Cán bộ và dân vùng dịch

Dịch bạch hầu đang bùng phát ở Tây Nguyên, phát biểu với giới truyền thông, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, Gia Lai… đều có hàm ý đổ lỗi, rằng dịch bùng phát là do ý thức của dân.

Bạch hầu đang diễn biến phức tạp đến nỗi quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa nhậm chức đã thân chinh đến tâm dịch tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Trước ông Long, có một Thứ trưởng Bộ Y tế và cả Cục trưởng Y tế dự phòng vào tận Đắk Nông kiểm tra.

Đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế hay Cục Y tế dự phòng lúc đó đều khen ngợi công tác xử lý của địa phương tốt. Thế nhưng, cán bộ vừa rời địa bàn, Đắk Nông xuất hiện thêm nhiều ổ dịch, nhiều bệnh nhân mới. Các ca nhiễm không chỉ xuất hiện tại vùng sâu, vùng xa, mà có ngay gần trung tâm huyện và TP Gia Nghĩa.

Mấy ngày qua, phát biểu với giới truyền thông, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, Gia Lai… đều có hàm ý đổ lỗi, rằng dịch bùng phát là do ý thức của dân. Người dân ở đây là ai? Hầu hết họ đều là người dân tộc thiểu số, sống tại vùng sâu, vùng xa. Họ thậm chí còn sợ cả con ma rừng, huống gì mũi kim tiêm.

Có lẽ vì thế, ở Đắk Nông đã có “sáng kiến”, đồng bào nào không muốn tiêm chủng thì điểm chỉ (vì có thể không biết chữ) vào bản cam kết được cán bộ đánh máy sẵn và tự chịu trách nhiệm. Cán bộ liệu có hết trách nhiệm với dấu điểm chỉ của người dân vùng sâu?

Hãy quay lại tâm dịch bạch hầu tháng 7/2015 tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) chứng kiến cán bộ ở đây dập dịch để so sánh. Bà con ở đó lạc hậu và sợ tiêm chủng.

Đây là vùng “trắng” tiêm chủng nên xuất hiện bạch hầu, bệnh khác nào con ma ám. Vận động suông không xong, lúc đó, cán bộ các cấp đã về tận thôn, bản đứng xếp hàng tiêm mẫu để bà con thấy (tiêm không chết). Cán bộ còn vào tận rừng sâu vận động những người trốn tiêm về; thậm chí còn cử lực lượng cõng người già từ rẫy về trạm xá.

Ngành y tế dồn tổng lực về Phước Lộc. Sau đó, không những dịch được dập, mà nhận thức của đồng bào được nâng cao. Không còn ai tin lời thầy mo. Điện, đường, trường học, trạm y tế… ngày một khang trang; kinh tế phát triển, dịch bệnh không có cơ hội quay lại.

Nói như vậy để thấy cần xem xét lại nhận thức của cán bộ, chứ không phải dân. Một khi dịch bệnh bùng phát, có xu hướng gia tăng, có người chết; cán bộ khó lòng thuyết phục được dư luận rằng: Chúng tôi làm tốt. Dịch bệnh là một phép thử về kỹ năng quản trị và đạo đức của những người có trách nhiệm.

Cả nước chung tay kiểm soát tốt COVID-19, không ai tử vong, nhưng bạch hầu đã cướp đi 3 mạng người (trong đó có người tiêm chủng đầy đủ). Chính phủ đã vào cuộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.

Với COVID-19, biện pháp chủ yếu ngăn từ biên giới, nhưng với bạch hầu phải ngăn ngừa từ bên trong. Lúc này vai trò của cán bộ cơ sở rất quan trọng, phải như ở Phước Lộc.

Chuyện chống dịch, phần nào phản ánh chất lượng cán bộ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”.

Hãy thay đẩy lỗi về phía dân hay cho dân điểm chỉ tự chịu trách nhiệm bằng việc thuyết phục, vận động bằng kỹ năng, lương tâm và trách nhiệm, để dân tự giác hơn tiêm chủng phòng và uống thuốc điều trị bệnh. 

 Theo Đình Thắng

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm