Ý kiến chuyên gia

Cần quan niệm lại những giá trị cơ bản của ngôi nhà giáo dục

(Dân trí) - Có những chuyện cứ lặp đi, lặp lại tưởng rằng đúng, không thể thay đổi nhưng thực tế nó không còn phù hợp. Có những cái mới tiến bộ, thấy hay đưa vào áp dụng nhưng đôi tay ta lại hành động theo mệnh lệnh của cặp mắt nhìn cũ…thì cái mới đó chỉ nằm trên lý thuyết. Nền giáo dục chúng ta đang tồn tại như thế.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đinh ninh tưởng đã công bằng

Công bằng nghĩa là theo đúng lẽ phải, không thiên vị là điều mà cả xã hội luôn mong muốn. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục thuật ngữ công bằng được hiểu không giản đơn như thế. Hiện nay các trường học từ Mầm non đến trung học khi biên chế lớp đều có những “tiêu chí” riêng. Với cách làm này, các nhà trường vô tư nghĩ rằng sẽ đem lại sự công bằng, vì đảm bảo tiêu chí này thì ngồi lớp chọn, tiêu chí kia thì học lớp thường, hơi “cá biệt” thì được xếp lớp cuối, bố mẹ có nhiều tiền (phụ huynh góp tiền trang bị máy đều hòa và các thiết bị khác) chẳng cần thỏa tiêu chí nào cũng được học ở phòng có máy lạnh, máy vi tính, ti vi phẳng,… xếp lớp như thế, theo giải thích của nhà trường là để phân công giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn. Lớp chọn giáo viên giỏi đảm nhiệm, giáo viên “bình bình” dạy lớp thường, những lớp cuối (chẳng giáo viên nào thích dạy) giao ngay cho giáo viên có kinh nghiệm chuyên trị học sinh cá biệt. Liệu một trường học có lớp chọn, lớp thường, lớp cuối, lớp có trang bị máy lạnh, lớp chỉ có quạt…thì nhà trường đó có công bằng hay không? câu trả lời nằm ở hệ lụy của nó. Nhà trường đó sẽ phân công giảng dạy như thế nào để vừa động viên, đánh giá được sự cố gắng của giáo viên vừa loại bỏ được tư tưởng “bên trọng, bên khinh”. Có ai dám chắc rằng tâm hồn của những đứa trẻ mầm non mãi còn thơ ngây như tờ giấy trắng hay sớm phải suy tư, tủi hổ về khả năng, về thân phận, về giá trị của đồng tiền. Nhà trường từ trọng trách là ươm mầm, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn để định hình nhân cách cho học sinh lại vô tình gieo rắc mầm bệnh, làm vấy bẩn, vẫn đục bao giá trị tốt đẹp. Hiểu nông cạn về công bằng trong giáo dục là một sự thất bại đầu tiên về tính giáo dục trong môi trường giáo dục. Không những thế, điều này còn tiếp thêm sức công phá cho vấn nạn chạy trường, chạy lớp, thậm chí chạy chỗ ngồi, chạy làm lớp trưởng…

Từ vấn đề này, suy rộng hơn người viết thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta nên tìm một hướng đi thích hợp cho hệ thống trường chuyên trong toàn quốc. Vào trường chuyên hiện nay là niềm vinh hạnh của các ông bố, bà mẹ hơn là chính bản thân người học. Thầy cô dạy ở trường chuyên thường “ngủ quên” trên chiến thắng chưa tạo ra sự khác biệt và họ thường nghĩ mình “đẳng cấp” hơn khi khoác trên mình chiếc áo trường chuyên. Học trường chuyên phần lớn học sinh vẫn chưa tự tin để tự học mà phải học thêm vì dạy ở trường chuyên thầy cô vẫn không chịu “cho cần câu” mà vẫn thích “cho cá”. Kết quả là mất thời gian lẫn nhau vì điều gì đó mà “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”.

Cần phải mạnh dạn thay đổi hướng đi mới cho hệ thống trường chuyên còn một lý do nữa, đó là chức năng, nhiệm vụ của trường chuyên (bồi dưỡng năng khiếu, hợp tác làm quen với nghiên cứu…) hay trường chuyên là “kiểu mẫu” để các trường không chuyên noi theo đã đến lúc không còn phù hợp. Hệ thống các trường khác ở bất kỳ địa phương nào như trường chuyên cũng đủ sức để đảm đương chức năng và nhiệm vụ đó.

