Từ chối 40 tỉ đồng đền bù, quyết giữ đất trồng rau... giữa sân bay đông đúc

Nhân Hà

(Dân trí) - Sống giữa một sân bay lớn bậc nhất không hề đơn giản bởi luôn bị chói tai vì âm thanh cất cánh và hạ cánh của máy bay. Vậy nhưng một gia đình nông dân Nhật Bản lại chỉ muốn sống ở đó.

Từ chối 40 tỉ đồng đền bù, quyết giữ đất trồng rau... giữa sân bay đông đúc - 1

Gia đình ông Takao Shito đã trồng rau trên mảnh đất này hơn 100 năm qua. Ông nội, bố của ông Takao đều là nông dân và giờ ông cũng vậy, chỉ khác chút ít là sử dụng phương pháp canh tác hiện đại hơn.

Trước khi nằm lọt thỏm giữa sân bay lớn thứ 2 ở Nhật Bản, trang trại của ông Shito nằm trong 1 ngôi làng có khoảng 30 hộ gia đình.

Hiện máy bay lên xuống 24 tiếng mỗi ngày và cách duy nhất để đi ra vào trang trại là đi xuyên qua các đường hầm dưới lòng đất. Hầu hết mọi người đều đã rời đi khi có chính sách đền bù để làm sân bay nhưng ông Takao Shito thì không.

Ông quyết giữ lại trang trại trong suốt 2 thập kỷ qua và từ chối khoản đền bù lên tới 1,7 triệu đô la Mỹ (khoảng 40 tỉ VNĐ) cho mảnh đất của mình.

Trang trại của ông Takao Shito hiện trồng rau hữu cơ, cung cấp sản phẩm cho khoảng 400 khách hàng. Và đại dịch Covid chẳng hề làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông Takao, thậm chí cuộc sống thanh bình hơn nhờ bớt tiếng ồn và không khí trong lành do có ít chuyến bay hoạt động.

Từ chối 40 tỉ đồng đền bù, quyết giữ đất trồng rau... giữa sân bay đông đúc - 2

“Đây là mảnh đất mà đã có 3 thế hệ canh tác trong gần 1 thế kỷ qua, từ ông tôi, bố tôi và giờ là tôi. Tôi muốn tiếp tục sống ở đây”, Shito nói trên AFP.

Cha của ông Takao, cụ Toichi, là một trong những nông dân tích cực nhất trong việc phản đối kế hoạch mở rộng sân bay Narita của chính phủ những năm 1970. Hầu hết những nông dân khác trong vùng đã chấp nhận đền bù tài chính nhưng cụ Toichi Shito thì không. Khi ông nội của Takao qua đời ở tuổi 84, cụ Toichi đã nghỉ việc kinh doanh nhà hàng và trở về trang trại và quyết giữ mảnh đất này.

Takao Shito hiện đã 64 tuổi và vẫn đang tiếp tục đấu tranh để giữ lại mảnh đất này. Cuộc đấu tranh của ông đã trở thành biểu tượng của quyền công dân với sự hỗ trợ của hàng trăm tình nguyện viên và các nhà hoạt động môi trường.

Sân bay Narita Airport là sân bay quốc tế chính ở Tokyo và hàng năm đón 40 triệu hành khách với 250 ngàn chuyến bay mỗi năm.