Cần loại bỏ hiểm họa từ những thần tượng tai tiếng

Thời gian gần đây, hàng loạt các video có nội dung không lành mạnh của những người trẻ tuổi có xu hướng nổi loạn, xuất hiện với tần suất nhiều trên mạng xã hội đã làm dấy lên những nỗi lo...

Cảnh tỉnh lối thần tượng của giới trẻ

Cần loại bỏ hiểm họa từ những thần tượng tai tiếng - 1

Ngô Bá Khá hay còn có biệt danh "Khá Bảnh" cùng 7 người dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc (Ảnh từ Facebook Ngô Bá Khá).

 

 Sau hiện tượng “ Khá bảnh” và hàng loạt những thần tượng được cho là nổi loạn thời gian gần đây, đã làm dấy lên những lo ngại về lối sống thần tượng của giới trẻ. Hàng loạt những tội phạm được được giới trẻ coi là thần tượng, tung hô, săn đón đã bị lực lượng chức năng khởi tố trong thời gian qua. Điều đáng lo ngại là những hành động thiếu chuẩn mực của những tội phạm như Khá Bảnh được một bộ phận giới trẻ hào hứng đón nhận. Không ít bạn trẻ tung hô, học theo, làm theo những nội dung không đúng chuẩn mực. Đáng lo ngại hơn, trào lưu mang tên “ Khá Bảnh” lan rộng khắp từ những em nhỏ tiểu học cho đến cả những thanh niên. Đây chính là sự lầm tưởng về “ thần tượng”,  hay là một hồi chuông cảnh tỉnh về lý tưởng sống của thanh niên hiện nay.

 Tại sao nhiều bạn trẻ “ trót” thần tượng những người nổi tiếng từ tai tiếng?

Cần loại bỏ hiểm họa từ những thần tượng tai tiếng - 2
Ngọc Trinh cũng là 1 thần tượng tai tiếng của giới trẻ về những phát ngôn gây sốc về lối sống thực dụng đổi chác tình - tiền (Ảnh cắt từ clip của Facebook Ngọc Trinh).

 Hàng loạt các video với nội dung không lành mạnh, đến những lời nói thiếu chuẩn mực của những tội phạm lại được nhiều người đồng tình, đặc biệt là giới trẻ. Đây có thể coi là một vấn nạn, nếu kéo dài sẽ gây ra tác hại khó lường. Nhiều thanh thiếu niên thần tượng Khá “bảnh”  vì cho rằng những hành động của anh này phù hợp với bản thân mình, thể hiện cá tính, bản lĩnh của mình. Hay họ thần tượng cũng chỉ vì theo số đông mà cũng không cần biết thực hư. Nguy hiểm hơn là vì không thể định hướng cho bản thân, mất phương hướng đã vô tình lấy hiện tượng Khá bảnh làm định hướng.Hay chính những bậc phụ huynh vô tình cho con trẻ  sử dụng mạng internet quá nhiều dẫn đến các em cũng là một trong số đông thần tượng Khá Bảnh.

 Hậu quả khôn lường từ trào lưu thần tượng lệch lạc

 Một người có những hành vi vi phạm pháp luật: đánh bạc và tổ chức đánh bạc, sử dụng và tàng trữ ma túy, từng vào tù vì tội đánh người không thể trở thành thần tượng của người khác. Và càng không nên lấy “ giang hồ” làm thần tượng. Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm, thiếu chuẩn mực nếu bị ăn sâu vào tư tưởng của những người trẻ sẽ khiến tư tưởng dần lệch lạc. Cái xấu trở thành điều bình thường và điều tốt trở nên xa xỉ. Những hành động của giang hồ có thể cổ động cho những người trẻ chưa vững lập trường làm những việc xấu. Hiện tượng thần tượng Khá “bảnh” cũng là một trong những nguyên nhân  khiến bạo lực học đường gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật  lan truyền tràn lan có thể  làm tăng các vụ án nghiêm trọng cả về mức độ lẫn số lượng. Đây là sự lệch chuẩn trong lối sống thần tượng của giới trẻ, thực chất người được coi là “idol” lại chính là một tên tội phạm.

 Cần làm gì trước thực trạng thần tượng lệch chuẩn của giới trẻ?

Làm gì để ngăn chặn những thông tin xấu, nội dung độc đang tràn lan trên mạng xã hội không ảnh hưởng đến giới trẻ? Điều này đặt ra trách nhiệm về công tác giáo dục đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay và quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các sai phạm để làm gương cho những kẻ có động cơ và hành động xấu còn nhen nhóm. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý con em mình. Tuyên truyền giáo dục hiệu quả để trẻ nhận thức được cái đúng, cái sai, cái nên làm và cái không nên học. Tiên quyết nhất vẫn là thế hệ thanh niên, cần ý thức và nhận thức rõ được những điều xấu, nguy hại mà tránh xa.

Theo Thủy Đỗ

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam