chuyện đùa như thật

Buồn cho con tôi lặn lội tìm trường

(Dân trí) - Nước ta có trường đại học xây dựng ở đâu, nó cũng lần mò đi hết để tìm hiều chọn trường, nhưng chẳng trường nào nó ưng

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Tôi cùng mấy người bạn trọn cả đời làm nghề xây dựng, ngồi tri kỷ với nhau chuyện con nối nghiệp cha mẹ.

Bạn tôi than phiền:

- Vợ chồng tôi thất vọng về đứa con trai quá.

- Ô hay, sao ông lại nặng lời thế. Nó suốt 12 năm học phổ thông, đều học giói nhất lớp, là niềm tự hào của ông bà. Tuyệt vời hơn nữa, ông bà là kỹ sư xây dựng, tình yêu nghề của ông bà đã truyền cảm hứng cho nó, nên nó tuyên bố ngay từ mấy năm trung học phổ thông chuẩn bị kiến thức quyết tâm kỳ này thi bằng được vào đại học xây dựng để nối nghiệp ông bà cơ mà.

-. Nó bỏ ý định đó rồi, quyết tâm bỏ như trước đây quyết tâm thi vào ngành xây dựng ấy! Đấy, đấy, thế mới đau cho vợ chồng tôi chứ!

- Nhưng sao lại bỏ?

- Vì nó thất vọng với chương trình dạy của các trường đại học xây dựng. Nước ta có trường đại học xây dựng ở đâu, nó cũng lần mò đi hết để tìm hiều chọn trường, nhưng chẳng trường nào, kể cả trường Đại học xây dựng Hà Nội là trường lâu đời và có uy tín nhất trong ngành xây dựng nước ta,nơi nổi tiếng cung cấp những cơ hội học tập và nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên và nghiên cứu sinh, đáp ứng liên tục, kịp thời bổ sung những tri thức mang tính học thuật và chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, và ứng dụng - có thể đạt hoặc vượt các yêu cầu của xã hội, ây thế mà khi xem chương trình dạy, nó cũng không ưng

- Lạ nhỉ, vì sao không ưng?

- Nó bảo, đến trường xây dựng nào cũng đều có đủ cả các môn học: Cơ lý thuyết, Cơ kết cấu; Sức bền vật liệu; công trình bê tông cốt thép; Công trình Thép – gỗ; thí nghiệm và Kiểm định công trình; công nghệ và quản lý xây dựng v.v.. nhưng có một môn rất cần học mà chẳng hiểu tại sao lại không thấy trường đại học xây dựng nào dạy. Chán quá!

- Ông làm tôi tò mò quá đấy. Vậy môn học nào mà nó bảo không có trong chương trình dạy.

- Môn học "rút ruột công trình"

Nghe vậy, cầm chén rượu trên tay, tôi giật mình đánh rơi xuống đất vỡ tan:

- Tại sao nó lại nghĩ là phải có môn đó?

- Thì tôi cũng hỏi nó thế. Nó bảo: “Vì môn đó dạy cho người làm xây dựng bỏ tiền ít mà lại giầu nhanh”. Tôi lại hỏi: “Ai bảo con thế?” Nó trả lời: Chả ai bảo cả, mà con quan sát thực tế mà thấy thế. Đấy, chỉ có làm một con đường ở nông thôn thôi mà cũng rút ruột được, như làm con đường ở huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, tổng chi phí xây dựng 1,8 tỉ đồng mà rút ruột được những gần 600 triệu đồng. Còn những công trình ở ngay thủ đô Hà Nội thì khỏi nói, khá đông giới thiết kế và thi công đánh giá là  giỏi về kiến thức rút ruột công trình... như vụ việc khi thi công dự án nhà 12 tầng khu di dân tái định cư Hà Đình - Kim Giang, Hà nội, do phần móng cọc dễ bị rút ruột nhất bởi giá trị lớn và khi đã hoàn thành khó bị phát hiện, nên bên thi công đã rút bớt 2 trong 4 lồng thép của cọc móng, 60% cọc móng bị phát hiện ăn bớt được vật tư. Rồi chuyện rút bớt thép ở cọc nhà A2 huyện Thanh Xuân thành phố Hà Nội, thông thường, chủ đầu tư và tư vấn phải rà soát lại dự toán của bên thi công, cắt đi những phần không cần thiết, tuy nhiên, do đã được chung chi họ làm ngơ cho các dự toán khống, kê khai nhiều đầu việc, áp dụng tiêu chuẩn không cần thiết để khi thi công có thể rút bớt vật tư. Chẳng hạn thi công phần móng thực tế chỉ có 4-5 đầu việc, nhưng khi lập dự toán bên B kê khai tới 6 - 7, phần việc không làm đó sẽ vẫn được tính công nếu bên A không mạnh tay cắt bỏ. Hoặc chiếc cọc này chỉ cần sâu 40 mét là đủ, nhưng bên thi công đã lập dự toán tới 50 mét với lý do đề phòng đất ở khu vực đó xấu, không đảm bảo nếu cọc chỉ sâu 40 mét. Cũng kiến thức rút ruột công trình này, giá của thiết bị chỉ 1 tỷ đồng thì chủ thầu thi công có thể kê khai gấp đôi. "Kỹ xảo" thứ hai là ăn bớt chất lượng, tức là đưa các nguyên vật liệu phẩm cấp kém hơn thiết kế vào công trường. "Kỹ xảo" thứ ba là ăn bớt khối lượng. Thường thì thiết kế một công trình thường tính thêm cả phần hệ số an toàn để đề phòng những biến cố bất thường. Tuy nhiên, bên thi công thường cắt tối đa hệ số an toàn đó để rút bớt nguyên vật liệu dù có nguy hại tới độ an toàn của công trình cũng mặc kệ.

Tôi tò mò:

- Thế nghe nó nói vậy, ông bảo nó thế nào?

- Tất nhiên, tôi bảo: “ Đừng có mơ. Khắp cả nước Việt Nam này, chẳng có một trường đại học xây dựng nào trong chương trình có môn học dạy cách rút ruột công trình đâu.” Nghe tôi nói vậy, nó mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên: “ không đâu dạy môn đó mà sao hầu như công trình nào cũng có rút ruột bài bản và tinh vi. Hóa ra những người có kỹ năng rút ruột công trình như vậy chắc hẳn toàn được học ở nước ngoài về môn này cả. Thảo nào nền giáo dục đào tạo của nước ta tụt hậu so với các nước là phải.” Và nó ra điều kiện: “ Nếu bố mẹ muốn cho con theo nghề xây dựng của bố mẹ thì mong bố mẹ hãy lo chạy tiền cho con xuất ngoại, đi tới một nước nào đó có dạy môn học “kỹ thuật và những giải pháp rút ruột công trình”, bố nhé!

Nguyễn Đoàn