Ý kiến chuyên gia

Áp lực học đường : nguyên nhân và giải pháp

Với những thay đổi này, trường học thành "trường học thân thiện với học trò


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Áp lực học đường trên trẻ ở Việt Nam rất lớn, vì những nguyên nhân lịch sử, văn hóa, xã hội.

Lịch sử vì trong quá khứ “Học để làm quan” ăn sâu vào nếp suy nghĩ của dân tình. Ít nhất, học để đổi đời. Rồi đến thế kỷ thứ XX, XXI, nhiều thay đổi đi vào cuộc sống của dân ta, toàn cầu hóa, đô thị hóa, … nhưng giáo dục chậm cập nhật. Ta tiếp tục học để lấy bằng. Trong khi thế giới tiếp cận các trào lưu về khoa tâm lý, khoa thần kinh của sự học, ta vẫn tiếp tục xem học là truyền kiến thức, lấp đầy đầu cho trẻ. Điều đó giải thích những bắt buộc của chương trình, sách giáo khoa, học thêm, …

Xin có một số suy nghĩ về vấn đề này như sau:

Trước nhất, đi học là một quyền

Tất cả trẻ em đều có quyền được đi học. “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” – ngọc mà không mài thì không tỏa sáng, người không học thì không biết lý lẽ ở đời. Con người là một con vật sống trong xã hội, và để có thể sống trong xã hội, ngày xưa, các bậc cao lão truyền hiểu biết kinh nghiệm cho trẻ. Ngày nay xã hội giao cho trường học, ít nhất, là dạy trẻ một số vốn liếng cơ sở để làm người.

Quyền được đi học là như thế.

Nhưng đi học không có nghĩa là phải vào khuôn mẫu mà xã hội định đoạt. Trẻ có quyền được đi học trong sự tôn trọng bản thể của chúng, quyền của một người tự do, được kính trọng – như chúng được dạy để kính trọng người khác.

Học để làm gì ?

Học là để trẻ có thể giải mã môi trường sống, để sống tự do chứ không lệ thuộc người khác, để có thể suy nghĩ, quyết định với những ý thức cần thiết để có thể lựa chọn con đường mình đi. Trẻ có quyền chọn cách học, học chậm hay học nhanh, học với bạn hay với thầy. Trường học ở đó để đưa ra một số giải pháp thích hợp nhất đối với đặc thù của lớp, của trường, của nhóm học trò… Chương trình học phải được dự trù với những khả năng uyển chuyển thay đổi tùy đối tượng… Để trẻ có thể phát triển, thành người.

Học thế nào ?

Dạy tùy theo trò, lấy trò làm trung tâm, dạy trò cách học, … là đường hướng giáo dục của hơn nửa thế kỷ nay, ít nhất là ở các nước phương Tây.

Bên ta hiện đang bàn đến dạy tích hợp đa môn và liên môn, tức là ta cũng chú tâm đến các phương thức sư phạm…

Học thế nào thì có nhiều trường phái.

Tựu chung, các nhà giáo dục bàn đến những kỷ thuật sư phạm tích cực, đến quyền của người đi học, đến những liên hệ sánh vai gần như đồng hàng giữa thầy và trò.

Thầy hết là người truyền kiến thức. Thầy chỉ dẫn lối cho trò cách học hay là người tổ chức cho trò học. Thầy quan tâm đến nhu cầu của trò và tận lực khuyến khích sự sáng tạo của chúng. Trường dần dần bỏ chấm điểm xếp hạng và thay vào, ít nhất là một phần, khả năng tự đánh giá của trò.

Họ, những nhà giáo dục, cũng nhắc một số nguyên tắc căn bản của tâm lý giáo dục học:

. Trẻ chỉ học những gì có ý nghĩa với chúng. Nếu bắt chúng học những điều khác mà chúng không hiểu hay không thích là … nhồi sọ chứ không còn là học. Chúng sẽ quên rất nhanh những kiến thức hấp thụ bởi cách này.

Có ý nghĩa khác với thực dụng. Một điều xa vời cũng có thể thành gần gũi với trẻ khi giáo viên biết minh họa.

. Trẻ cần vào cuộc, thành diễn viên của chính sự học của mình chứ không thụ động nghe thầy. Những phương pháp sư phạm tích cực hiệu quả hơn là vì thế. Trẻ cần kiến trúc cái hiểu biết mà cháu phải hấp thụ, biết phá vỡ tổng thể để ghép trở lại theo tuần tự mà cháu nắm được, kiến trúc riêng của cháu.

. Trẻ cần chú ý mới học được nhưng không phải chỉ ra lệnh là chú ý của trẻ sẽ được tập trung. Giáo viên cần dùng đủ loại « kế » sư phạm để động viên và làm cho trẻ chú ý đến bài học – xin nhắc lại chú ý có giới hạn là 15 phút mỗi lần.

. Kiến thức đã hấp thụ cần được thực hành, bổ sung, nhắc lại thường xuyên để làm cho sự hấp thụ thành vững chắc – lập đi lập lại là phương thức giáo dục cổ điển nhưng chưa lỗi thời – bài tập ứng dụng, thí nghiệm, đi thực tiển, … là vài ba phương thức thường dùng.

. Trẻ phải ngủ đủ để có sức mà học – đúng ra là để “kiên cố hóa” trí nhớ. Giấc ngủ như một điều kiện tối cần thiết của sự học.

Áp dụng hết bốn năm điều nói trên thì việc học sẽ thành “nhẹ nhàng” hơn cho trẻ, bớt áp lực hay quá tải.

Khái niệm “con ngoan”, “trò giỏi”

Giỏi” và “ngoan” là hai tĩnh từ dùng cho một trẻ biết hấp thụ hoàn toàn – ở đây là hấp thụ chứ không phải là tiếp cận – những tri thức mà nhà trường truyền cho, những nguyên tắc luật lệ mà gia đình rèn dạy chúng.

Hấp thụ, tiếp thu, nằm lòng,… là những công việc mà gia đình và trường học chờ đợi ở trẻ. Để đạt đến mục tiêu ấy, các hệ thống quyền lực ở trường, ở nhà, được tổ chức và áp dụng: quyền của cha mẹ, quyền của thầy, kỷ luật, nếp nhà, …

Kết quả là trẻ bị lệ thuộc vào hệ thống thưởng phạt và chế tài của trường học và của gia đình. Học sinh tiên tiến, con hiếu thảo, … một bên, để vinh danh những cá nhân biết tuân thủ. Còn bên kia là những hình phạt, kể cả việc xâm phạm vẹn tròn thân thể của trẻ, khi chúng đi … lệch – mà đúng chuẩn hay lệch chuẩn đều do …người lớn quyết định.

Giáo dục thành một cách đổ vừa khuôn – đòi hỏi trẻ phải hoàn toàn thích ứng với luật và lệ, những “mẫu” của xã hội.

Giỏi” và “ngoan” dưới góc nhìn tâm thần học

Có người nói: “ảnh hưởng sự gò ép vào khuôn khổ của học đường chỉ được phát hiện rất trể – có khi cả ba mươi năm sau – trên cái ghế dài của nhà phân tâm học”.

Đó là một cách khôi hài, nhưng không xa thực tế.

Một trò bị xem như “đèn đỏ của lớp” – vì em học kém – hay bị mệnh danh là “rùa” – vì em làm bài chậm – , … tức là không “giỏi” trong mắt thầy, cái ám ảnh này sẽ theo trò ấy suốt đời: mất tự tin, không dám lập nghiệp, mặc cảm tự ti, …

Ngay đến trong gia đình, nhiều trẻ được giáo dục với đầy cấm kỵ : không được làm điều này, không được nói điều kia, … Lắm khi trẻ “ngoan” vì không có lựa chọn nào khác.

Và những “đè nén”, “khó thở” trong gia đình có thể là nguyên nhân cho những khó khăn mà chúng gặp phải trên đường đời khi trưởng thành sau này. Thí dụ điển hình là sự tự giới hạn trong sự nghiệp (vì cá nhân ấy vốn… cần có sếp để vâng lời!).

Đó là chưa nói đến những cách “trốn luật” hay “thoát luật” mà trẻ nào cũng có thể sáng chế để chống lại sự áp đảo, đè nén, khó thở, … của kỷ luật trong gia đình hay ở trường – bạo lực của giới trẻ, tự tử của người trẻ, đi hoang hay phạm tội lúc còn vị thành niên, … là ngôn ngữ của những phản ứng thuộc vào loại này.

Trái với khái niệm “con ngoan” “trò giỏi”, nhiều nhà giáo dục chủ trương cần tôn trọng bản thể của trẻ, cần giúp trẻ tự khẳng định mình và sớm thành tự lập.

Kết luận: Quyền của trẻ và quyền của người đi học

Ngắn gọn, năm điều cần nhắc lại:

. Giữa thế kỷ thứ XX, Philippe Perrenoud, rồi Jean Thérer, bàn về quyền của người đi học.

. Bàn bạc qua các lý thuyết giáo dục hiện nay, một khái niệm nổi bật: trao quyền cho trò – trò đóng vai tích cực chủ động trong quá trình học, trong tiếp cận tri thức, trò làm chủ tri thức để phát triển, để khẳng định bản thể của mình.

. Đánh giá ở trường thành đánh giá – đào tạo chứ không còn là đánh giá – chế tài.

. Công ước quốc tế “Quyền của trẻ em” cũng chào đời vào năm 1989, Việt Nam là nước thứ nhì phê chuẩn công ước này.

Dĩ nhiên, công ước này chỉ bàn đến những điều rất tổng quát, nhưng ít nhất văn bản này chính thức thừa nhận sự hiện hữu của trẻ như những cá thể độc lập với gia đình.

. Đồng thời, tâm lý học nhi đồng, Y khoa và nhất là Thần kinh học về sự học đã tiến triển rất nhiều và cho ta thấy những tác hại có thể của những cách giáo dục trẻ đầy áp đặt.

Chỉ với những thay đổi nhỏ về triết lý, về sư phạm thì việc học ở trường có thể thích hợp với trẻ hơn. Một mặt chúng bớt bị áp lực. Mặt khác, ta sẽ đào tạo được những thế hệ tương lai tự tin tiến bước trên đường đời.

Với những thay đổi này, trường học thành "trường học thân thiện với học trò"

Nguyễn Huỳnh Mai