Các “nhóm lợi ích” nhìn từ vụ án Vũ “nhôm”, Út “trọc”

(Dân trí) - Những sai phạm trong vụ án Vũ “nhôm”, Út “trọc” diễn ra trong thời gian dài. Làm gì để ngăn chặn nó, trong đó có những dấu hiệu “lợi ích nhóm” của một số dự án BT hiện nay?


Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Trong báo cáo thẩm tra trình bày trước Quốc hội, Ủy ban Tư pháp nhất trí với đánh giá báo cáo của Chính phủ: Năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đã giải quyết những điểm nóng về an ninh, trật tự, tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực… Tuy nhiên, bản báo cáo của bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, lưu ý một số nội dung, trong đó: Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng Công an. Cụ thể, vụ án Cty CNC tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet với tổng số tiền thu lợi bất chính trên 9.853 tỷ đồng, thu giữ trên 1.760 tỷ đồng; trong đó có cả sự tham gia, tiếp tay của một số sỹ quan cấp cao của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Dư luận cũng đặc biệt chú ý tới nội dung báo cáo của bà Lê Thị Nga: Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Đáng chú ý, có những vụ việc liên quan đến một số sỹ quan Công an, Quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý. Điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), vụ Đinh Ngọc Hệ ("Út trọc")…

Chỉ một chi tiết nhỏ trong vụ án Vũ “nhôm” cho thấy áp lực của các “nhóm lợi ích” được che đậy bởi tổ chức bình phong ghê gớm tới mức nào. Ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, trong khoảng hai năm rưỡi ( tháng 10.2012 đến 3.2015 ) chỉ đạo cấp dưới xuất chi 12 khoản tiền để mua 13,9 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ “vay”, mà cho tới tận lúc bị bắt vẫn chưa trả một xu. Việc ông Bình buộc phải cho Vũ “vay” một khoản tiền lớn như vậy chắc chắn chịu một sức ép lớn từ những “cái ô” che chắn cho Vũ “nhôm”. Một loạt tướng tá ở Bộ Công an bị khởi tố hoặc mất chức vì liên quan đến Vũ “nhôm” đã minh chứng điều này.

Thực ra, với hai vụ án này, dư luận đã từng bàn tán từ lâu, nhưng cũng chỉ cảm nhận vậy, bởi mọi diễn biến mua, bán đất đai, công sở, dự án đều được các “nhóm lợi ích” thông qua quy trình bằng cách “nhào nặn” câu chữ trong những văn bản luật nhằm che đậy cách kiếm tiền bất hợp pháp và che chắn dư luận.

Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt ra câu hỏi, vì sao những sai phạm đó kéo dài trong nhiều năm mới bị phanh phui?

Trong báo cáo của bà Nga đã trả lời một phần câu hỏi này, đó là do có những vụ việc liên quan đến một số sỹ quan Công an, Quân đội, lãnh đạo một số địa phương liên kết với nhau để trục lợi. Chính đó là một phần cấu thành những “nhóm lợi ích” mà thời gian qua được các báo cáo, các nghị quyết của Đảng, Nhà nước nêu đích danh. Dù những vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo đã, đang tiếp tục được điều tra mở rộng, nhưng những diễn biến của các vụ án này cho thấy, các “nhóm lợi ích” liên kết với nhau, không chỉ gây tổn hại lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân, mà nguy hiểm hơn, nó đánh vào niềm tin của người dân.

Nhìn vào hiện tại, việc chỉ định thầu một số dự án BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) đang là một trong những nội dung gây nhức nhối dư luận. Theo luật, chỉ định thầu chỉ được phép trong những trường hợp đặc biệt, nhưng thực tế cho thấy, phần lớn dự án BT được chỉ định thầu. Vì vậy, trên nhiều diễn đàn chính thức, kể cả diễn đàn Quốc hội, việc chỉ định thầu các dự án BT đang được bàn cãi, mổ xẻ, phân tích với không ít lo lắng. Điều đáng ngại là, thực tế cho thấy những dấu hiệu sai phạm khá rõ, các dự án BT chủ yếu là chỉ định thầu, nhưng vẫn đang tồn tại như thách thức dư luận.

Nhiều dấu hiệu sai phạm của các dự án BT đang nổi lên khá rõ: Việc đổi đất lấy hạ tầng nhưng giá đất được tính không đúng, không đủ; đất được giao cho chủ đầu tư trước khi triển khai làm hạ tầng. Thậm chí có những dự án chưa triển khai nhưng chủ đầu tư đã bán đất được giao; Hệ thống đường xá được thực hiện lại chủ yếu phục vụ cho chính những vùng đất mà chủ đầu tư được hưởng. Mà nhẽ ra, việc thực hiện cho hạ tầng cho dự án của mình là nghĩa vụ của họ. Vậy là, họ đã ăn đơn, ăn kép; Khi đổi đất lấy hạ tầng, các cơ quan chức năng chỉ tính giá đất hiện tại (chủ yếu là đất nông nghiệp), mà không tính giá khi đã có hạ tầng giao thông, là khu đô thị; Có nhiều ý kiến chuyên gia đặt ra: Sao không đấu giá những lô đất dự kiến đổi hạ tầng để lấy tiền triển khai xây dựng hạ tầng? …

Do đó, chỉ tính riêng với các dự án BT (phần lớn được chỉ định thầu), thực sự con số thất thoát cho ngân sách là bao nhiêu, chưa ai tính, nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Đến lúc nào đó, những sai phạm này nếu bị phanh phui, chắc sẽ có những con số khủng lượng tiền đã thất thoát và thêm không ít cán bộ dính vào lao lý.

Làm gì để ngăn ngừa ngay những dấu hiệu sai phạm này là câu hỏi lớn cần sớm có lời giải?

Hiện có nhiều ý kiến yêu cầu cần xem xét lại cách triển khai dự án BT và thực tế, các bộ ngành liên quan đã bắt đầu yêu cầu dừng lại một số dự án BT dự tính được triển khai.

Vương Hà