Nhìn nhận trường chuyên, lớp chọn ở góc độ khác, TS Giáp Văn Dương đã phát biểu: “Tôi không ủng hộ trường chuyên, lớp chọn, mà ủng hộ một môi trường giáo dục tự do. Trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự “tự do trở thành” của mỗi người. Tôi đã từng gặp nhiều học sinh, từng học trường chuyên, lớp chọn, và giờ rất lệch lạc, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống” và Ông (TS Giáp Văn Dương) còn cho rằng những em học sinh vào trường chuyên là “bản án chung thân” bởi các bạn ấy nghĩ rằng họ chỉ giỏi cái đó, chỉ làm được lĩnh vực đó (Tuổi trẻ, ngày 13/09/2015).

Vì vậy, vấn đề công bằng trong giáo dục cần phải có một cái nhìn khác. Công bằng để giáo dục và vun đắp chồi non chứ không phải công bằng để mọi người “đuối lý”, “tâm phục khẩu phục”.

Tư duy mới nhưng lại hành động theo kiểu cũ

Trong một quán cà phê có 2 gia đình, một người phương Tây và một người Việt Nam. Họ ngồi ở hai bàn khác nhau, mỗi gia đình đều có 1 cháu nhỏ, khoảng 3 tuổi. Khi đang nô đùa bất ngờ cháu bé của gia đình người Tây té ngã, bố mẹ chúng vẫn ngồi yên và khuyên con cố gắng đứng lên. Em bé ban đầu cũng mếu khóc nhưng nhanh chóng ngồi dậy và tiếp tục chạy đùa. Gia đình người VN thấy vậy hết lời thán phục: sao phương Tây họ giáo dục con hay thế! Ngay từ nhỏ đã rèn cho trẻ tính tự lập. Ngay sau đó, cháu bé người VN vấp ngã. Thật bất ngờ, cả hai vợ chồng lao ngay đến đỡ cháu bé dậy, cô vợ càu nhàu anh chồng. Chưa hết, ông bà ngoại, nội cũng xúm lại. Cháu bé thấy vậy lại khóc thật to hơn. Bà ngoại vừa vỗ mạnh xuống đất vừa nói: “cái cây này làm cháu bà ngã nè! Đánh cục đá nè!”. Câu chuyện trên minh chứng sinh động cho một thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay: biết cái mới là hay nhưng khi làm vẫn theo cái cũ.

Đem câu chuyện trên làm lăng kính để soi rọi vào một số vấn đề của giáo dục gần đây, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một kiểu tư duy khó mà biến chuyển của “một bộ phận không nhỏ” những người có liên quan đến giáo dục. Giáo dục VN đã qua nhiều lần cải cách và mỗi lần đổi mới đều “Tham khảo và học tập CT và SGK của nhiều nước tiêu biểu cho các khu vực khác nhau”, “Cử các đoàn cán bộ sang một số nước học tập và thông qua các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia giáo dục các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Hồng kông...) sang Việt Nam tập huấn về xây dựng CT, biên soạn SGK”, “Tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn trong nước và quốc tế…” (Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2015)…nói chung đều có “yếu tố nước ngoài” nhưng kết quả qua nhiều lần cải cách đổi mới giáo dục vẫn tụt hậu so với bè bạn năm châu. Tất cả những thầy cô trong ngành giáo dục đều “nằm lòng” những cụm từ: Phải mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, không thể tiếp diễn kiểu dạy học truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép; phải lấy người học làm trung tâm, phải xem học sinh là ngọn lửa cần thắp sáng, phải phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của người học và hiện nay là phải phát huy năng lực, phẩm chất của người học.v.v… mà ngành giáo dục đã đưa ra trong nhiều năm vừa qua. Nhưng thực chất thì sản phẩm đầu ra vẫn xơ cứng, thụ động, học 7 đến 10 năm tiếng Anh vẫn “ngọng nghịu” khi gặp người nước ngoài, đến “ốc vít” mà các doanh nghiệp còn “nghi ngờ” VN không sản xuất được.

