35 năm chỉ có hơn 400km đường cao tốc, các đường khác thì sao?
Trung Quốc 3 năm qua chỉ một tỉnh Vân Nam làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới nhưng mới có hơn 400km.
Trung Quốc 3 năm qua chỉ một tỉnh Vân Nam làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới nhưng mới có hơn 400km. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến như vậy tại phiên thảo luận ở tổ, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, diễn ra ngày 9.6.
Một sự so sánh quá cụ thể và quá chua chát.
35 năm qua chúng ta chưa làm nổi con đường cao tốc Bắc Nam thì làm sao phát triển kinh tế, làm sao dân có thể giàu, nước có thể mạnh được. Bởi vì, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng phân tích, việc triển khai dự án cao tốc Bắc Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi; góp phần kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch.
Nhưng đâu chỉ có tụt hậu hạ tầng đường bộ, từ ngày thống nhất đất nước đến nay, đoàn tàu Bắc - Nam vẫn “đủng đỉnh” như năm xưa, vẫn những toa tàu nhếch nhác, vẫn những dịch vụ mang mùi vị bao cấp. Bao nhiêu hàng hóa thay vì vận chuyển bằng đường sắt thì tạo sức ép lên đường bộ, những con đường “thênh thang 8 thước” không đủ sức gánh vác, nền kinh tế không bứt phá lên được vì một hạ tầng giao thông quá yếu lạc hậu.
Không có đường cao tốc, đất nước mất lợi thế phát triển kinh tế thì đã rõ, nhưng còn một thiệt hại vô cùng lớn khác, đó là tai nạn giao thông do đường hẹp, đường hư hỏng, đường hỗn hợp nhiều loại phương tiện giao thông, đường hai chiều đối đầu.
Không chỉ đường sắt mà bao nhiêu năm không có nổi một đội tàu khai thác 3.200km bờ biển của quốc gia. Các “đại danh” Vinashin, Vinalines chỉ là những tên tuổi đốt tiền, làm cho đất nước suy kiệt. Đến nay, hậu quả của các tập đoàn này để lại chưa thể xử lý hết và vùng biển Việt Nam chủ yếu là những con tàu đánh cá của ngư dân hoạt động, phí phạm tài nguyên vô cùng.
Hàng không khá nhất, là do các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư các hãng hàng không. Nhưng hạ tầng hàng không vẫn không đuổi kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế tư nhân liên quan đến lĩnh vực này. Nhiều hãng máy bay, đội tàu tăng nhanh, nhưng cảng Tân Sơn Nhất không đủ sức để tải một lượng hành khách qua cảng hằng năm.
Giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, những tuyên bố ồn ào đó cứ ồn ào nhiều năm, vẫn chưa có được một bộ mặt cảng Tân Sơn Nhất mới mẻ, Long Thành cũng chỉ là một sân bay mô hình, chưa có dấu hiệu của một ngày khởi công.
Phải nói thẳng băng những sự thực như thế, để chúng ta còn phải hành động ngay.
Theo Lê Thanh Phong
Báo Lao động