Bạo lực gia tăng, vì đâu nên nỗi?

Phải chăng, chính cuộc sống bon chen, bất chấp nhân cách miễn đạt được mục đích của mình diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi đã dần thấm vào máu thịt của không ít người là nguyên nhân của các hành vi bạo lực?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Công luận gần đây rất nóng bởi những clip, những câu chuyện một số người thích sử dụng vũ lực bất chấp phải trái, đạo đức tối thiểu của mỗi con người.

Hành vi nghĩa hiệp của một thanh niên cứu người bị tai nạn giao thông, được người nhà nạn nhân “trả ơn” bằng cú đâm chí mạng – dù có thể là hiểu nhầm đi nữa – đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng một số thanh niên ưa sử dụng bạo lực để … nói chuyện.

Anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, trú tại phố Trẹm, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) giúp đưa cô gái gặp tai nạn giao thông đi viện cấp cứu nhưng bị người nhà cô gái này đâm trọng thương xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành vào ngày 11.2 vừa qua. Dù rằng, bị tai nạn là đau xót, nhưng dư luận không thể chấp nhận được cách hành xử hèn như vậy: Lén đâm sau lưng người đã đưa người nhà mình vào bệnh viện cấp cứu, kể cả đó là người gây tai nạn đi nữa, chứ đừng nói đây là người đã được dư luận ví như Lục Vân Tiên.

Trước đó, từ vụ va quệt giao thông gần đây ở Hà Nội, một số thanh niên sẵn sàng đánh một thương binh bị cụt một chân được tung lên mạng thực sự gây sốc cho dư luận. Sốc bởi lẽ tính chất côn đồ, tính hung hãn của những kẻ đánh người này. Dù công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã khởi tố vụ án nhưng dư luận vẫn không khỏi phẫn nộ và bàng hoàng với cách hành xử của những con người này.

Và ngay trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho biết, trong 7 ngày Tết (từ ngày 26-1 đến 1-2), các bệnh viện trên cả nước tiếp nhận gần 4.500 trường hợp nhập viện do đánh nhau, trong đó 550 trường hợp đã xác định nguyên nhân do rượu bia. Như vậy, có tới gần 90% đánh nhau không phải do ma men điều khiển. Vậy, phải chăng bởi tiềm ẩn trong ý thức của họ là thích dùng bạo lực thay cho nói chuyện? Dù rằng, Tết là dịp mà mỗi người, dù quen hay lạ, dễ sẵn sàng tha thứ cho nhau nhất, vậy mà…hàng nghìn người phải nhập viện vì đánh nhau. Thật đau và đáng để mỗi chúng ta phải suy nghĩ.

“Tháng giêng là tháng ăn chơi”, tháng của các Lễ hội, nhưng cảnh hàng trăm, hàng nghìn người sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để cướp lộc khiến mỗi chúng ta không khỏi thảng thốt, lo ngại. Những truyền thống tốt đẹp của cha ông phần nào bị xóa nhòa, biến tướng bởi những hình ảnh phản cảm này.

Phải chăng, chính cuộc sống bon chen, bất chấp nhân cách miễn đạt được mục đích của mình diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi đã dần thấm vào máu thịt của không ít người là nguyên nhân của các hành vi bạo lực?

Vương Hà