Gần đây, Bộ GDĐT áp dụng Thông tư 30 (đánh giá học sinh Tiểu học bằng nhận xét), hay đưa mô hình trường học mới VNEN (xuất xứ từ colombia) vào trường học, đây là một chủ trương phù hợp, đúng với xu hướng phát triển quốc tế. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện nhiều địa phương, nhiều thầy cô giáo lại có tư tưởng “hoài niệm”, muốn quay về với “điểm số”.

Mặc dù Bộ quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (theo Thông tư 55) là đóng góp tự nguyện nhưng các trường vẫn thu theo hình thức “bình quân kết hợp tối thiểu” và tình trạng lạm thu ở các trường học lại “đơm hoa kết trái” vào mỗi đầu năm học, gây bức xúc trong dư luận.

Tư duy của ngành giáo dục có thay đổi là dấu hiệu tích cực, tuy nhiên phải cần một “lượng” lớn để thay đổi về “chất” (triết học Mác-Lênin) nhưng đến bao giờ mới đủ “lượng” để “em nhỏ có thể tự đứng lên” (câu chuyện đã dẫn), để từ viết tắt “GDĐT” không được hiểu sai (gian dối…).

So sánh trong giáo dục…mất nhiều hơn được

So sánh là phương pháp hay sử dụng trong giáo dục hiện nay và có xu hướng phát triển mạnh, tạo nên một bức tranh hơn thua không đáng có giữa người học trong một nhà trường, giữa các nhà trường với nhau, giữa địa phương này với địa phương khác, thậm chí là các quốc gia với nhau. So sánh chẳng có ý nghĩa gì về hiệu quả trong giáo dục và càng xấu hổ khi đứng cạnh từ “thực chất”. Việt nam có nhiều học sinh đạt giải quốc tế hơn hẳn nước…; em này xếp hạng nhất lớp; trường A có nhiều học sinh giỏi hơn trường B…những kết luận “không thể chối cãi” như thế chỉ mang tính tranh đua chưa lấy gì làm bền vững vì “đường dài mới biết ngựa hay”. Và thực tế đường đã dài rồi nhưng VN vẫn chưa thấy ngựa hay về tới đích. Phải chăng xếp hạng cao thấp như thế chỉ làm thỏa mãn tính kêu căng và củng cố thêm thói “đố kị” ở người Việt? Những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa của thời Phong kiến “vinh quy bái tổ” về làng chẳng lẽ vẫn còn sức sống đến ngày hôm nay?

Tai hại hơn, nếu trong một lớp học em Z cứ luôn xếp hạng cuối hết tháng này đến tháng khác, rồi xếp cuối ở học kỳ, rồi chót bảng ở cả năm, kết luận em Z sẽ chán nản, không tự tin vào khả năng của bản thân, có khi lại nghỉ học giữa chừng. Điều này là phản khoa học vì thực tế đã chứng minh tiềm năng con người là vô tận rất cần một bàn tay khéo léo để đánh thức, không ai khác là môi trường giáo dục. Tôi không đỗ đại học vì thời điểm hiện tại tôi chưa tích lũy đầy đủ kiến thức bằng bạn, tôi không thủ khoa vì tôi không chăm chỉ bằng bạn…chỉ là kiến thức thôi mà, mà kiến thức thì vô cùng! Đúng thế, chỉ dựa vào năng lực kiến thức thì chưa thể yên tâm giao việc. Những sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard nếu chỉ có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) cao, vẫn chưa đủ. Họ phải có thêm chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) tốt nữa mới hy vọng đủ bản lĩnh để đảm trách nhiệm vụ, những cá nhân đó mới kỳ vọng đột phá, góp phần chung tay lèo lái con thuyền đất nước lên một tầm cao mới. Tóm lại, thành tích cũng có ý nghĩa đáng kể, nhưng thành nhân là mục đích tối quan trọng của người học.

Người viết bài này vẫn thích và mơ ước những việc làm mang tính thực chất của giáo dục. Và có lẽ, những việc làm đó chỉ có ở những người thầm lặng, không ồn ào đao to búa lớn, không cờ hoa khẩu hiệu. Họ làm bằng sự thôi thúc của con tim quả cảm, bằng trí tuệ của khối óc, tất cả vì đam mê nghề nghiệp. Chắc độc giả sẽ bảo tôi: chỉ thích và mơ ước thôi nhé!

Nguyễn Hữu Tâm

(Bà rịa-Vũng Tàu)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm