Ý kiến chuyên gia

Bàn thêm về vấn đề hậu duệ và trí tuệ

Cái vốn xã hội – capital social hay khả năng huy động những quan hệ xã hội để được hưởng lợi – ở các nước Âu Mỹ cũng có đó chứ

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Các chuyện thế lực gia đình, nhóm lợi ích và mua quyền chạy chức đã ăn nguồn bắt rễ thành một loại bệnh di căn, bây giờ ta ý thức được, dĩ nhiên là một tiến bộ rồi, nhưng cái cần là phải làm sao tìm giải pháp để loại trừ căn bệnh.

Cái vốn xã hội – capital social  hay khả năng huy động những quan hệ xã hội để được hưởng lợi – ở các nước Âu Mỹ cũng có đó chứ. Con cái những gia đình giàu tiền bạc, hay của những gia đình quyền quí, dĩ nhiên là sẽ gặp nhiều thuận lợi cho việc tiến thân. Chúng có nhiều tiền hơn, hưởng gia tài từ cha mẹ thì sẽ có cuộc sống tiện nghi hơn, không phải chật vật đi làm từ lúc mới 16 hay 18 tuổi – tức là sau giáo dục cưỡng bách -. Chúng thừa hưởng những quan hệ vây cánh của gia đình nên có thể sẽ được ưu tiên hơn khi đi ra đời, dễ thăng quan tiến chức. Và dĩ nhiên, với địa vị và tiền bạc của cha mẹ, chúng có thể có được một sự giáo dục gia đình tốt hơn và nhờ đó giá trị bản thân cao hơn.

Tựu chung, đó là một trong những lý thuyết của Pierre Bourdieu và trường phái theo ông (Passeron, Lemel, Delruelle, …).

Hiện tượng này, các xã hội học gia gọi là sự tái tạo xã hội hay sự tái sinh xã hội – la reproduction sociale – Cha nào con nấy. Con cái thừa hưởng, không những cái vốn di truyền sinh học, những gènes từ cha mẹ. Chúng cũng thừa hưởng cái vốn xã hội của cha mẹ nữa.

Nhưng trong sự tái tạo xã hội ở trời Âu ngầm có hiện tượng trí tuệ. Tức là các trẻ ấy nếu có thành công là cũng nhờ vào “trí tuệ” của chúng.

Tại sao? Vì con cái các nhà được ưu đải thường có điều kiện để thành tài. Chúng được đi học ở những trường tốt và được đi học nhiều năm hơn. Chúng theo gương cha mẹ và chúng được xã hội hóa bởi môi trường của gia đình trong đó nề nếp trí tuệ được xem trọng chẳng hạn.

Thứ đến, «luật» về công bằng xã hội là một luật sòng phẳng: giữa hai người trí tuệ ngang nhau, một cá nhân có quan hệ tốt sẽ được ưu đải hơn nhưng không ai được quyền – hay không ai dại đến nỗi – dành chỗ đứng hay bổ nhiệm một người bất tài cho xí nghiệp hay cho cơ quan mình. “Hậu duệ” mà thiếu “trí tuệ” thì không dễ gì được chức tước hay quyền lực đâu !

Hơn nữa, nhiều người trẻ, với lòng tự trọng cao, để thể hiện mình, sẽ từ chối không nhờ vị thế của cha mẹ. Chúng hảnh diện tự “đi lên” bằng tài sức của chúng chứ không nhờ “vây cánh, gửi gắm” của cha hay mẹ

Tình trạng này, Freud đã mô tả từ lâu: cái tên của cha mẹ, cái bóng của cha mẹ nặng cho tâm lý của trẻ, phải «giết», «từ bỏ» cái tên hay cái bóng đó mới trưởng thành được  (= complexe d’Oedipe). Chính một số cá nhân trong giới trẻ từ chối vị trí chỉ là “hậu duệ” để lập nghiệp và …thành nhân ở một chỗ khác, một cách vô danh.

Ngược lại, có những cha mẹ cũng biết tự trọng, không cậy quyền thế của mình để giúp cho các con đi đến thành công bằng những phương tiện không chính thống. Một số cha mẹ cũng từ chối lo cho “hậu duệ”. “Thả” cho con tự bươn chải là cách giáo dục của họ.

Trong Y khoa và Luật khoa, người ta hay dùng chữ conflit d’intérêt – mâu thuẩn hay tranh chấp về quyền lợi – để chỉ những trường hợp mà cái riêng và cái chung có thể …khó dung hòa (việc nhà và việc nước, chuyện tư và chuyện công).

Nếu theo chủ nghĩa «hậu duệ» như ở bên ta thì ông Elio Di Rupo (gốc người Ý, nhập cư) không thể nào lên tới chức Thủ tướng Bỉ, chức vị mà ông đã giữ trong hai nhiệm kỳ !

Nguyễn Huỳnh Mai