Bảo hộ công dân: Chủ động, Nhanh chóng và Hiệu quả
(Dân trí) - Những ngày qua, đông đảo dư luận không khỏi xúc động khi nhìn thấy cảnh sum họp đoàn viên của các gia đình nạn nhân trong vụ cướp biển Somalia vừa được giải cứu trở về. Đằng sau những giọt nước mắt của 12 người may mắn sống sót từ vòng hiểm nguy đó là nỗ lực, công sức của những công chức ngành Ngoại giao đang làm nhiệm vụ: Bảo hộ công dân!
|
Trợ giúp mọi mặt Trong Luật Quốc tế hiện đại, bảo hộ công dân (BHCD) được hiểu (theo nghĩa hẹp) là việc quốc gia thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân nước mình ở nước ngoài khi các quyền và lợi ích này bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ở nước ngoài đó. Còn theo nghĩa rộng thì BHCD không chỉ là việc quốc gia can thiệp để bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân nước mình ở nước ngoài mà còn bao gồm cả các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà quốc gia dành cho công dân nước mình khi ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại tới công dân của nước này. Trên thực tế, BHCD có thể từ đơn giản như việc ra thông cáo cảnh báo người dân không đi du lịch đến một quốc gia đang có nguy cơ bị tấn công khủng bố hay đang nằm trong vòng dịch bệnh, cho đến các hoạt động phức tạp hơn như sơ tán hàng chục nghìn người lao động đến nơi an toàn hoặc về nước, hoặc giải cứu các ngư dân khỏi tay bọn cướp biển như vụ Somalia nói trên. Đối với Việt Nam (VN), Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài đã khẳng định rõ: “Việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như trong con mắt người VN ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về Người VN ở nước ngoài, hiện có khoảng hơn 4 triệu người VN định cư ở các nước và vùng lãnh thổ. Trong xu thế mở cửa hội nhập, số lượng công dân VN ra nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng và thành phần như: du học, thực tập sinh, lao động, tham quan, du lịch, hội chợ, triển lãm, buôn bán, đầu tư, kết hôn với người nước ngoài, xuất cảnh định cư, hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực… Trong đó, tại nhiều địa bàn, số lượng người Việt tăng nhanh như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, có hàng trăm nghìn phụ nữ VN kết hôn với công dân sở tại; còn tại Australia, hiện có hơn 12 nghìn du học sinh. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có khoảng 500 nghìn lao động VN đi làm việc theo nhiều hình thức ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ… Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời hôm 22/7 khẳng định: “Điều đầu tiên cần biết là tất cả công dân VN ra nước ngoài đều có quyền được bảo hộ, vì vậy, khi xảy ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến pháp lý, an toàn tính mạng, cách đối xử, hành xử… đều được sự bảo hộ của nhà nước VN. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện (CQĐD) của VN ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện quyền đó cho công dân VN”. Hành lang pháp lý Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác bảo hộ công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài, Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế, đáng chú ý là Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự cũng như gần 20 hiệp định lãnh sự, hiệp định kiều dân mà ta đã ký với các nước. Chính phủ đã mở khoảng 100 CQĐD (các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán và Cơ quan Lãnh sự danh dự) ở khắp các châu lục. Với bộ máy này, công tác bảo hộ, giúp đỡ công dân ở nước ngoài đã và chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại các Đại sứ quán ở địa bàn có đông lao động VN như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Qatar, UAE, CH Séc…, đều đã thành lập Ban Quản lý lao động. Bộ Ngoại giao quán triệt công tác BHCD VN ở nước ngoài là một trong những trọng tâm công tác của Bộ và của CQĐD VN ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát ký kết Hiệp định lao động với các nước: Lào năm 1995, Oman năm 2007, Qatar năm 2008, LB Nga năm 2008, Kazakstan năm 2008, UAE năm 2009, Canada năm 2010… Đây là những hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở để bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động VN ở nước ngoài. Về hợp tác quốc tế, để bảo vệ người lao động VN ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VN trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tháng 11/2007, tham gia tích cực các hoạt động tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng như tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này. Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự và di cư quốc tế do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao quản lý (địa chỉ lanhsuvietnam.gov.vn và dicu.gov.vn) cũng đã đi vào hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu cập nhật và chia sẻ thông tin, giúp mọi công dân tiếp cận và có kiến thức cần thiết khiđi nước ngoài đồng thời góp phầnđưa công tác BHCD ngày càng chuyên nghiệp hơn. Thực tiễn đa dạng Quán triệt phương châm “Bảo hộ chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”, thời gian qua, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp Bộ, ngành liên quan trong nước, với CQĐD VN ở nước ngoài giải quyết nhiều vụ việc khác liên quan đến người lao động như: nợ tiền lương; mất việc, bị tai nạn, bị chết trong khi làm việc… nhanh chóng xử lý hiệu quả, đưa người lao động an toàn về nước,như vụ 69 lao động nữ VN tại Malaysia; 40 lao động ở Ekaterinburg (Nga)... Bên cạnh đó, hàng chục thuyền viên đi làm việc theo hợp đồng trên tàu đánh cá của Hàn Quốc, Đài Loan gặp hỏa hoạn, cháy tàu bị chết, bị thương hoặc khi tàu cập cảng một số nước, đã tự ý bỏ hợp đồng, trốn lên bờ ở lại nước ngoài trái phép như một số vụ tàu Joeng Woo 1, 2, 3 ở Uruguay, New Zealand hay vụ tàu Nam Seong 06 của Hàn Quốc bị cháy ở Nhật Bản, v.v… Bộ Ngoại giao đã phối hợp với CQĐD VN ở các nơi liên quan tiến hành xác minh, cấp lại hộ chiếu cho người tiếp tục làm việc, cấp Thông hành cho những người về nước, giúp đỡ những người bị thương chữa trị, cấp cứu tại bệnh viện, đưa thi/di hài người chết về nước… Một trong những hoạt động khác của Bộ Ngoại giao là công tác bảo hộ pháp nhân. Đơn cử việc giải quyết vụ tàu Vinalines Queen bị chìm cùng với 22 thủy thủ. Đây là một tàu hàng có trọng tải lớn, đang vận chuyển 54.400 tấn quặng ni-ken từ Indonesia đến Trung Quốc qua vùng biển ngoài khơi Philippines thì gặp bão lớn cuối tháng 12/2011. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các CQĐD VN tại Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản và Văn phòng KT-VH VN tại Đài Bắc và các CQĐD nước liên quan nói trên và Văn phòng KT-VH Đài Bắc tại Hà Nội, đề nghị phối hợp xác định tình trạng tàu và tìm kiếm các thủy thủ. 25 ngày tìm kiếm được chia thành nhiều đợt; với nhiều phương tiện: máy bay, tàu cứu hộ; nhiều lực lượng: hải quân,lực lượng canh giữ bờ biển, cơ quan cứu nạn hàng hải. Dù mới chỉ tìm thấy thủy thủ Đậu Ngọc Hùng là người sóng sót duy nhất, sau khi được một tàu chở hàng khác của Anh vớt được, nhưng nỗ lực của Bộ Ngoại giao, CQĐD đáng được ghi nhận, bên cạnh các nỗ lực khác của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và một số cơ quan liên quan. 6 tháng đầu năm 2012 có hai đợt áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão xuất hiện ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao đã chủ động triển khai, khẩn trương phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ươngnắm tình hình, kịp thời gửi công hàm cho các Đại sứ quán nước ngoài liên quan tại Hà Nội, chỉ đạo CQĐD VN ở các nước có biển liền kề đề nghị họ cho phép tàu thuyền, ngư dân ta vào vùng biển nước họ tránh trú bão và tiến hành cứu hộ đối với các tàu thuyền, ngư dân bị nạn. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp giúp 776 tàu và 14.196 ngư dân trú, tránh bão an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ, ngành chức năng, Bộ Ngoại giao và CQĐD VN ở nước ngoài tiến hành nhiều hoạt động khác, như: Cấp hộ chiếu, giấy tờ cho hơn 120.000 công dân tạo điều kiện cho việc đi lại, cư trú ở nước ngoài; Phối hợp với cơ quan chức năng các nước giải cứu phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài; Giúp đỡ người lao động khi bị đối xử không công bằng, bị tai nạn, rủi ro; Hỗ trợ các công ty, tổ chức giải quyết tranh chấp thương mại trong quá trình làm ăn, buôn bán với bên nước ngoài v.v... Một số vụ kiện tại tòa án nước ngoài do tranh chấp hợp đồng hay do một số đối tượng người Việt kiện các cơ quan hoặc cá nhân vì liên quan đến cái mà họ gọi là “buôn bán người” cũng đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng. Vấn đề đặt ra Qua thực tiễn công tác, có thể nhận thấy việc bảo hộ đối với người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân hoặc những người tự ý bỏ hợp đồng, ở lại nước ngoài làm việc trái phép, những người bị lừa đảo xuất khẩu lao động sống lang thang ở nước ngoài, phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm, đang là vấn đề nan giải. Do họ không đăng ký công dân với CQĐD VN ở nước ngoài, không ai quản lý, nên khi có tai nạn, rủi ro…, chưa thể khẳng định ngay họ có phải là công dân VN hay không để tiến hành bảo hộ, giúp đỡ. Để có thể giúp đỡ, bảo hộ cho họ, CQĐD cần có một thời gian nhất định để tiến hành xác minh kể từ khi nhận được thông tin. Ngoài ra, phải tìm nguồn tài chính để chi phí và mua vé máy bay đưa họ về nước vì nguồn chi của Quỹ BHCD chủ yếu là trên nguyên tắc tạm ứng hoặc có bảo lãnh, đặt cọc. Theo ông Nguyễn Hữu Tráng, Cục trưởng Cục Lãnh sự, công tác BHCD hiện nay thường diễn ra dồn dập, khẩn trương, đòi hỏi phải xử lý kịp thời và hiệu quả. Như sự kiện đưa trên 10.000 lao động ở Lybia về nước hay tình huống động đất, sóng thần và rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản khiến hàng trăm người VN rơi vào tình cảnh cần được giúp đỡ… Bên cạnh đó, những yếu tố an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều, tác động trực tiếp đến hoạt động BHCD. Như vụ tàu chở hàng và thủy thủ VN bị hải tặc Somalia bắt là sự việc VN chưa có kinh nghiệm do chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, VN cũng phải xử lý nhiều vụ việc liên quan đến các hoạt động di cư bất hợp pháp, buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em có liên quan đến nạn nhân là người VN. Đồng thời với việc tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế, tham gia nhiều hơn vào các thương vụ làm ăn ở bên ngoài, các doanh nghiệp VN cũng phải đối đầu với thực trạng gia tăng các vụ kiện tụng, tranh chấp pháp lý ở tòa án nước ngoài trong khi bản thân doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn thiếu kinh nghiệm và lúng túng trong xử lý. Ngoài ra, tác động của thông tin truyền thông, nhất là báo điện tử và mạng xã hội, một mặt đã kịp thời cung cấp thông tin về tình hình công dân VN ở nước ngoài cũng như về những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn những thông tin chưa qua kiểm chứng, chủ quan, thiên lệch của một vài cơ quan báo chí, gây khó khăn cho công tác BHCD và hoang mang trong dư luận. Với đặc điểm của công tác BHCD, pháp nhân diễn ra thường xuyên, rải ra trên khắp thế giới tại các địa bàn có công dân ta, nên trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục gia tăng cả ở diện rộng và chiều sâu. Các vụ việc tiếp tục tăng, mức độ phức tạp hơn, đòi hỏi phải nâng cao tính chuyên nghiệp và kiện toàn tổ chức bộ máy công tác BHCD. Mặc dù không phải lúc nào cũng có chiến dịch lớn hay khẩn cấp, song đối với công tác này, chỉ một con tàu, một thủy thủ VN bị hải tặc bắt giữ, một công dân VN bị hãm hại ở nước ngoài cũng phải huy động cả bộ máy từ trong nước đến các CQĐD VN ở những nước liên quan, cá biệt cả với các tổ chức quốc tế. Chính vì thế, Cục Lãnh sự đã thành lập Phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài. Đây cũng chính là nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Bình Minh là “xây dựng cơ chế thường trực, phản ứng nhanh, kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp về BHCD”. Nguyên Khôi (Theo báo Thế giới Việt Nam)
|
Bảo hộ ngư dân: Cần tăng cường công tác tuyên truyền
Đó là lời nhắn của Đại sứ Việt Nam tại Philippines, ông Nguyễn Vũ Tú, gửi tới chính quyền các tỉnh ven biển khi ông về nước dự Hội nghị Ngoại giao cuối năm 2011. Theo ông Tú, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo hộ ngư dân, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến ở nhiều cấp để ngư dân hiểu, không lặp lại các việc vi phạm ở vùng biển nước ngoài để tránh lâm vào vòng lao lý.
Từ vụ việc cụ thể
Ông Nguyễn Vũ Tú cho biết, trong năm 2011, có 2 vụ ngư dân ta bị Philippines bắt giữ: tháng 4/2011: 1 tàu và 14 ngư dân tại tỉnh Tawi-tawi; và tháng 5/2011: 7 tàu và 122 ngư dân bị bắt giữ tại Palawan.
Vụ 14 ngư dân và 1 tàu cá có vẻ đơn giản hơn, vì các ngư dân chỉ phạm tội đi vào vùng biển của bạn, nên sau khi Đại sứ quán (ĐSQ) liên hệ với thuyền trưởng nắm tình hình và liên hệ với Văn phòng Phủ Tổng thống Philippines yêu cầu xử lý nhanh trong phạm vi hành chính, trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Tổng thống đã ra lệnh thả các ngư dân về nước.
Vụ 122 ngư dân và 7 tàu cá (bị bắt giữ ngày 30/5/2011) phức tạp hơn, cả về tính chất pháp lý và số lượng ngư dân và tàu thuyền bị bắt giữ. Các ngư dân ta bị khởi kiện trong 11 vụ: 7 vụ vi phạm lãnh hải; 2 vụ liên quan đến ốc nón và 2 vụ liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã. Luật pháp Philippines quy định hình phạt rất nghiêm khắc đối với các tội danh nêu trên, theo đó các tàu cá sẽ bị tịch thu, mỗi chủ tàu bị phạt 100 USD, ngư dân sẽ phải ngồi tù.
Ngay sau khi biết tin, ĐSQ đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng của Philippines, phối hợp với các cơ quan chức năng của VN và cử cán bộ trực tiếp gặp ngư dân để tìm hiểu vụ việc. ĐSQ cũng đã làm việc với Văn phòng Phủ Tổng thống, Tỉnh trưởng Palawan, Văn phòng Công tố Palawan để tìm phương án giải quyết vụ việc nhanh nhất. Qua nhiều trao đổi, hai bên thống nhất phương án giải quyết theo đó: (i) Philippines chỉ truy tố ngư dân ta tội vi phạm vùng biển và rút các hồ sơ tố tụng liên quan đến động vật quý hiếm; (ii) tòa án sẽ tịch thu tàu và giao cho chính quyền quản lý; và (iii) Chính quyền sẽ ra quyết định hành chính thả tàu. ĐSQ còn liên hệ và vận động Văn phòng Luật sư công của tỉnh Palawwan để nhờ giúp đỡ, bào chữa miễn phí cho ngư dân ta. Rút kinh nghiệm từ các vụ tương tự, ĐSQ cũng đã làm giấy xác nhận tình trạng nghèo khó của ngư dân và gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Palawan để họ được miễn khoản nộp phạt.
Quá trình vận động thả tàu cá cũng phức tạp, do chính quyền địa phương muốn tịch thu để răn đe ngư dân ta. Chính quyền Trung ướng Philippines đã thử giải quyết theo hướng tác động để luật sư gửi đơn đề nghị Tòa án xem xét lại quyết định thu tàu và Tòa án sẽ chỉnh sửa bản án. Tuy nhiên, do nguyên tắc tam quyền phân lập trong hệ thống của Philippines cũng như có sự “vênh” giữa Trung ương và địa phương mà giải pháp này không thực hiện được. Chính quyền địa phương kiên quyết yêu cầu phải có lệnh của Tổng thống mới trao trả tàu. Qua nhiều lần vận động, Tổng thống Aquino mới cho phép Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống ký lệnh thả 7 tàu cá. Mặc dù vậy, chính quyền tỉnh Palawwan vẫn nhùng nhằng và chỉ chịu giao tàu khi Phủ Tổng thống điều một luật sư đi Palawan ngày 10/11 và Đại sứ đã phải trực tiếp xuống Palawan ký nhận lại tàu.
Sau 5 tháng rưỡi trải qua quá trình tranh tụng phức tạp gay go, đến ngày 11/11/2011, toàn bộ 7 tàu cá và 122 ngư dân đã trở về nước an toàn. Rất may trong thời gian chờ đợi, Trung tướng Saban, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy miền Tây Philippines, đã nhận lời cưu mang và cung cấp chỗ ở cho tất cả các ngư dân tại một doanh trại quân đội và còn tổ chức khám sức khỏe cho họ.
Đến bài học kinh nghiệm
Sau quá trình “giải cứu” thành công hai vụ việc này để tất cả các ngư dân bị bắt được trả tự do và an toàn về nước, ĐSQ đã rút ra một số bài học như sau:
Thứ nhất, pháp luật Philippines quy định hình phạt rất nghiêm khắc đối với các tội danh liên quan đến xâm phạm vùng biển và đánh bắt động vật quý hiếm, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, hệ thống luật pháp của Philippines và quan hệ tương tác giữa chính phủ và Tòa án là rất phức tạp. Bạn đề cao kỷ cương pháp luật và luôn bảo đảm logic hình thức của pháp luật cho nên dù chiếu cố ta vẫn phải đi qua tất cả các bước của trình tự tố tụng pháp luật.
Thứ ba, quan điểm của chính quyền tỉnh Palawan (hầu hết ngư dân ta đều bị bắt tại đây) khác với quan điểm của chính quyền Trung ương.
Thứ tư, sự hỗ trợ rất tích cực, thiện chí của Chính quyền Trung ương Philippines cũng như Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines trong việc sớm thả ngư dân ta cũng như cưu mang ngư dân trong những ngày chờ đợi để quay về VN.
Để công tác bảo hộ ngư dân được tốt hơn, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cho rằng, về phía CQĐD Ngoại giao hay cán bộ phụ trách lãnh sự nên tìm hiểu thông tin từ phía ngư dân bị bắt giữ, kết hợp với kiểm chứng thông tin từ phía bạn và cơ quan chức năng trong nước; cần hiểu rõ quy định và cơ chế xử lý vấn đề ngư dân, tàu thuyền bị bắt giữ của nước sở tại để phối hợp và vận động có hiệu quả; phải xây dựng và duy trì quan hệ tốt với các cơ quan và cá nhân có vai trò quyết định trong cơ cấu chính quyền nước sở tại; phải tìm hiểu thu thập thông tin, lập danh sách một số người có thể giúp công tác phiên dịch đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan chú trọng năng lực ngoại ngữ và tin học của cán bộ khi cử ra công tác.
Còn về phía các chính quyền các tỉnh ven biển, ông Tú lưu ý việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến ở nhiều cấp để ngư dân hiểu và không lâm vào tình trạng tương tự. Với bà con ngư dân khi tham gia làm ăn tại nước ngoài, ông Tú cho rằng họ cần tìm hiểu về pháp luật nước đó thông qua chính quyền, CQĐD của VN ở nước ngoài đồng thời không nên đánh bắt những loài quý hiếm hoặc dùng hình thức bắt có thể tận diệt các loài sinh vật này hoặc hủy hoại môi trường biển.
Nguyễn Kim
(Theo báo Thế giới Việt Nam)