Cần lắm sự vào cuộc của những nhà khoa học!

Chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội và nắm bắt lấy, nếu không sẽ bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, doanh nhân hãy đi đầu trong cuộc cách mạng này với một tâm thế sẵn sàng, chủ động đón nhận cái mới, đưa đất nước phát triển.

Vừa qua, "Tư lệnh" của ngành Giao thông vận tải than rằng:“...Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong”. Câu nói chứa đầy tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang "gõ cửa" từng quốc gia, dân tộc.


Sửa cầu Thăng Long có phải nhiệm vụ vượt quá khả năng của các giáo sư, tiến sỹ nước ta? (ảnh: IT)

Sửa cầu Thăng Long có phải nhiệm vụ vượt quá khả năng của các giáo sư, tiến sỹ nước ta? (ảnh: IT)

Không là giáo sư, tiến sỹ nhưng ngày đêm vẫn miệt mài với sáng kiến

Xin được nêu ví dụ về tấm gương ngày đêm vẫn miệt mài với sáng kiến, để thấy rằng người Việt Nam không chịu khuất phục dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình.

Trường hợp doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (58 tuổi, quê Thái Bình) vốn là một nhà chế tạo máy nổi tiếng phía Bắc, và vào năm 2013, sau nhiều ngày tháng làm việc, ông đã hạ thủy tàu ngầm đầu tiên mang tên Trường Sa 1 với công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập) được nhiều nhà khoa học trong nước đánh giá cao. Đến năm 2015, phiên bản tàu ngầm mini cải tiến mang tên Hoàng Sa ra đời với nhiều tính năng và công nghệ vượt trội, có thể chạy ngầm, lặn sâu và nổi lên mặt biển nhịp nhàng. Chi phí đóng hai chiếc tàu ngầm mini đầu tiên hơn chục tỷ đồng.

Nhiều khó khăn đã xảy ra trong quá trình ông Nguyễn Quốc Hoà chế tạo hai chiếc tàu ngầm trên. Tưởng chừng như ông sẽ dừng lại, nhưng với niềm đam mê vẫn “cháy bỏng”, ông quyết chế tạo bằng được “mẫu tàu ngầm thế hệ thứ hai đúng nghĩa chứ không chỉ là bản cải tiến”.

Sau 3 năm “thai nghén”, được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, kỹ sư trong và ngoài nước, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã khởi động đóng mới tàu ngầm Trường Sa 2 vào tháng 5/2018. Ông Nguyễn Quốc Hòa cho hay, tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ khắc phục các lỗi của 2 tàu ngầm mini trước đây. Theo thiết kế, Trường Sa 2 dài 9 m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu 1,8 m, sức chứa tối đa 6 thủy thủ đoàn. Tàu có vận tốc 35 km mỗi giờ, lặn sâu 250 m và tầm hoạt động 3.000 km. “Trường Sa 2 là mẫu tàu ngầm mini có thiết kế, cấu hình cơ bản. Sau khi hoàn thành, tàu sẽ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của khách hàng để thêm các tính năng cần thiết”, ông Nguyễn Quốc Hòa nói và cho biết chi phí để hoàn thiện con tàu này khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Rồi câu chuyện anh nông dân Phạm Văn Hát, sinh năm 1972, chỉ học hết lớp 7 ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng với niềm đam mê sáng tạo, “robot đặt hạt” do anh sáng chế đã thay thế được cho 40 người làm việc. Sản phẩm đến nay không chỉ có mặt ở thị trường trong nước, mà còn chiếm lĩnh nhiều thị trường các nước, như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, với giá 2.500 USD/chiếc. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, “robot đặt hạt” của anh nhiều lúc bị “cháy” hàng. Ở trong nước, khách hàng các tỉnh phía Nam và miền Trung đặt mua khá nhiều. Anh Hát cho biết: “Nhiều người đánh tiếng trả 3 tỷ đồng để mua bản quyền, nhưng tôi không bán.

Rồi chiếc máy phun thuốc trừ sâu có sải cánh bề ngang 20m, mỗi lượt phun được 20m. Với thời gian 20 phút, máy phun được 2 mẫu ruộng, có thể thay thế cho 40 lao động. Hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện.

