Cẩn thận sập bẫy tin giả!

Tin giả (fake news) xuất hiện từ bao giờ chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra được đích xác. Vấn nạn này chỉ được gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trên phạm vi toàn thế giới từ dạo cuối năm 2016 và đầu năm 2017 sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, tin giả được cho rằng tràn lan trên mạng xã hội Facebook, YouTube... đã gây ra tác động xấu đến dư luận.

Cẩn thận sập bẫy tin giả! - 1

Tin giả (fake news) xuất hiện từ bao giờ chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra được đích xác. Vấn nạn này chỉ được gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trên phạm vi toàn thế giới từ dạo cuối năm 2016 và đầu năm 2017 sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, tin giả được cho rằng tràn lan trên mạng xã hội Facebook, YouTube... đã gây ra tác động xấu đến dư luận.

Tin giả muôn hình vạn trạng...

Cho đến thời điểm này, tin giả đã cho thấy tính muôn hình vạn trạng của nó. Nó lan tỏa từ lĩnh vực chính trị đến kinh tế, đời sống và thậm chí giả cả thông tin đời tư của mỗi người. Năm 2016, tin giả đã làm tổn thương trong lòng nước Mỹ khi nó gây ra hệ lụy cho cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên cũng ngay từ thời điểm đó, người ta còn phát hiện ra rằng: Tin giả không chỉ là những status bịa đặt, những hình ảnh được lắp ghép và dàn dựng theo ý đồ riêng nhằm trục lợi hay phá hoại; mà còn là một cuộc ngụy tạo ra một tờ báo danh tiếng nào đó đánh vào lòng tin người đọc.

Chúng ta đã từng được biết đến những vụ tin giả điển hình tại Việt Nam đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đơn cử như vụ bịa đặt ra thông tin, hình ảnh máy bay rơi tại sân bay Nội Bài của một cô gái 9x tên P.T.M thường trú tại Hà Nội vào tháng 7.2017; hay chủ trang Facebook “Đầm bầu thời trang Mami” tung tin thất thiệt về dịch tả lợn Châu Phi đã bị phạt 20 triệu đồng gần đây. Mới nhất vào thượng tuần tháng 5.2019, Facebooker tên Tr.H.Tr.  đã tung thông tin về việc bắt một thiếu úy công an hình sự tỉnh Thái Nguyên vì có liên quan đến vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên. Mục đích của việc tung tin giả là nhằm hút views tạo thuận lợi cho việc bán hàng online của đối tượng này.

Tin giả phổ biến trên Facebook và cũng tràn lan trên YouTube. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng tin giả về Việt Nam hay liên quan đến Việt Nam chỉ do các đối tượng trong nước tạo ra. Trên thực tế, nguồn tin giả hướng vào Việt Nam xuất phát không ít từ nước ngoài, không chỉ bịa đặt trắng trợn mà còn hư cấu cả những câu chuyện giật gân câu khách có lớp lang khá bài bản. Đơn cử dạo “chuyện tình 72-27” giữa Hoàng Kiều và Ngọc Trinh xôn xao dư luận, YouTube khi đó xuất hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm clip bịa đặt ra mọi góc độ của cuộc tình này đến tận... giường ngủ. Tất nhiên mục đích dễ thấy nhất vẫn là câu views để tạo nguồn thu từ quảng cáo cho những đối tượng sở hữu hay quản lý những kênh YouTube đó.

Tin giả cũng có từng mức độ khác nhau. Nghiêm trọng nhất là hoàn toàn bịa đặt, nặn ra cả một câu chuyện. Mức độ nghiêm trọng thấp hơn là tin giả có chứa một phần thông tin sự thật hay đa phần là thông tin sự thật và bịa ra một phần nhằm lèo lái, thao túng người đọc để trục lợi...

Làm thế nào để tránh sập bẫy?

Một điều dễ nhận thấy nhất là tin giả hầu hết xuất hiện trên mạng xã hội. Thứ nhất là mỗi trang/kênh trên Facebook hay YouTube thuộc quyền sở hữu/quản lý của cá nhân hay nhóm người và họ hoàn toàn có thể dàn dựng, sắp đặt thông tin, hình ảnh theo ý đồ của mình một khi có nhận thức, quyết định làm điều sai trái.

Thứ hai, hai mạng xã hội trên chính là “thế giới phẳng” đang có nhiều người đăng ký sử dụng và sử dụng thường xuyên nhiều nhất hiện nay. Theo các con số được công bố, Facebook đã có khoảng 2,6 tỉ người đăng ký sử dụng và đạt mức bình quân khoảng 1,6 tỉ người sử dụng mỗi tháng, con số người dùng mỗi tháng của YouTube là khoảng 2 tỉ. Chính vì thế khi tin giả được tung lên hai mạng này thì có khả năng lan tỏa nhanh và rộng, đặc biệt là đối với loại tin giả cố tạo sự giật gân, hấp dẫn bằng những câu chuyện.   

Tin giả đã làm tổn thương và gây hại cho cả thế giới. Chính vì thế, các chính quyền, các tổ chức khoa học, xã hội và phi lợi nhuận đã cùng bắt tay vào ngăn chặn tin giả.

Một số khuyến cáo cách phát hiện, kiểm tra tin giả là xem xuất xứ thông tin, nguồn cung cấp tin, thời gian xuất hiện tin, độ khớp giữa tít tựa với phần nội dung bên dưới, độ phủ sóng của thông tin đó, có hay không những câu phát ngôn của các nhân vật danh tiếng hay gây chú ý, kiểm chứng nguồn tin và kiểm tra chéo... Tuy nhiên, những cách này không có nghĩa là “bảo bối” đủ miễn nhiễm với tin giả. Việc phát hiện tin giả đối với những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin – truyền thông nhiều khi còn nhờ vào kinh nghiệm, khả năng nhìn nhận và đánh giá, sự già rơ trong nghề có thể giúp phát hiện ra những yếu tố hoặc chi tiết phi logic...

Với những người hoạt động về báo chí truyền thông, chuỗi ngày “mơ mộng” đưa tin nhanh từ Facebook đã thực sự kết thúc. Mạng xã hội có thể là nguồn cung cấp thông tin nhanh và đa dạng ban đầu, nhưng độ chính xác cần phải kiểm chứng, từ đó có thể khai thác sâu hơn để tạo ra một sản phẩm báo chí - truyền thông có độ tin cậy.

Đau đầu với tin giả, cả Facebook và Google đã vào cuộc, thậm chí còn tài trợ cho các tổ chức chuyên ngành để nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn. Trí tuệ, chuyên môn nghiệp vụ của các cá nhân và tổ chức kết hợp với trí tuệ nhân tạo (A.I) để rà soát, kiểm tra nhằm phát hiện tin giả nhưng cũng chỉ đạt được một tỉ lệ nhất định chứ không hoàn toàn. Tin giả vẫn còn đó đầy rẫy trên mạng, và nó đang là thách thức toàn cầu và cũng đụng đến mỗi cá nhân.

Kiểu làm báo hay đọc thông tin hàng ngày “nhờ cậy” hoàn toàn hay “buông xuôi” hoàn toàn cho mạng xã hội chính là con dao hai lưỡi dễ dẫn đến thảm họa thông tin cho cả người làm và người đọc.

Theo Dạ Thảo

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm