Bằng cấp vàng thau lẫn lộn - Hệ lụy của đào tạo ảo

(Dân trí) - Vàng thật sợ chi lửa? Rõ là thế rồi, nhưng vấn đề là ở VN mình giá Vàng cao chót vót mà chất lượng còn khiến dân đau đầu nhức óc. Nữa là chuyện Bằng cấp thì bao lâu nay vốn dĩ đã tù mù, vàng thau lẫn lộn, chỉ người trong cuộc mới rõ.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Lý lẽ "trâu ta ăn cỏ đồng ta"

 

Chưa cần tới câu hỏi được tác giả Lê Chân Nhân tung ra qua bài blog “Thạc sĩ đại học Mỹ mà không có nổi IELTS 6.5?”, thì dư luận cũng đã bao lần dậy sóng và đào xới tới tận cùng những ngóc ngách của tình trạng “cả nước có cuộc chạy đua “thi công” bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ. Và để phục vụ cho nhu cầu bằng cấp này, có rất nhiều dịch vụ cung cấp, từ bằng trong nước đến bằng quốc tế” rồi.

 

Tất nhiên ở một đất nước không có truyền thống sử dụng ngoại ngữ như thứ tiếng thứ 2 trong cuộc sống, thì đòi hỏi trình độ tiếng Anh đạt chuẩn kể cả với những người có bằng cấp cao là việc không dễ. Bởi do thiếu điều kiện thực hành, đa số cán bộ công chức của VN dù có học thật mà không hành thì cũng dễ bị rơi rụng mất kiến thức. Hoặc có hành lại chủ yếu qua dịch thuật bằng văn bản, chứ cơ hội giao tiếp không có được bao nhiêu nên khi phải thi cử rất dễ bị lớp trẻ… hạ  đo ván....

 

Chẳng thế mà cũng có những ý kiến viện dẫn thực tế VN để… "nói không" với barie ngoại ngữ:

 

“Tại sao cứ phải là tiếng Anh, trong khi tiếng Việt đang bị ngoại hoá một cách trầm trọng? Học ngoại ngữ nên để tự chọn, có nhu cầu thì học, không có thì thôi. Tại sao không định hướng cho con em làm giàu rồi thuê người nước ngoài làm phiên dịch cho mình? Giáo viên bây giờ đi dạy Toán, Lý, Hoá cũng yêu cầu dạy học sinh bằng tiếng Anh trong khi dạy bằng tiếng Việt nhiều học sinh còn không hiểu. Không khéo sắp tới còn yêu cầu giáo viên đi dạy các môn Văn, Sử, Địa… bằng tiếng Anh cũng nên?” - Ngô Như Long

 

Lam Bao bày tỏ “Đồng ý với bạn Ngô Như Long”,  Hữu Thành cũng chia sẻ nỗi băn khoăn:

 

“Tại sao lại cứ phải bằng tiếng Anh, tiếng Mỹ? Cứ tiếng Việt nhưng đảm bảo được các yếu tố:

 

+ Tính khoa học: Có cơ sở khoa học, được tính toán, nghiên cứu nghiêm túc.

 

+ Tính thực tế: Phải có khả năng áp dụng vào thực tế và mang lại lợi ích cho bản thân, xã hội”.

 

Quynh Anh viện dẫn những cơ sở lý luận có lẽ cũng là của chung nhiều người theo học các chương trình bị cho là “ảo” lâu nay:

 

“Các bạn có vẻ dị ứng với các chương trình kiểu này? Nhưng mình thấy đâu đến nỗi. Cũng có những điểm hay mà, học viên cũng phải bỏ tiền của, công sức ra đấy chứ...”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Từ sính bằng cấp tới đào tạo “ảo”

 

Có cả ngàn lẻ một lý do để biện minh cho cách tư duy… (có thể gọi là) nói không với ngoại ngữ, nhưng dù yêu tiếng Việt bao nhiêu, không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong đời sống cũng như trong mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội… đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học thời hiện đại.

 

“Mù" ngoại ngữ không phải là cái tội, chỉ đơn giản là chưa đáp ứng được yêu cầu trong nhiều loại hình công việc mà từ đó người ta đòi hỏi loại hình bằng cấp. Vậy nên đã là học thật để theo đuổi tấm bằng nào đó có tiêu chí về ngoại ngữ, ta không thể viện bất kỳ lý do gì để bào chữa cho mình được ngoại lệ. Nhưng ở VN mình, điều gì cũng có thể xảy ra kể cả  đào tạo “ảo” như Vinhnd09 chỉ rõ:

 

“Chuyện sính bằng cấp cũng là do quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm còn thiếu tính thực tế tạo ra. Nếu ta bắt đầu quy trình tuyển chọn từ trách nhiệm của người tuyển chọn thì sự việc đâu có đến nỗi. Hãy thay đổi ngay cách tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, giao toàn quyền quản lý và sử dụng nhân sự trong đơn vị cho người đứng đầu, thì không phải lo chất lượng bằng cấp và giảm đáng kể chi phí đào tạo ‘ảo’ đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng như doanh nghiệp Nhà nước”.

 

Đỗ Văn Chuyến soi vấn đề từ góc độ khác:

 

“Những yêu cầu của Bộ GD-ĐT như trên đã nói là quá dễ đối với những ai học thật, nhưng rất khó đối với các "tiến sỹ (thạc sĩ…) giấy". Vậy nên, là cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT, theo tôi Bộ nên thực hiện các quy định trên thật nghiêm và công nhận những ai đã đủ trình độ. Đừng để các vị "học giả" lọt vào các cơ quan nhà nước, rồi rất có thể chính họ lại quay lại chê Bộ không hoàn thành nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo yêu cầu của xã hội?”

 

Truong tiếp tục đặt những câu “hỏi xoáy” về chức năng quản lý khiến tình trạng giáo dục VN bát nháo hơn bao giờ hết để liên tục bị kêu ca, phàn nàn, chê trách….mà rồi đâu vẫn lại hoàn đấy:

 

“Cũng chính vì Bộ GDĐT cấp phép mở trường lớp dễ dãi mà không quản lý nổi. Các tỉnh không có trường đại học mà cũng liên kết mở lớp dạy đại học là chuyện đương nhiên từ trước tới giờ. Đằng này huyện, xã cũng liên kết đào tạo dạy đại học mà cũng được tuốt,  miễn sao đủ chỉ tiêu mở lớp…. Mà cũng thi tuyển sinh đầu vào các lớp tại chức, liên thông chính quy, hoành tráng lắm (!?) Hai năm gần đây, tình trạng mở lớp thạc sỹ ở các tỉnh đúng là nhiều như nấm sau mưa. Không đúng chuyên ngành thì cho học chuyển đổi vài môn rùi cho thi đầu vào, cuối cùng cũng đậu tuốt. Thậm chí có người tiếng Anh không biết 1 chữ bẻ đôi cũng thi đậu. Rồi ra trường cũng không biết mô tê gì tiếng Anh cả, nhưng vẫn được công nhận là thạc sỹ và được chấp nhận. Tôi xin hỏi quý vị, đào tạo cử nhân chuyên ngành tiếng Anh trong nước đi thi lấy chứng chỉ IELTS 6,5 có đạt được không khi  mà gặp người nước ngoài không nói nổi vài câu tiếng Anh?”

 

Hai Cù Lần nhìn gần, ngó xa…:

 

“Giáo dục thường xuyên, trực tiếp (gần) chất lượng đã kém. Nay bao nhiêu loại bằng giáo dục bổ túc, đại học, cao học và cả đào tạo tiến sĩ tại chức… TỪ XA thì hẳn là chất lượng cũng xa vời?”

 

Trần Đức Cường nêu con số tổng kết… sơ bộ:

 

“Bài viết quá chính xác. Nếu các bạn ghé qua các cơ quan nhà nước, hỏi những người trên 30 tuổi mới học bằng MBA - Cử nhân quản trị kinh doanh (Master of Business Administration), có đến 70% là trình độ không đúng với yêu cầu cấp bằng... nhất là bằng liên kết. Hãy khảo sát xem!”

 

Dinh Huu Thanh ca tiếp điệp khúc:

 

“Thật là buồn cho ngành giáo dục nước nhà!”

 

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bằng cấp phản ánh đúng trình độ thật. Nhưng chuyện đơn giản đó cũng thành phức tạp với những ai... có lẽ chẳng còn biết dây thần kinh xấu hổ ở đâu nữa, khi cứ thản nhiên phô trương ra mớ bằng cấp "ảo" của mình để lòe thiên hạ, để chỉ gây hại cho nước, cho dân...???
 

Khánh Tùng