Bạn đọc viết

Bạn đọc nghĩ về nghề báo

Cũng như bao nghề, nhưng có lẽ nghề báo, một nghề mà chỉ nói tới thôi, người ta đã có thể nhận ra đó là một nghề không phải là hoa hồng và càng không phải được thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đọc và tìm hiểu nghề làm báo, tôi nhận ra một điều, đúng là một nghề không đơn giản chỉ “cầm bút, cầm máy”, hay với “bàn phím” mà đó là nghề của sự sáng tạo, nghề của niềm đam mê và cống hiến như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”.

Nhất là ngày nay, cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nên để người làm báo trải nó ra trên mặt báo những cái lát cắt ngôn từ, hay lột tả được bản chất sự kiện và định hướng cho dư luận chẳng dễ chút nào.

Hơn thế, không giống như làm báo thời kỳ trước, trong thời đại bùng nổ thông tin, những người làm báo đang chịu sức ép dữ dội từ thông tin trên các mạng xã hội. Đó là sức ép về tốc độ và tính cập nhật của thông tin… mọi cái mới nhất đều có thể nhanh chóng trở thành cái cũ. Mặt khác, trình độ của công chúng không ngừng được nâng cao, đòi hỏi ở người làm báo vừa phải có năng lực nghề nghiệp, vừa phải có tầm hiểu biết rộng về mọi mặt của đời sống xã hội, vừa phải nắm vững quan điểm của Đảng, luật pháp của Nhà nước, sự nhạy bén trước những vấn đề, sự kiện nóng của đời sống xã hội và cuộc sống…

Ngoài sự vất vả, khó nhọc, nghề báo còn phải đối diện với không ít hiểm nguy. Vì đặc thù công việc luôn bảo vệ sự công bằng, đạo lý tốt đẹp nên lắm lúc các nhà báo gặp không ít tình huống cam go. Với tính chất nghề nghiệp của mình, nhà báo ở bất kỳ đâu không ít trường hợp phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, vu khống, tấn công, gây thương tích, trả thù… và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác của các nhà báo. Một con số thống kê mới đây của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết, năm 2014 có 61 nhà báo; 11 nhân viên hỗ trợ cho hoạt động báo chí, như lái xe, biên dịch viên… đã thiệt mạng vì công việc của họ; 19 nhà báo khác đã bị sát hại vì những lý do chưa được xác nhận.

Đúng là một nghề không phải là hoa hồng và càng không phải được thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo.

Thế nên mỗi năm đến ngày 21/6 về, cũng như bao người đọc báo, người yêu báo, tôi càng cảm nhận rõ hơn về nghề công việc “phu chữ” đầy nhọc nhằn mà cũng rất đỗi vinh quang và càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo, càng quý trọng những con người làm báo, yêu cái nghề như người đời thường gọi - nghề “thư ký của thời đại” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc “nét son” làm nên uy tín của báo giới nước nhà.

Nhân ngày báo chí cách mạng, xin được mượn câu “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để gửi tới các nhà báo nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Lời chúc ấy cũng chính là sự kỳ vọng của công chúng, bạn đọc về những nhà báo sẽ tiếp tục “xung trận” để đem lại những tác phẩm báo chí - món ăn tinh thần lành mạnh, có chất lượng cho bạn đọc.

Minh Tư