Hiện nay, anh Phạm Văn Hát đã sáng chế thành công hơn 30 máy phục vụ cho nông nghiệp như: Máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi, máy phun thuốc trừ sâu... Trong số đó, robot gieo hạt tự động là sản phẩm anh tâm huyết nhất.

Và gần đây nhất là cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ V năm 2018, đã trao giải Nhất lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em cho công trình Máy bóc vỏ dừa của hai em Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh, đang là học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Chi phí để chế tạo máy này khoảng 2 triệu đồng. Người lao động dùng cách cũ để bóc vỏ dừa thì mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ thu được khoảng 240.000 đồng nhưng sử dụng máy bóc vỏ dừa có thể lên tới 700.000 đồng/người/ngày.

Hay một sáng chế khác cũng của học sinh, khiến dư luận ngạc nhiên và thán phục. Đó là xe lăn leo cầu thang điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ đầu, giọng nói và điện thoại thông minh của em Nguyễn Công Khánh lớp 12 Tin và Nguyễn Hữu Thành Đạt lớp 11 Toán của Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Đây là 1 trong 13 dự án nhận giải Nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm 2018 khu vực phía Bắc.

Qua những ví dụ trên cho thấy, mặc dù không phải là giáo sư, tiến sỹ, không được đào tạo cơ bản, xuất thân từ anh công nhân, nông dân rồi các cô, cậu hoc sinh mới lớn nhưng với lòng nhiệt huyết, tình yêu cháy bỏng đam mê khoa học, họ vẫn vượt lên để sáng tạo giúp ích cho đời.

Điều đó cho thấy tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam là rất lớn, rất tuyệt vời. Vấn đề hiện nay là làm sao chúng ta khai thác và phát huy được.

Các nhà khoa học đang ở đâu?

Câu chuyện sửa chữa cây cầu Thăng Long (Hà Nội) đã có tuổi thọ trên 30 năm làm chúng ta rất đáng suy nghĩ. Sau hơn 30 năm, lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu. Khi xây dựng, Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó rải đá dăm tạo nhám gắn vào lớp keo này và thảm bê tông nhựa lên. Cách đây gần 10 năm (2009), mặt cầu đã một lần phải sửa chữa và thời gian qua, đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng này hiện nay vẫn tái diễn…

Về vấn đề này, "Tư lệnh" của ngành Giao thông vận tải - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trăn trở: “Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong”, nghe mà xót xa và buồn làm sao!

Khách quan và công bằng mà nói, ngành cầu đường Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Chúng ta đã làm được sân bay Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Hải Phòng - Quảng Ninh, cầu Bạch Đằng, cầu Lạch Huyện, Thanh Trì, Cần Thơ và rất nhiều con đường, cây cầu hiện đại khác trên khắp đất nước Việt Nam.

Qua lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã gửi đi một thông điệp lớn, đó là thực trạng hiện nay có rất nhiều những công nhân, nông dân học sinh đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực cho cuộc sống mặc dù cơ sở vật chất, ưu đãi hầu như không có gì, nhưng bằng lòng nhiệt tình, sự đam mê và trên hết là tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước là động lực để sáng tạo khoa học và họ đã gặt hái được thành công. Bên cạnh đó, chúng ta đang sở hữu một đội ngũ đông đảo các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư …trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhưng... kết quả sáng tạo khoa học còn rất khiêm tốn(?).

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN 2018) vừa qua, Giáo sư Schwab - người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới khẳng định: “Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng công nghiệp 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng”. Theo như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không có khoa học công nghệ thì đất nước sẽ không thể phát triển...

Đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong một vài thập kỷ tới, khoảng 50% nghề cũ sẽ mất đi, nhiều nghề mới chưa từng có đã và đang xuất hiện, để đạt được thành công, chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội và nắm bắt lấy, nếu không sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, doanh nhân hãy đi đầu trong cuộc cách mạng này với một tâm thế sẵn sàng, chủ động đón nhận cái mới, từ bỏ cái cũ, để đưa đất nước phát triển.

Cần lắm sự vào cuộc của những nhà khoa học!

Chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội và nắm bắt lấy, nếu không sẽ bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, doanh nhân hãy đi đầu trong cuộc cách mạng này với một tâm thế sẵn sàng, chủ động đón nhận cái mới, đưa đất nước phát triển.

Theo Nguyễn Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam