Bàn tiếp về cách phân làn giao thông của Hà Nội
(Dân trí) - Phân làn hợp lý cũng là biện chống ùn tắc giao thông, lẽ ra phải làm ngay từ giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công đường phố. Cụ thể, đường phố được thiết kế cho mấy làn xe chạy? Chọn vạch sơn hay dải phân cách cứng?
Nguồn ảnh: vnexpress.net
Việc phân làn xe của Hà Nội hầu như chưa thực hiện và quản lý theo đúng nền nếp ngay từ đầu. Khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mới quan tâm thực hiện và quản lý phân làn. Trước đây đã thực hiện phân làn trên một số đường và năm nay (2012), Hà Nội lại tiếp tục tuyên truyền phân làn thêm các đường phố: Hoàng Quốc Việt, Yên phụ - Trần Nhật Duật - Trần Khánh Dư và Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông).
Liên hệ cách làm của thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), ta thấy họ thực hiện đúng quy trình, có ý tưởng chủ đạo từ việc thiết kế, thi công và quản lý khai thác để đưa vào nền nếp ngay từ đầu. Thí dụ các đại lộ: Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo… dùng vạch sơn; Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt (thuộc tuyến đường trục hành lang đông-tây TP HCM)… không dùng vạch sơn, mà dùng dải phân cách để tách làn đường xe 2-3 bánh ra khỏi làn đường xe 4 bánh. Trên cơ sở đó, việc tuần lưu kiểm soát, hướng dẫn, cưỡng chế của lực lượng Cảnh sát giao thông TP HCM rất tích cực, nghiêm khắc, nên mọi người điều khiển xe cơ giới không dám đè qua vạch sơn liền nét-đi lộn làn đường.
Trở lại thành phố Hà Nội, thật ra cũng đã phân làn lâu rồi (và được thanh quyết toán kinh phí) từ giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công trên hầu hết các tuyến phố. Song khi khai thác thực tế việc hướng dẫn, cưỡng chế (cho mọi người điều khiển phương tiện giao thông phải đi đúng làn đường) quá lỏng lẻo, là 1 nguyên nhân dẫn đến sự đi lại lộn xộn trên các tuyến đường phố: Xe 2 bánh vô tư đi trên làn đường xe 4 bánh. Và ngược lại (xe 4 bánh ngang nhiên đi vào làn đường xe 2 bánh), gây ra cản trở giao thông ở Thủ đô.
Để khắc phục tình trạng này, lẽ ra cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo kiểm tra hồ sơ dự án, kiểm tra thiết kế, khảo sát hiện trường thi công phần phân làn đường có đầy đủ, hoàn chỉnh, đúng với dự án, thiết kế hay không? Và chấn chỉnh lực lượng chức năng tích cực tuần lưu, hướng dẫn, cưỡng chế cho mọi người điều khiển xe 4 bánh, 2-3 bánh đi đúng làn đường. Mặc dù sẽ có “quan chức” ngụy biện, viện lý do lực lượng chức năng đang “mỏng tanh”, có tích cực cưỡng chế đến mấy cũng chỉ như ném đá ao bèo, làm sao mà ngăn ngừa hết được mọi người lái xe đi lộn làn đường phố. Nhưng thật ra, một khi lực lượng chức năng tích cực thổi còi dừng xe, xử lý phạt thật nghiêm khắc -“trường hợp nào ra trường hợp đấy”; miễn năn nỉ, can thiệp, xin xỏ, bỏ qua đối với người lái xe vi phạm làn đường phố, thì lần sau nhất định người lái xe ấy rất khó tái phạm. Và đặc biệt, sẽ có tác dụng “làm gương” cho cả cộng đồng chấp hành việc phân làn xe khi đi đường. Vì nếu không, sẽ bị cưỡng chế - phạt tiền nặng bất kể lúc nào gặp phải lực lượng tuần tra.
Đáng tiếc là cách phân làn của Hà Nội gần đây cho thấy sự vội vàng, bị động và cách làm rất tạm bợ, đem chôn những chiếc cọc giữa đường và trên đầu cọc gắn biển chỉ dẫn làn đường, còn dưới chân cọc gắn với mấy mẩu dải phân làn đường tạm bợ (ảnh trên đây cho thấy chiếc cọc phân làn bị ô tô đâm), vừa gây cản trở lưu hành xe, không bảo đảm an toàn giao thông; vừa làm mất mỹ quan thủ đô đang tiến lên văn minh hiện đại.
Đã thế, phần dự toán kinh phí chôn cọc… phân làn 8 tuyến đường phố vừa qua lên tới 14,54 tỷ đồng khiến cho dư luận phải đặt câu hỏi về giá thành sao mà cao đến thế. Liệu có xảy ra tình trạng lãng phí và thất thoát vốn đầu tư hay không?
Đành rằng dự toán 14,54 tỷ đồng, bao gồm cả tiền bồi dưỡng cho lực lượng thanh tra giao thông ra đứng đường cũng như Cảnh sát giao thông tuần lưu kiểm soát. Nhưng chỉ là tiền bồi dưỡng thêm, chứ 2 lực lượng này đã được hưởng lương cố định trong biên chế Nhà nước, thì làm gì mà “đội” dự toán lên cao đến như vậy?
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các cấp quản lý có trách nhiệm của thành phố Hà Nội nên kiểm tra thật kỹ việc thanh quyết toán phân làn 8 tuyến đường phố cũng như hiệu quả thực tế của cách phân làn đó, tránh tình trạng “tiền mất, tật vẫn mang”. Trước mắt, nên cho đào - nhổ các cọc phân làn như đã nói ở trên vừa phản tác dụng vừa làm mất mỹ quan thành phố. Cần rút kinh nghiêm việc phân làn trước đây để không mắc lại những sai lầm trong khi triển khai phân làn tiếp tục trong năm nay.
Nguyễn Thành Lập
Hà Nội
LTS Dân trí - Vừa qua, Hà Nội đã tích cực dùng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, trong đó có quy định lại giờ học và làm việc hay phân làn đường… Những biện pháp thực hiện đã ít nhiều phát huy tác dụng nhưng hiệu quả chưa cao và còn những điều bất hợp lý cần điều chỉnh.
Việc phát huy hiệu quả phân làn xe không chỉ phụ thuộc vào cách thức phân làn hợp lý mà còn gắn liền với việc tăng cường lực lượng kiểm tra giám sát giao thông buộc các đối tượng phải đi đúng làn đường dành cho mình.
Mong rằng các cơ quan hữu trách của thành phố Hà Nội lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân như bài viết trên đây đã nêu; nếu thấy điều gì hợp lý thì nên thực hiện, để nâng cao hiệu quả đầu tư tiếp cho kế hoạch phân làn được thực hiện trong năm nay.