Bạn đọc viết
Cần giáo dục định hướng cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội
Ngày nay việc sử dụng mạng xã hội đã rất phổ biến với mọi người, thế nhưng vấn đề đáng lo ngại là có một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang bị cuốn sâu vào “thế giới ảo” của mạng xã hội, gây ra những tác động xấu, có nguy cơ làm hủy hoại giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Minh họa: Ngọc Diêp
Sự lệch chuẩn trong sử dụng mạng xã hội
Đúng là chưa bao giờ mạng xã hội lại trở thành một công cụ truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng như hiện nay. Theo thống kê ở nước ta có tới hơn 20 triệu người đang sử dụng các mạng xã hội và con số này chiếm tới 70% số người dùng internet tại nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội không thể phủ nhận thì có một mối lo ngại về biểu hiện thiếu văn hóa, lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ.
Thực tế hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ suy nghĩ sai lầm cho rằng mạng xã hội thế giới ảo, có thể ẩn danh cho nên có thể ngụy tạo thông tin, bịa đặt câu chuyện, tình huống và thoải mái bình phẩm người khác mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… vì thế họ không chỉ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng, mà còn coi mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình.
Dư luận xã hội hẳn chưa quên hàng loạt vụ việc liên quan tới nội dung bình luận trên facebook làm nóng các diễn đàn, như: vụ việc một số cán bộ “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Sau đó không lâu, tại Cà Mau một Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì có hành vi bôi nhọ đồng nghiệp trên mạng xã hội…. Báo động hơn là có nhiều trường hợp lệch lạc cả tư tưởng và đạo đức, văn hóa truyền thống khó có thể tưởng tượng như, một đứa cháu công khai chửi mắng ông, một đứa con lăng mạ chính mẹ đẻ của mình. … khiến nhiều người không khỏi đau lòng và phẫn nộ.
Một điều khiến nhiều người lo ngại nhất nữa là một bộ phận không nhỏ giới trẻ dường như đang bị cuốn sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, đi tìm thú vui qua những dòng bình luận, thích thú khi được nhiều người “like” mà sẵn sàng đánh đổi cả nhân phẩm, danh dự, thậm chí cả mạng sống của mình để lấy mấy nghìn lượt like ảo. Cộng đồng mạng có lẽ cũng còn nhớ cách đây chưa lâu dư luận đã phải “ồn ào” lên tiếng bởi những cô gái chỉ vì muốn nhanh chóng được nổi tiếng mà post những tấm ảnh hở hang hết cỡ, thậm chí không mảnh vải che thân, tạo dáng sexy hoặc kì quặc, cốt sao cho nổi bật gương mặt và đường cong cơ thể.
Đáng lo ngại hơn bởi làn sóng “câu” like của một bộ phận không nhỏ giới trẻ đầy kinh dị và liều lĩnh không còn là “thế giới ảo”, nữa mà nó đã chuyển sang sự thật đau lòng khiến dư luận xã hội hết sức băn khoăn lo lắng khi liên tiếp những vụ chỉ vì lời hứa câu đủ like đã họ hành động “liều mạng vì nút like”. Như vụ mới đây nhất vừa xảy ra vào trung tuần tháng 9 khi một nam thanh niên 24 tuổi vì lời hứa “đủ 40.000 like sẽ tự thiêu” đã tẩm dầu tự thiêu ở cầu Tân Hoá TP. HCM. Hay trước đó một học sinh lớp 8 ở Khánh Hoà, cũng vì lỡ tuyên bố “đủ 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường” trên Facebook mà bị bạn bè ép phải đốt trường thật dẫn đến bị bỏng nặng ở hai chân.
Cần sự chung tay giáo dục văn hóa ứng xử với mạng xã hội
Có thể nói việc lạm dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ do bị cuốn sâu vào thế giới ảo của mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, đã và đang gây ra những tác động xấu, làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc đang khiến dư luận xã hội hết sức băn khoăn lo lắng. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm gì để ngăn chặn mặt trái của mạng xã hội? Làm gì để thế giới ảo kia không dẫn đến những câu chuyện đáng buồn và đáng tiếc thêm nữa? Nhất là khi mà công nghệ phát triển như vũ bão, internet có mặt ở mọi nơi, khi mà trong tay ai cũng có thể dễ dàng dùng điện thoại để truy cập internet, khi mà việc sử dụng mạng xã hội. Câu trả lời chỉ có thể là bắt đầu từ chính sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục văn hóa ứng xử, cũng như định hướng những giá trị giữa hai thế giới ảo mạng xã hội cho thế hệ trẻ
Trong đó công việc cần làm ngay lúc này là cùng với việc hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng mạng intrernet, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động đúng đắn cho mọi người khi tham gia mạng xã hội, mỗi nhà trường cần chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho thế hệ trẻ thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống đối và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần phát huy hơn nữa lợi thế của mạng intrernet, cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước ta trên các báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch; xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội…Tăng cường quản lý, nắm chắc hơn nữa tình hình việc sử dụng, hoạt động trên intrernet nói chung cũng như tham gia mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị và cá nhân nói riêng; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh… có nội dung tiêu cực, phản cảm, tạo sự “miễn dịch” cho mọi người trước các tác động của mặt trái, tiêu cực trên mạng xã hội.
Minh Tư