Bài toán tiết kiệm chi tiêu vì dịch Covid-19
Song song với việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, những giải pháp tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết nhằm tăng tính chủ động đối phó với dịch của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Là nhân viên văn phòng của một hãng thời trang nổi tiếng, chị Nguyễn Hà Anh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc của gia đình tôi; đồng thời cũng giúp tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí thường nhật. Bình thường, tôi và chồng thường di chuyển đến công ty bằng xe riêng. Hơn chục ngày gần đây, để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, cơ quan giao việc cho mọi người làm việc tại nhà nên tôi gần như không bước chân ra khỏi nhà. Làm việc tại nhà, những lúc nghỉ ngơi, tôi cũng tranh thủ lau dọn nhà cửa nên cũng không phải thuê người theo giờ như trước... “Dịch bệnh đòi hỏi mọi người phải tìm cách thích nghi. Với tôi, đây cũng là dịp để mỗi người điều chỉnh thói quen chi tiêu của bản thân và gia đình”, chị Hà Anh chia sẻ thêm.
Cũng liên quan đến việc chi tiêu, anh Nguyễn Duy Quang, nhân viên Công ty cổ phần xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) có cách trao đổi khá dí dỏm: “Từ khi dịch, bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì tôi thấy hình như mình rủng rỉnh hơn”. Anh Quang phân tích, để đề phòng dịch bệnh nên việc tụ tập, ăn nhậu với bạn bè đã gần như chấm dứt; thay vì đến phòng tập gym vừa tốn kém vừa không an toàn, tôi đã tham khảo những bài tập thể dục trên mạng và tự tập tại nhà để tiết kiệm và tăng cường sức khỏe; trừ những trường hợp thực sự cần thiết, còn không thì tôi cũng rất hạn chế ra ngoài nên các chi phí phục vụ cho việc đi lại cùng được tiết kiệm tối đa.
Còn theo chị Trần Thùy Linh ở quận Hà Đông, dịch Covid-19 đã làm chị thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vì đến siêu thị hay ra chợ mua hàng như trước đây, chị Linh đã chuyển sang mua hàng online là chủ yếu. Do các “chợ điện tử” hiện đang có nhiều chính sách khuyến mãi nên việc này vừa giúp chị tiết kiệm tài chính, thời gian vừa bảo đảm an toàn bởi không phải tiếp xúc với quá nhiều người như cách mua hàng truyền thống. Ngoài ra, thời gian nghỉ dịch ở nhà nhiều, chị Linh cùng các con còn trực tiếp chế biến các món ăn cho gia đình tại nhà chứ không mua sẵn thức ăn như trước, “việc này cũng giúp tôi tiết kiệm được khoản kha khá và mọi người trong gia đình cũng cảm thấy gắn bó với nhau nhiều hơn”, chị Trần Thùy Linh nhấn mạnh.
Với góc nhìn của một người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình, chị Phạm Thị Thu ở TP Hòa Bình (Hòa Bình) cho rằng, thực tế dịch Covid-19 đã tạo nhiều áp lực tài chính đối với việc chi tiêu trong gia đình. Thu nhập của hai vợ chồng vốn chỉ có vậy, thậm chí lại còn bị giảm đi do công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi đó, lại phát sinh khá nhiều khoản chi tiêu liên quan đến việc phòng, chống dịch; tăng cường sức đề kháng cho người thân; dự phòng rủi ro về sức khỏe... Do đó, giảm chi phí sinh hoạt, hạn chế chi tiêu chính là giải pháp đầu tiên để có thể chống chọi với dịch Covid-19.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, tâm lý tiết kiệm chi tiêu luôn là hệ quả tất yếu của tình hình dịch bệnh gia tăng. Bởi lẽ, khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì người tiêu dùng sẽ nghĩ nhiều đến việc dự phòng rủi ro; họ sẽ hạn chế những chi tiêu không thực sự cần thiết để bỏ ra một khoản tài chính nhằm sẵn sàng cho các tình huống đột xuất của bản thân và gia đình. Mặt khác, với sự lây lan của dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, du lịch, tụ tập giao lưu đông người... cũng được cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế; nhiều người cũng hạn chế việc mua sắm do ít đi lại, giao lưu; nhiều cửa hàng, khu dịch vụ buộc phải đóng cửa do vắng khách... Đây được coi là cơ hội để người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng và tiết kiệm chi tiêu.
Có thể thấy, diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế, đời sống xã hội cũng như với từng gia đình. Song song với việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, những giải pháp tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết nhằm tăng tính chủ động đối phó với dịch của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đây cũng là “bài toán” đang đặt ra với các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Theo Phan Anh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam