80% số người phải di cư do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu là phụ nữ

(Dân trí) - Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), 80% số người phải di cư do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH) là phụ nữ.

Bà Verona Collantes, đầu mối về BĐKH của Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN Women), cho biết: “Hiện nay, có những vai trò nhất định được gán cho đàn ông và những vai trò nhất định được gán cho phụ nữ. Nhất là ở các nước đang phát triển, phụ nữ đa phần là người chăm sóc gia đình.”

Công việc của phụ nữ trong xã hội thường bao gồm việc chuẩn bị thực phẩm, trồng trọt, lấy nước––những hoạt động dễ dàng bị gián đoạn khi lũ lụt xảy ra. Đây là lý do vì sao phụ nữ là người phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề nhất.

Trớ trêu thay, hiện nay phụ nữ vẫn chưa thật sự có vai trò lãnh đạo trong việc phòng chống và ứng phó với BĐKH, ở cấp địa phương, quốc gia cũng như quốc tế.

Nhận thấy sự thiếu sót này, tại cuộc họp thứ 23 về BĐKH của LHQ (COP23), các quốc gia thành viên đã thông qua Kế hoạch Hành động vì Bình Đẳng Giới (Gender Action Plan), nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định quan trọng về BĐKH.

Bà Patricia Espinosa, tổng thư ký UNFCCC cho biết, “Tôi có kế hoạch đẩy mạnh phong trào bình đẳng giới trong ban thư ký của UNFCCC và khuyến khích các đoàn đại diện quốc gia xem xét việc làm sao bản thân họ cũng có thể làm được điều này.”

Tuy nhiên, một năm sau tại COP24, vẫn chưa có mấy thay đổi. Phái đoàn đàm phán của 8 quốc gia trong đó có Pakistan và Barbados hoàn toàn vắng bóng phụ nữ. Nhìn chung, phụ nữ chỉ chiếm 37% tổng số đại biểu tham dự hội nghị, giảm 1% so với COP23.

Nhiều diễn đàn tại COP24 chỉ có một hoặc không hề có diễn giả nữ.
Nhiều diễn đàn tại COP24 chỉ có một hoặc không hề có diễn giả nữ.

Nhiều diễn đàn tại COP24 chỉ có một hoặc không hề có diễn giả nữ.Nhiều diễn đàn quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và tài chính không hề có diễn giả nữ.

Bà Collantes nhận định, “Ngay từ trong môi trường học đường, phụ nữ đã không được khuyến khích theo đuổi những lĩnh vực như nghiên cứu về khoa học, môi trường, BĐKH.” Đó là lý do khi các tổ chức tìm chuyên gia để ngồi diễn đàn, khó tìm được chuyên gia nữ đủ kỹ năng.

Tuy nhiên, bà Collantes tin rằng LHQ đã nhận định và đang khắc phục vấn đề này với Kế hoạch Hành động vì Bình Đẳng Giới. Ban thư ký “có cố gắng nhưng quá trình rất chậm,” bà nói.

Riêng các chi nhánh của UN Women tại từng quốc gia đã và đang làm việc để đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong phong trào ứng phó BĐKH, với mục tiêu làm sao thay đổi tình trạng phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi BĐKH.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 trên thế giới về mức độ nghiêm trọng của thiên tai do BĐKH, dựa theo đánh giá mới nhất được công bố tại COP24.

Tại Việt Nam, UN Women đã làm việc với người dân huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt do vị trí địa lý nằm sát bờ sông Kiên Giang. Bắt đầu từ năm 2013, UN Women đã cộng tác với hội phụ nữ địa phương để giáo dục hơn 5000 người dân, đặc biệt là phụ nữ, về việc ứng phó với thiên tai.

Chương trình ở Lệ Thuỷ đã trở thành một trong những tấm gương sáng để UN Women áp dụng cho các quốc gia khác. Nhìn lại quá trình xây dựng và triển khai dự án, bà Collantes nói, “Trong quá trình quan sát và nghiên cứu (tại Lệ Thuỷ), chúng tôi phát hiện ra rằng phụ nữ không nhận được thông tin đầy đủ khi thảm họa xảy ra. Thông tin thường được phổ biến qua đài phát thanh, nhưng nhiều phụ nữ không có thời gian để nghe tin tức vì họ bận phải chăm sóc con.”

Nhận ra được sự thật này, UN Women bắt đầu phổ biến thông tin qua hội phụ nữ để tiếp cận được nhiều người hơn. “Đây là một câu chuyện đơn giản đến mức nhiều người có thể dễ dàng bỏ qua,” bà Collantes nói. “Nhưng chính vì chúng tôi có thêm bước hợp tác với hội phụ nữ mà thông tin đến được nơi nó cần đến, và nhiều gia đình đã không thiệt mạng khi lũ quét.”

Từ kinh nghiệm với chương trình tại Việt Nam cũng như một số nước khác mà UN Women đã tổng hợp được một tài liệu hướng dẫn về việc làm thế nào để phát triển một dự án thích ứng BĐKH đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của hai giới.

“Tài liệu bao gồm tất cả mọi thứ từ việc xây dựng đến việc theo dõi và đáng giá dự án,” bà Collantes nói.

Bà cũng giải thích thêm rằng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong các chương trình ứng phó BĐKH, không chỉ cần sự hiện diện cân bằng nam-nữ 50/50. “Điều quan trọng hơn đó là đàn ông phải nhận thức được những khó khăn đặc biệt của phụ nữ cũng như tầm quan trọng của việc bình đẳng giới,” bà nhận định. “Chúng tôi không muốn 50% thế giới luôn phải đấu tranh cho quyền lợi của mình.”

Bà Verona Collantes.
Bà Verona Collantes.
Quầy UN Women tại COP24 giới thiệu chương tình ứng phó BĐKH tại Lệ Thuỷ.
Quầy UN Women tại COP24 giới thiệu chương tình ứng phó BĐKH tại Lệ Thuỷ.

Mai Hoàng