“Ăn” bẩn giữa đại dịch, họ có còn tính người?
(Dân trí) - Giữa đại dịch, có những đối tượng thuộc tuyến đầu chống dịch lại đi “ăn” bẩn và những dấu hiệu tiêu cực trong việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo khiến dư luận dậy sóng, phẫn nộ.
Thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch Covid – 19 thực sự quá sốc với dư luận.
Vẫn biết rằng việc “phết phẩy” trong mua sắm trang thiết bị của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước không còn xa lạ gì với dư luận, nhưng giữa lúc cả xã hội đang căng mình để phòng chống đại dịch Covid -19, những đối tượng có nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch lại ăn vênh giá gấp đôi hoặc gần gấp 3, khiến dư luận bức xúc. Ai cũng thấy đây là cách kiếm tiền bẩn nhất vì không còn chút tính người.
Theo những thông tin ban đầu, đối tượng Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, cùng thuộc cấp và một số Cty liên quan thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Cả 7 đối tượng cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 10 -20 năm tù) cho thấy mức độ trầm trọng của vụ án.
Sau vụ án trên, bắt đầu lộ diện những dấu hiệu tâng giá tại một loạt đơn vị có cùng nhiệm vụ ở một số tỉnh khác. Họ đã “”ăn không từ thứ gì”.
Vụ án này diễn ra khi, nhiều người đang tính ăn từng bữa, hàng nghìn doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản, Chính phủ đưa ra khoản 62.000 tỉ để hỗ trợ doanh nghiệp, những người yếu thế, dù ngân khố nhà nước không hề dư dả gì, đang phải đắn đo dừng những dự án chưa cần thiết để dành tiền cho những dự án cấp bách. Trong đại dịch này, dù còn khó khăn, nhưng khá nhiều doanh nhân, những cá nhân hảo tâm, tùy vào sức của mình để giúp đỡ những người yếu thế có cái ăn trong những ngày mà mọi hoạt động gần như ngưng trệ. Trong đó, có cả các cụ dùng số tiền dành dụm phòng cho tuổi già để làm từ thiện. Ôi những tấm lòng, quý giá vô cùng.
Vì thế, những con người “ăn không từ thứ gì” nói trên đã lao xuống tận cùng của sự tha hóa đạo đức.
Và trong đại dịch này, dư luận cũng không thể chấp nhận được những dấu hiệu tiêu cực khá rõ trong vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ. Dù có lý luận kiểu gì đi nữa, như kiểu đây là thiết bị tự động, con người không tác động vào, vẫn cho thấy những dấu hiệu tiêu cực khá rõ. Nhằm minh bạch thông tin, Bộ Tài Chính phải yêu cầu Bộ Công an vào cuộc để làm rõ có tiêu cực hay không của thuộc cấp - Tổng Cục Hải quan.
Cũng trong vụ mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo, dư luận phát hiện ra những góc khuất khác.
Đó là, gạo nếp không thuộc diện đảm bảo an ninh lương thực nhưng Bộ Công thương vẫn có công văn hỏi Bộ NNPTNT: Gạo nếp có thuộc diện đảm bảo an ninh lương thực không? Dù đây là công văn hỏa tốc, nhưng điều đó cũng không khỏa lấp được sự thật: Làm chậm trễ thời điểm vàng xuất khẩu gạo nếp. Nói nhẹ nhàng nhất, đó là thiếu trách nhiệm của những người có trọng trách.
Hoặc như những doanh nghiệp đã trúng thầu mua gạo dự trữ quốc gia, nhưng sau đó đã “xù” không đến ký hợp đồng nhưng lại vẫn mở được tờ khai để xuất khẩu gạo?! Trong khi đó, những doanh nghiệp có sẵn hàng nghìn tấn gạo nằm ở tàu chờ xuất cảng đã lâu nhưng lại không mở được tờ khai...
Điều cần nói rõ, các cơ quan chức năng thừa sức lập hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng nêu trên, nhưng câu hỏi cần đặt ra: Vì sao họ không làm điều dư sức làm để ngăn chặn tiêu cực?
Hậu quả là: Kho gạo dự trữ quốc gia vẫn bị rỗng; nhiều DN tốn tiền nằm lưu kho bãi, tiền bến bãi khi tàu nằm chết dí ở cảng; Nhiều DN lỡ trớn thời gian thực hiện hợp đồng với đối tác vì không mở được tờ khai, hoặc ngược lại có những DN có tờ khai nhưng chưa chắc đã có gạo, lúc đó mới đi tìm nguồn, nếu không họ có thể bán tờ khai kiếm lời trái pháp luật...
Đến hôm nay, mọi việc tương đối rõ, xuất khẩu gạo được trở lại bình thường. Nhưng chúng ta đã lỡ nhịp xuất khi giá gạo đang rất tốt, mà thiệt hại ngay vào túi tiền của bà con nông dân – những đối tượng luôn vất vả nhất nhưng thu nhập thấp nhất và luôn bấp bênh bởi sự đỏng đảnh của thời tiết và thị trường thế giới.
Không, không thể để tình trạng như vậy được nữa. Cũng không thể để những đối tượng để xảy ra những tiêu cực như vậy được tại vị, nếu cần, tống họ vào “lò” đang rực cháy của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Vương Hà