Ba điều chưa đồng thuận trên diễn đàn Quốc hội được bạn đọc quan tâm

(Dân trí) - Ba điều đó là trong cuộc chiến chống tham nhũng, không tịch thu mà chỉ thu thuế phần tài sản bất minh, không điều chỉnh đơn thư tố cáo với cán bộ sai phạm đã nghỉ hưu và áp dụng hình thức tù tại gia


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trong kỳ họp Quốc hội lần này, khi bàn về việc xử lý tài sản bất minh của quan chức, có Đại biểu Quốc hội đề xuất tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc theo quy định của pháp luật về thuế.

Ý kiến đó ít được sự đồng tình của dân. Bạn đọc Duy Thanh cho rằng: Là tài sản bất mimh thì phải tịch thu và truy tố. Có như vậy mới chống được tham nhũng, còn nộp thuế chẳng khác nào khuyến khích cứ tham nhũng đi, nộp thuế % là xong.

Bạn đọc Nguyễn Đình Trai lo ngại: Chỉ đánh thuế 45% tài sản bất minh thì nạn tham nhũng sẽ gia tăng gấp 10 lần như hiện tại. Bạn đọc Đào Quang Hạnh bày tỏ chính kiến: Gọi là tài sản bất minh thì chỉ có tịch thu ,không cần đến tòa án hay thuế má gì hết. Không cẩn thận thì hóa ra pháp luật lại bảo lãnh cho tài sản bất minh, thành tài sản hợp pháp.... Và bạn đọc Phamvandien mong muốn: Cử tri cả nước đang chờ đợi nghị quyết của Quốc hội xử lý tài sản bất minh sắp tới: tịch thu hay đóng thuế? Nói thẳng, tịch thu là hợp lòng dân, còn đóng thuế là vô lý, chỉ phù hợp với lợi ích nhóm. Mong Quốc hội sáng suốt!

Còn thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM) cho rằng, không nên điều chỉnh đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp. Đề xuất này của đại biểu cũng có nhiều bạn đọc không tán thành.

Bạn đọc Nguyễn Hồng An hỏi: Có nghĩa là hạ cánh an toàn? Vậy cứ tham ô cứ làm sai tranh thủ vơ vét lúc sắp nghỉ hưu. Một đề nghị quá không hợp lòng dân.

Bạn đọc Lê Đạt hỏi: Có phải lại muốn hạ cánh an toàn? Có phải đang có ý định lập Vùng cấm trước khi về hưu? Để công bằng xã hội Luật Pháp không cho phép phân biệt đối xử dù bất kỳ đó là ai.

Bạn đọc Toan cũng hỏi: Sao lại cho phép quan chức nghỉ hưu được đứng trên pháp luật?

Bạn đọc Huynh Chung cho rằng: Thế hóa ra phạm pháp, tham nhũng v.v... khi đã ''nghỉ hưu'' là ''xong''... hòa cả làng.

Bạn đọc Hải Yến phân tích: Tham nhũng, hối lộ ... thì về hưu hay đương chức có khác gì đâu ? Về bản chất là như nhau sao lại né pháp luật? Cứ hô hào chống tham nhũng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật cho có phong trào sao? vậy để bọn tham nhũng đều hạ cánh an toàn sao???

Bạn đọc Nguyễn Dân Tiên cũng phân tích: Không có lẽ khi còn đương chức hoặc đến thời kỳ chuyến tàu vét mà cán bộ lộng quyền làm những việc vi phạm pháp luật hay trái quy định rồi cũng thôi à? xin các nhà làm luật đừng để về hưu là hạ cánh an toàn, là mảnh đất dung túng cho một số người lợi dụng, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết! Ý kiến trên của ĐBQH Ngô Tuấn Nghĩa là thiếu thực tế, không đáp ứng được tính cấp bách của nhiệm vụ chống tham nhũng hiện nay cũng như tạo nên sự thiếu công bằng trong chấp hành pháp luật. Xin đừng “vẽ đường cho hươu chạy”.

Còn bạn đọc Nguyễn Dân Tiên gửi gắm suy tư trong mấy câu văn vần: Đã là đại biểu của dân / Tại sao phát biểu chênh vênh thế này/ Khác gì ủng hộ tiếp tay/ Cho bọn tham nhũng, những ngày làm quan / Xa rời tiêu chí đang bàn / Đánh mạnh, đánh trúng, đánh tàn quan tham.

Và bạn đọc Vu Duc Khoi bày tỏ chính kiến: Tôi đồng ý tố cáo có hiệu lực đối với cả cán bộ đã nghỉ hưu. Sự thật về hoàng hôn nhiệm kì là đáng suy nghĩ. Lúc cán bộ còn tại chức, có thể thế lực quá mạnh, quá thâm độc nên chưa dám tố cáo. Tố cáo có hiệu lực đối với cán bộ đã hưu thể hiện trách nhiệm trọn đời của mình đối với những việc mình đã làm. Cơ chế quản lí càng chặt chẽ thì cán bộ càng không dám vì phạm pháp luật.

Và thảo luận về dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia”

Trước ý kiến này của ông Hồ Đức Phớc, bạn đọc Nguyen Hong An băn khoăn: Tường cao cổng kín lính gác trong gác ngoài nó còn vượt trại nhé. với lại cứ vi phạm cứ tham ô xong tù tại gia vậy thì họ tù suốt đời, hay nhỉ?

Bạn đọc Vũ Yên Minh Thọ lo ngại:Lại mở đường cho một hình thức "chạy án" mới?

Bạn đọc Thanh Tuan lo ngại: Tù tại gia sẽ tạo tiền đề xấu cho các quan phạm tội mang tiếng phạm tội ở tù nhưng như ở khách sạn vì các quan rất giàu

Bạn đọc Le Mac Mac cũng lo ngại: Nếu áp dụng tù tại gia thì là cơ hôi tốt cho bọn tham nhũng vơ vét đầy túi về nhà sống với vợ con, sướng nghe.

Bạn đọc Phan Thanh Tuan bức xúc: Quan chức tham nhũng lại được tù tại nhà ??? Lúc đó Việt Nam là thiên đường hối lộ.

Tóm lại, những ý kiến trên của các bạn đọc đã bày tỏ sự chưa đồng thuận với những đề xuất của một số Đại biểu Quốc hội về tài sản bất minh không tịch thu mà chỉ thu thuế %, về không tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu và về hình thức tù tại gia, lo lắng nếu những ý kiến đó trở thành hiện thực thì sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong công cuộc phòng chống tham nhũng đang trên đà quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt hiện nay của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nguyễn Đoàn