"Cái bẫy" của sự đổi mới giáo dục chắp vá?

Chừng nào đổi mới GD 2 chưa được làm rõ và thống nhất thì mọi nỗ lực đổi mới bộ phận chỉ có thể đem lại một phiên bản mới của đổi mới GD 1, và do đó chúng ta vẫn luẩn quẩn trong "cái bẫy" của sự đổi mới chắp vá.

Mô hình GD... chưa từng có trong lịch sử

 

Bản chất của tiến trình đổi mới giáo dục nước ta trong 26 năm qua là chuyển từ một nền GD phục vụ kinh tế kế hoạch hóa sang nền GD vận hành, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.

 

Đó là mô hình GD... chưa từng có trong lịch sử. Bởi thế, Việt Nam phải tự tìm lấy lời giải từ quá trình tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo. Quá trình này được cụ thể hóa bằng những đổi mới từng phần, trước từng vấn đề nẩy sinh, trong từng giai đoạn phát triển của GD.

 

Hiển nhiên, trước tính phức tạp và hoàn toàn mới của bài toán này, việc tìm tòi bước đi bằng quá trình đổi mới từng phần là cần thiết và đúng đắn; những kết quả đạt được là quan trọng. Tuy nhiên, cái giá phải trả là sự luẩn quẩn trong đổi mới, nghĩa là sự tích tụ của những vấn đề nẩy sinh.

 

Các yếu kém về chất lượng và hiệu quả, về cơ cấu phát triển, về công bằng xã hội đã tích tụ lại trong một quá trình phát triển thiên về xử lý tình huống và đang đặt GD trước những thách thức gay gắt của một bối cảnh kinh tế- xã hội đã khác trước rất nhiều.

 

Nguyên nhân cơ bản của những yếu kém dai dẳng này là do thiếu một tầm nhìn tổng thể, thiếu một kế hoạch đồng bộ, dẫn đến cách đổi mới chắp vá như Đại hội X của Đảng đã chỉ ra.

 

Đó là bức tranh chung về đổi mới GD nước ta trong 26 năm qua với những thành công và bất cập của nó. Chúng ta sẽ gọi đó là đổi mới giáo dục 1.0, với các phiên bản 1.1, 1.2, 1.3 v.v...tương ứng với những đổi mới từng phần của tiến trình đổi mới này.

 

Thành công của nó là đã định hình được những đường viền cơ bản của một 'thế giới quan' về GD trong điều kiện thực tiễn, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng.

 

Bất cập của nó là sự chắp vá, dẫn tới cái bẫy của sự đổi mới, mà biểu hiện cụ thể là sự tích tụ những yếu kém về chất lượng và hiệu quả cùng những tiêu cực trong quản lý và điều hành, khiến GD trở nên tụt hậu trước những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội.

 

Đổi mới và sự...bỏ quên?

 

Đó là chủ trương được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng. Chủ trương này nói lên quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng một mô hình phát triển mới của GD.

 

Một mặt khắc phục cái bẫy của sự đổi mới chắp vá trong 26 năm qua. Mặt khác tạo tiền đề để GD thực sự góp phần vào việc thực hiện một trong các đột phá chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Thực ra chủ trương về việc xây dựng một mô hình phát triển mới của GD đã có từ Đại hội Đảng X. Trên cơ sở phê phán sự chắp vá trong đổi mới, Đại hội X đã yêu cầu: 'Chuyển dần mô hình GD hiện nay sang mô hình GD mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học suốt đời'.

 

Yêu cầu này đã bị... bỏ quên suốt 5 năm qua. Nói cho đúng, nó chưa đi vào được cuộc sống. Nguyên nhân là do cho đến năm 2008 nước ta vẫn là nước thu nhập thấp, mô hình phát triển kinh tế chủ yếu vẫn là mô hình phát triển theo chiều rộng; bối cảnh đó không đặt ra yêu cầu bức bách về học suốt đời.

 
Lễ khai giảng năm học mới tại một trường học
Lễ khai giảng năm học mới tại một trường học

 

Tuy nhiên, giờ đây nước ta đã trở thành nước thu nhập trung bình. Để không bị mắc kẹt trong "cái bẫy" của nước thu nhập trung bình, một nhiệm vụ cấp bách đang được đặt ra là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mô hình tăng trưởng mới sẽ chủ yếu là mô hình phát triển theo chiều sâu, dựa trên sự phát huy của nhân tố năng suất tổng hợp, bao gồm tiến bộ khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý hiện đại. Sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng này vừa là tiền đề, vừa là yêu cầu để chủ trương về một mô hình GD mở với hệ thống học suốt đời được hiện thực hóa và đi vào cuộc sống.

 

Như thế, nhìn các chủ trương phát triển GD của Đảng trong sự vận động biện chứng gắn liền với bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước, có thể nói bài toán đổi mới căn bản, toàn diện nền GD quốc dân quy về bài toán xây dựng mô hình GD mở- mô hình xã hội học tập với hệ thống học suốt đời.

 

Đổi mới GD căn bản, toàn diện

 

Khái niệm học suốt đời đã được đưa vào chính sách GD Việt Nam từ năm 1993 trong NQTW4 (khóa VII). Đề án xây dựng xã hội học tập cũng đã được triển khai từ năm 2005 theo QĐ 112 của Thủ tướng CP. Tuy nhiên, rất nhiều rào cản đang vướng chân trên con đường vận động của GD Việt Nam hướng tới hệ thống học suốt đời.

 

Bản thân khái niệm học suốt đời vẫn chưa có cách hiểu thống nhất và rõ ràng. Nó thường được đánh đồng với GD không chính quy, GD giành cho người lớn, GD ngoài nhà trường. Cách hiểu đó khác xa với cách hiểu được công nhận rộng rãi giờ đây trên thế giới, theo đó học suốt đời bao gồm học chính quy, không chính quy và phi chính quy, trong mối quan hệ bình đẳng, liên thông và chuyển đổi lẫn nhau.

 

Rào cản về khái niệm này là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những rào cản khác, cụ thể là các rào cản về thể chế, về cơ cấu hệ thống, về chương trình GD, về quản lý, tài chính, đào tạo giáo viên, trong việc xây dựng một hệ thống học suốt đời đích thực ở nước ta.

 

Về bản chất, xây dựng hệ thống học suốt đời là chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất của GD. Nó đòi hỏi sự đoạn tuyệt với mô hình GD truyền thống trên nhiều phương diện. Nhà giáo không còn là nguồn cung cấp tri thức mà trở thành người dẫn dắt tới các nguồn tri thức. Người học không còn chỉ là học sinh, sinh viên trong trường mà là bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

 

Việc dạy và học chuyển trọng tâm từ tri thức sang năng lực, trong đó ưu tiên là năng lực sáng tạo, áp dụng, phân tích, tổng hợp tri thức, năng lực làm việc theo nhóm, năng lực học cách học, năng lực phê phán v.v... Công tác đánh giá không còn nhằm loại trừ ai mà có mục đích chính là chỉ ra cách học thích hợp và định hướng cho người học con đường tiếp tục trong học tập. Chẳng còn ai bị bỏ rơi, người nào cũng có cơ hội học tập đến cùng suốt cuộc đời mình.

 

Xét như vậy thì, dù rằng chúng ta đã nói rất nhiều và nói thường xuyên về học suốt đời nhưng GD nước ta vẫn đang giẫm chân trong mô hình truyền thống với nhà trường khép kín trong công thức 2- 4- 8 (ý nói 2 bìa sách giáo khoa, 4 bức tường lớp học, 8 giờ làm việc hành chính quan liêu). Việc học hướng tới thi cử, người học chỉ chăm chăm có một tấm bằng để sử dụng trong suốt cuộc đời.

 

Mô hình truyền thống thích hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng và đang trở thành rào cản trong bước chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Vì thế, đổi mới căn bản nền GD quốc dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước chính là sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình học suốt đời theo nghĩa đích thực của nó.

 

Điều đó kéo theo sự đổi mới toàn diện nền GD quốc dân, từ cơ cấu hệ thống, tổ chức nhà trường, chương trình GD, đến công tác quản lý, cơ chế tài chính, đào tạo giáo viên.

 

Như thế đổi mới căn bản, toàn diện nền GD quốc dân sẽ là một giai đoạn phát triển mới về chất trong tiến trình đổi mới GD. Nó là đổi mới GD 2, với một mô hình phát triển đã được xác định ngay từ đầu, trong một tiếp cận tổng thể và tầm nhìn dài hạn.

 

Dĩ nhiên, để thực hiện đổi mới GD 2 cần có lộ trình phù hợp, trong đó quan trọng nhất là xác định các khâu đột phá. Đó là đổi mới cơ chế quản lý GD và cải cách đào tạo giáo viên.

 

Cơ chế quản lý GD "lấy nhà trường làm trung tâm"

 

Trong hơn 25 năm đổi mới vừa qua, khi chúng ta phát triển GD chủ yếu theo chiều rộng ở mọi lĩnh vực, chúng ta đã có cơ chế thích hợp. Đấy là cơ chế tương đối đơn giản, tương thích với đổi mới GD 1, tập trung vào các chính sách cởi trói, dỡ bỏ các ràng buộc vô lý của một Nhà nước bao cấp. Thành công của cơ chế này là đã giải phóng năng lượng vốn có trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội, trong đó có GD, đem lại nguồn lực và động lực cho phát triển.

 

Giờ đây, khi đất nước đã trở thành một nước thu nhập trung bình, lại hội nhập sâu rộng với thế giới, thì hệ thống kinh tế-xã hội trở thành phức tạp và đa dạng hơn trước rất nhiều. Bản thân GD cũng đã khác xa về quy mô phát triển, về mạng lưới trường lớp, với yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả, cùng hệ thống chính sách phong phú và quan hệ quốc tế rộng mở. Hội nhập quốc tế về GD cũng đặt GD trước những thách thức mới.

 

Trong khi đó, cơ chế vận hành hệ thống vẫn chủ yếu là cơ chế cởi trói, tìm cách tháo gỡ các nút thắt, khơi thông các tắc nghẽn. Cơ chế này có vận dụng mô hình quản lý công mới, được từng bước nâng cấp thành các phiên bản 1.1, 1.2 v.v..., nhưng chủ yếu trong khuôn khổ của một cải cách từng phần, một đổi mới chắp vá, không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới về chất. Đặc trưng cơ bản của cơ chế này là lấy nhà quản lý làm trung tâm. 

GD nước ta vẫn đang giẫm chân trong mô hình truyền thống với nhà trường khép kín trong công thức 2- 4- 8 (ý nói 2 bìa sách giáo khoa, 4 bức tường lớp học, 8 giờ làm việc hành chính quan liêu). Việc học hướng tới thi cử, người học chỉ chăm chăm có một tấm bằng để sử dụng trong suốt cuộc đời.

 

Cơ chế này cũng mới chỉ tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà trường. Chúng ta hình như quên mất rằng, cùng với tiến trình đổi mới, bên cạnh Nhà nước đã dần hình thành hai khu vực mới là thị trường và xã hội dân sự.

 

Như thế, cơ chế mới, ngoài việc xử lý khéo léo tính phức tạp và đa dạng của hệ thống, còn  phải tính đến vai trò và tác động của cả ba khu vực- Nhà nước, thị trường, xã hội dân sự- trong đời sống kinh tế- xã hội nói chung, trong GD nói riêng. Nó phải thay cơ chế cởi trói bằng cơ chế trao quyền. Từ đó, chuyển cách tiếp cận từ cơ chế quản lý lấy nhà quản lý làm trung tâm, sang cơ chế quản lý lấy nhà trường, nhà giáo, người học làm trung tâm.

 

Cơ chế mới sẽ khác về chất với cơ chế trước đây.

 

Đó sẽ là cơ chế tương thích với đổi mới GD 2. Nó không dừng lại ở sự cởi trói nữa mà phải hướng tới việc trao quyền, tạo ra một không gian khoáng đạt, dân chủ và kỷ cương trong GD, nơi hệ thống GD được tái cấu trúc. Nhà giáo chân chính sống được bằng lương, các cơ hội học tập theo nhu cầu xã hội và nhu cầu cá nhân được rộng mở.

 

Cải cách đào tạo giáo viên

 

Kể từ năm 2000 đến nay, đào tạo giáo viên ở Việt Nam bước vào tiến trình đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của GD phổ thông. Điểm mạnh nổi trội của Việt Nam là có chính sách giáo viên nhất quán, trong đó xây dựng đội ngũ nhà giáo luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các chiến lược phát triển GD.

 

Tuy nhiên, điểm mạnh đó vẫn bị đóng khung trong các giới hạn của đổi mới GD 1. Bằng chứng là, mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới, nhưng đào tạo giáo viên ở nước ta vẫn đang luẩn quẩn trong "cái bẫy" của sự đổi mới chắp vá. Nghĩa là cho đến nay chúng ta vẫn mắc kẹt trong một mô hình đào tạo cũ, đã lỗi thời, mô hình đào tạo 1.0, với những đặc trưng sau đây:

 

1/ Mô hình giáo viên với nhiệm vụ chính là truyền thụ kiến thức trên lớp học. 2/ Hệ thống đào tạo giáo viên khép kín với những nhà trường chuyên ngành đóng khung trong một mô hình đào tạo cứng nhắc, ít gắn kết với cộng đồng và nhà trường phổ thông. 3/ Quá trình đào tạo giáo viên vẫn không có sự gắn bó giữa đào tạo ban đầu với đào tạo tiếp tục, giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Mô hình đào tạo giáo viên khép kín và chia cắt nói trên, tương thích với mô hình GD truyền thống, trong đó việc học hướng tới thi cử, nhà trường phổ thông gói gọn trong công thức 2-4-8. Mô hình này sẽ trở thành rào cản khi chuyển sang mô hình GD mở với hệ thống học suốt đời, trong đó nhà trường được tổ chức đa dạng, tự chủ, dân chủ, canh tân và sáng tạo trong dạy và học. Nhà giáo là nhà sư phạm chuyên nghiệp với một phổ vai trò phức tạp trong lớp học, trường học và cộng đồng.

 

Vì thế, cần xây dựng và triển khai một mô hình đào tạo giáo viên mới, mô hình đào tạo với những đặc trưng mới sau đây:

 

1/ Mô hình giáo viên chuyên nghiệp có năng lực xử lý tin cậy và phù hợp trước những tình huống khác nhau, vì lợi ích của người học và đạo đức nghề nghiệp. 2/ Hệ thống đào tạo giáo viên phải là hệ thống mở trong tuyển sinh, trong đào tạo, trong quan hệ với nhà trường phổ thông, trong hội nhập quốc tế. 3/ Quá trình đào tạo giáo viên phải là quá trình liên tục, trong đó các giai đoạn đào tạo (đào tạo ban đầu, giai đoạn tập sự, đào tạo tại chức, đào tạo tiếp tục, phát triển đội ngũ, tham gia các nghiên cứu khoa học về giáo dục) nằm trong quan hệ gắn bó, bổ sung cho nhau.

 

Hiển nhiên mô hình đào tạo này là bước chuyển về chất so với mô hình đào tạo trước đây. Bước chuyển này hiện được coi là cải cách đào tạo giáo viên trên thế giới, để giáo viên tương lai thực sự là giáo viên của thế kỷ 21, đủ năng lực ứng phó trước những thách thức đang đặt ra đối với GD trước những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế- xã hội.

 

Kết luận

 

Bài viết này là sự tiếp cận bài toán đổi mới căn bản, toàn diên giáo dục nước ta dưới cái nhìn tổng thể về tiến trình đổi mới GD từ năm 1986 đến nay. Sự khác biệt cơ bản ở đây là đổi mới giáo dục 2 vượt qua cách đổi mới chắp vá trước đây bằng một tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống, trong đó cần thiết xác định ngay từ đầu mô hình mới của sự phát triển GD.

 

Nếu trong đổi mới giáo dục 1, tư duy chủ đạo là tư duy cục bộ, từng phần, thì trong đổi mới giáo dục 2, tư duy chủ đạo là tư duy tổng thể, toàn cục. Sự chuyển đổi về tư duy này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi cần tìm lời giải cho bài toán đổi mới căn bản, toàn diện nền GD quốc dân.

 

Tuy nhiên, đây là điều nói thi dễ, làm thì khó. Trong một thời gian dài hơn 25 năm, khi tư duy theo kiểu dò dẫm tiến dần từng bước đã trở thành thói quen, thì dấu ấn của nó vẫn còn dai dẳng trong cách thức hoạch định chính sách của chúng ta.

 

Một ví dụ cụ thể là cách làm hiện nay trong việc xây dựng chương trình GD phổ thông sau 2015. Cho đến nay, chưa lúc nào và chưa ai làm rõ vị trí và vai trò của chương trình này trong bức tranh tổng thể của đổi mới căn bản và toàn diện nền GD quốc dân.

 

Tư duy chủ đạo trong xây dựng chương trình GD phổ thông sau 2015 vẫn là tư duy cục bộ. Vì thế, có nhiều rủi ro là việc xây dựng chương trình này sẽ mắc lại những sai lầm của việc xây dựng chương trình GD phổ thông năm 2000, nghĩa là thiếu sự gắn kết toàn hệ thống.

 

Bài viết này xin dừng lại với một khuyến nghị: Chừng nào đổi mới GD 2 chưa được làm rõ và thống nhất thì mọi nỗ lực đổi mới bộ phận chỉ có thể đem lại một phiên bản mới của đổi mới GD 1, và do đó chúng ta vẫn luẩn quẩn trong "cái bẫy" của sự đổi mới chắp vá.

 

theo Phạm Đỗ Nhật Tiến

VietnamNet