Vùng Tây Bắc: Tỉ lệ hộ nghèo giảm 3% so với năm 2013
(Dân trí) - “Năm 2014, vùng Tây Bắc tăng trưởng bình quân 8,14%, thu ngân sách tăng 30% so với năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 3%... Tuy nhiên, các thành phần kinh tế còn chưa vững chắc, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn lúng túng, chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế”.
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tại Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện chính sách xuất khẩu lao động, dạy nghề và giảm nghèo tại các huyện nghèo, chương trình do Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 19/1 tại Lào Cai.
Biểu dương một số nhiệm vụ đã triển khai thành công, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vùng đạt trên 25.900 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2013; thu nhập bình quân đạt 24.700.000 đồng/người/năm, tăng 2.600.000 đồng so với năm 2013, quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới được giữ vững.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, tỉ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm xuống khoảng 18,5 % (giảm hơn 3% so với năm 2013) và tỉ lệ hộ nghèo bình quân ở các huyện nghèo giảm xuống còn khoảng 32% (giảm hơn 5% so với năm 2013), đạt mục tiêu đề ra.
Toàn vùng đã tuyển sinh đào tạo cho hơn 276.000 người, tăng 4,9% so với năm 2013, bằng 13,7% tổng số người được học nghề trong cả nước; công tác tuyển sinh được hơn 151.000 lao động nông thôn học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, bằng 23,1% tổng số lao động nông thôn học nghề trong cả nước.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại trong công tác giảm nghèo và đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho người dân vùng Tây Bắc.
Sau 5 năm triển khai, công tác Hỗ trợ các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động theo Đề án 71 mới giúp được khoảng 9.500 lao động đi xuất khẩu lao động. Kết quả này chỉ đạt 30% so với mục tiêu đề ra.
Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, Cục Quản lý lao động ngoài nước - đơn vị được giao tổ chức thực hiện Đề án 71 chưa làm tốt công tác điều hành, việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp và địa phương. Tỉ lệ lao động không đáp ứng được sức khỏe để tham gia xuất khẩu lao động còn cao, việc chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp xung làm cho tỉ lệ lao động bỏ dở chương trình đào tạo cao.
Khu vực miền núi có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, mật độ dân cư thấp, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn của một bộ phân dân cư chưa cao.
Về các chính sách, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan về giảm nghèo đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân như học nghề, việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục…nhưng một bộ phận người dân trong khu vực còn chưa tự ý thức vươn lên thoát nghèo và còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa đồng bộ với quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.
Trên cơ sở triển khai công tác hỗ trợ hộ nghèo, xuất khẩu lao động và dạy nghề của vùng Tây Bắc thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần tăng cường bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và năm tình hình kịp thời tham mưu đề xuất những cơ chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của vùng.
Đặc biệt, các bộ ngành cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, đề xuất những giải pháp với Đảng và Nhà nước, Chính phủ để nhằm đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành của trung ương trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các cơ quan chức năng cần rà soát công tác hỗ trợ hộ nghèo tránh tình trạng ỷ lại, không muốn thoát diện nghèo để được hưởng hỗ trợ; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động dạy nghề kết hợp với khuyến nông, khuyến lâm.
Vùng Tây Bắc theo địa bàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh miền núi phía Bắc và 21 huyện phía tây của Thanh Hóa và Nghệ An. Tổng diện tích toàn vùng hơn 100.000 km2, dân số hơn 10 triệu người. Số người lao động trong độ tuổi lao động trên 5,5 triệu người, chiếm 61 % dân số toàn vùng và bằng khoảng 10,5% cả nước.
Hoàng Mạnh