"Bắt học sinh quỳ gối là cách giáo dục tạo ra thế hệ nhu nhược và bạo lực!"
(Dân trí) - "Vài vị phụ huynh ủng hộ việc đánh hoặc bắt học sinh quỳ gối, tôi tin do con các vị học giỏi, chưa bị phạt bao giờ. Nếu con các vị bị phạt thế, chắc chắn cũng lại phản đối lối giáo dục sỉ nhục này"
Nhân đọc bài viết Phạt học trò quỳ gối trước lớp: sỉ nhục hay "nắn nót khi trồng" cùng nhiều ý kiến bình luận của các bạn đọc, tôi cũng xin có vài lời chia sẻ từ góc nhìn của một người đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi mà khi học cấp 1 thầy giáo - hồi đó hầu như chỉ có thầy chứ không có cô giáo - cũng hay dùng thước đánh vào bàn tay nếu viết chữ xấu, quỳ gối nếu hư hỏng, úp mặt vào tường nếu ngồi nói chuyện riêng.
Tuy nhiên, thời ấy không có hình phạt quỳ gối nếu không thuộc bài, không làm được bài tập mà chỉ bắt đứng cạnh bảng xem bạn giải bài tập.
Cách đây 60 năm rồi, hồi đó nhận thức của trẻ khác xa bây giờ, bị phạt cũng thấy xấu hổ nhưng không thấy nhục như ngày nay. Mỗi thời mỗi khác, không thể áp dụng cái thời mặc quần đùi đi học với thời nay được.
Thời nay học sinh nhận thức rất sâu sắc, các hình phạt trước coi là thường thì nay coi là nhục hình và đã có một số trẻ vì bị cha mẹ, thầy cô sỉ nhục vì học dốt, mà tự tử.
Vậy, giáo dục bây giờ phải khác. Tôi đọc một số bài ủng hộ việc bắt học sinh quỳ, đánh học sinh, tôi tin chắc rằng con các vị đó học giỏi, ngoan không bao giờ bị phạt như thế. Nếu con các vị bị phạt như thế, chắc chắn cũng lại phản đối lối "giáo dục sỉ nhục" này. Hãy tự ngẫm lại mình!" - bạn đọc Trần Hữu Hưng.
Đồng quan điểm với bác Hưng, bạn đọc Tuan cũng cho rằng: " Có bạn thấy biết ơn cô vì ngày xưa viết chữ xấu bị cô đánh tím tay, vậy giờ bạn đánh tím tay con bạn để rèn cho nó viết chữ đẹp không? Con bạn không thuộc bài, bạn có bắt con bạn quỳ như cô giáo từng bắt bạn quỳ không mà bạn cảm thấy biết ơn?
Theo tôi, nếu con bạn chưa biết cách làm sao viết đẹp mà bạn cứ đánh gãy tay thì nó cũng chẳng thể nào viết đẹp; có thể vì cách bạn dạy khiến nó khó hiểu, cách cô dạy khiến trò khó hiểu, mà càng đánh thì nó càng sợ vì nó không hiểu cách để làm vì bạn dạy cái cách không giống cái đầu nó suy nghĩ.
Con người thường có suy nghĩ theo thói quen, ví dụ bạn nói chuyện với thợ xây thì bạn phải tìm cách làm cho người ta tưởng tượng chuyện khác tương tự như chuyện của thợ xây thì người ta dễ hiểu, chứ bạn cứ nói huyên thuyên về những từ chuyên ngành của bạn thì thợ xây nào hiểu được".
Gay gắt hơn, bạn đọc Thang Nguyen cho rằng: "Thứ giáo dục bắt học sinh quỳ trên nền đất ấy là giáo dục bạo lực, giáo dục bất lực, hay đúng hơn là vô giáo dục. Một nền giáo dục bắt học sinh quỳ gối là nền giáo dục tạo ra những thế hệ tận cùng của nhu nhược, tận cùng của bạo lực".
Một góc nhìn khác của bạn đọc Vlog NTD: "Thầy cô xem và nghĩ học sinh như là con cháu. Học sinh xem và nghĩ thầy cô như là cha mẹ. Hãy tôn trọng, gắn kết, thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau giữa tình người với người.
Muốn hiểu được nhau thì phải luôn luôn đặt mình vào vị trí của người đó. Phương pháp dạy hiệu quả và đơn giản nhưng chất lượng đó là: vừa học vừa chơi và vừa chơi vừa học. Ví dụ: trong một bài giảng không nhất thiết là phải giảng cho học sinh hết từ đầu đến cuối mà chỉ cần giảng những chỗ trọng tâm. Vừa dạy vừa lấy ví dụ thực tế và thực tiễn gần gũi nhất trong cuộc sống, có nghĩa là phải tạo được sự tương tác giữa đôi bên.
Làm như vậy thì người giảng bài và người học không cảm thấy sự mệt mỏi, nhàm chán, ít tạo ra áp lực, khoảng cách giữa thầy cô và học sinh, được gần gũi yêu thương nhau hơn.
Còn khi học sinh lười học, không học và làm bài, không nghe lời: lần thứ 1 thầy cô nhắc nhở, động viên và đánh vào tâm lí của học sinh (bản thân, gia đình và xã hội); Lần thứ 2 giáo viên cho điểm kém và sau đó phải tìm hiểu xem hoàn cảnh gia đình của học sinh đó (đừng sợ mất thời gian và tốn kém, vì muốn được thì phải mất);
Lần thứ 3, thầy cô xử phạt bằng cách cho học sinh đó lao động công ích cho lớp học, nhà trường. Đồng hành với xử phạt thì cô phải khen thưởng, không chỉ khen thưởng về điểm số mà còn là tinh thần cố gắng của học sinh, có thể mời phụ huynh đến dự những buổi khen thưởng của học sinh…
Có trải qua gian khó, vấp ngã thì mới thấy và biết được giá trị của hạnh phúc, thành công trong cuộc sống. Sống trên đời này dù không thành công hay thành danh nhưng ít nhất là phải thành nhân. Tất cả chúng ta hãy cùng cố gắng vì lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội!".