao những đối tượng này dám hành động liều lĩnh như vậy?

Phải chăng những đối tượng này “có tật giật mình”, bất chấp pháp luật, đã “xử lý” ngay phóng viên dám quay phim chụp ảnh.

Mặt khác, điều không thể không đề cập là, nếu đúng là quán bar gây tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh thì trách nhiệm của chính quyền sở tại và các cơ quan đến đâu. Vì sao họ không sớm có những động thái quyết liệt yêu cầu chủ quán bar phải thực hiện đúng quy định của pháp luật?

Chúng tôi buộc phải đặt ra giả thiết, liệu có phải, những cơ quan chức năng ở đây đã “dính chưởng” với quan bar này nên chỉ xử lý qua quýt khiến dư luận bức xúc và báo chí phải vào cuộc?

Và phải chăng, chính có sự bao che bấy lâu của ai đó cho chủ quán bar, nên những đối tượng này mới dám đánh và giữ nhà báo trái pháp luật một cách liều lĩnh như vậy?

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của chủ quán, bởi lẽ, những đối tượng bắt giữ, đánh đập nhà báo cũng chỉ là người làm công ăn lương. Do đó, rất nhiều khả năng, họ thực hiện theo lệnh của ông chủ. Mà cũng chỉ ông chủ quán mới biết, mình có những “cái ô” như thế nào, lính mới dám “dằn mặt” nhà báo. Bởi, chủ quán không thể không biết nhân viên đang giữ người trái pháp luật ở ngay trong quán của mình.

Dù vụ án này chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng tính chất của nó lại nguy hiểm, liều lĩnh, gây sự bất an trong xã hội. Do đó, dư luận đang chờ cơ quan chức năng xác định rõ, ai là người phải chịu trách nhiệm chính, là kẻ chủ mưu trong vụ này.

Những câu hỏi tương tự cũng cần đặt ra với vụ việc xảy ra với phóng viên Dũ Tuấn (báo Nông thôn Ngày Nay) bị đánh và bị dọa chém ở đường Nguyễn Diêu, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định.

Theo báo Nông thôn Ngày Nay, sáng 22.3, phóng viên Dũ Tuấn cùng một phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng chụp ảnh những xe ben chở quá tải, bụi tung mịt mù. Các phóng viên đang trên đường quay về bị một xe ô tô chặn đường để hành hung. Theo anh Dũ Tuấn, "vừa bước xuống, nam thanh niên này (vừa bước ra từ ô tô - pv) đẩy tôi rớt xuống xe rồi lớn giọng hỏi chúng mày chụp cái gì, địa bàn làm ăn của tao, ai cho chúng mày chụp? Tôi chưa kịp phản ứng gì thì bị nam thanh niên này dùng tay đấm thẳng vào mặt.” Sau đó, thanh niên này “liên tục chửi bới, vung dao đòi chém người, máy ảnh và yêu cầu tôi xóa ảnh".

Với nhà báo đang tác nghiệp, chúng còn chẳng ngại ngùng hành hung, vậy thử hỏi, dân thường có dám lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình? Chính những hành vi côn đồ này, người dân dù có bức xúc vẫn đành lặng thinh, hoặc cùng lắm, chỉ dám viết đơn thư tố cáo nặc danh. Mà nặc danh thường không được xem xét. Vòng tròn luẩn quẩn này vô tình tiếp tục gây mất trật tự trị an và bức xúc trong dân.

Vương Hà